MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Trung Quốc không muốn làm ‘nền kinh tế lớn nhất thế giới’?

02-06-2014 - 10:09 AM | Tài chính quốc tế

Dường như khi cơn khát tăng trưởng qua đi, Trung Quốc mới nhận ra rằng họ đã phải trả giá quá nhiều và những chỉ số kinh tế không quan trọng bằng chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường và tăng trưởng bền vững.

Theo tờ Thư tín địa cầu (Global Mail), một tuần sau khi các số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong năm nay và trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, có thông tin cho biết lần đầu tiên 3 công ty đại chúng lớn nhất thế giới và 5/10 công ty hàng đầu trong danh sách Forbes Global 2000 là của Trung Quốc.

Các công ty của Mỹ chiếm 5 vị trí còn lại trong tốp 10 doanh nghiệp đứng đầu. Các công ty lớn nhất của Mỹ là JPMorgan Chase và Berkshire Hathaway, đứng thứ 4 và thứ 5, sau Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Không có công ty châu Âu nào trong tốp 10, khi Royal Dutch Shell và HSBC Holdings, nằm trong tốp 10 năm ngoái, đã bị rớt khỏi nhóm này.

Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, đã đưa thông tin trên không bình luận dưới tiêu đề "Forbes: Trung Quốc có 3 công ty lớn nhất thế giới". Động thái này của Tân Hoa xã khác với việc đưa tin Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất trong năm nay. Lúc đó Tân Hoa xã gần như im lặng hoặc giảm nhẹ thông tin này.

Trên thực tế, Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) đã thể hiện một cách rõ ràng việc không đánh giá cao những dự báo sử dụng sức mua tương đương bằng tuyên bố, "người Trung Quốc muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải xếp hạng nhân tạo là nền kinh tế số 1 thế giới". Báo này dẫn một báo cáo khác của WB cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt khoảng 16.800 tỷ USD năm 2013, so với GDP 9.180 tỷ USD của Trung Quốc. Nếu tính theo GDP bình quân đầu người, Trung Quốc đứng thứ 99 trên thế giới.

Rõ ràng, Trung Quốc không hài lòng với việc nước này vươn lên nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối năm nay. Bắc Kinh hài lòng hơn với vị trí thứ hai bởi vì chính phủ có thể thúc giục người dân Trung Quốc làm việc chăm chỉ hơn. Nhân dân nhật báo nhắc lại rằng "bắt kịp Mỹ đã từng được tuyên bố là mục tiêu của nhân dân Trung Quốc. 

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ theo đuổi sức mạnh kinh tế, mà còn cả yêu cầu mạnh mẽ về lòng tự trọng và sự tự tin". Báo này chỉ ra rằng dưới triều nhà Thanh (1644-1911), GDP của Trung Quốc từng đứng đầu thế giới và kết luận rằng "đối với hầu hết người Trung Quốc, chất lượng cuộc sống tốt hơn với thực phẩm, nước sạch và không khí an toàn quan trọng hơn việc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới".

Do vậy, việc theo đuổi tăng trưởng GDP, đã chi phối chính sách của Trung Quốc trong 35 năm qua, hiện tụt xuống thứ yếu so với các vấn đề chất lượng cuộc sống. Trong một bài phát biểu gần đây tại Trịnh Châu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng nước này nên thích nghi với những tiêu chuẩn mới của tăng trưởng kinh tế và một nền kinh tế phát triển chậm lại. Ông Tập Cận Bình nói: "Chúng ta phải tăng cường sự tự tin, thích nghi với điều kiện mới dựa trên đặc điểm của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay".

Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng tuyên bố tại một hội nghị tại Bắc Kinh rằng sẽ không có những biện pháp kích thích kinh tế lớn và các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ ổn định. Những phát biểu trên trùng với những báo cáo rằng mức tăng trưởng kinh tế quý I/2014 của Trung Quốc chậm lại còn 7,4%, so với con số 7,7% của năm 2012 và 2013.

Việc không còn nhấn mạnh vào tăng trưởng GDP, và nhấn mạnh vào bảo vệ môi trưởng, cải cách và công bố thông tin nhiều hơn cho các nhà đầu tư đều là những bước đúng hướng. Tiến bộ của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc thực thi những chính sách này trong tương lai.

Theo Lam Giang

huongnt

Infonet

Trở lên trên