MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vô địch World Cup sẽ giúp Argentina vượt qua khủng hoảng nợ?

10-07-2014 - 22:26 PM | Tài chính quốc tế

Mây đen ám ảnh của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2001 vẫn hiện hữu trước mắt quốc gia Nam Mỹ

Trong khi người dân Argentina vẫn còn ngất ngây với chiến thắng kịch tính của đội tuyển bóng đá "xứ Tango" trước Hà Lan sau loạt sút luân lưu trong trận bán kết World Cup 2014 thì mây đen ám ảnh của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2001 vẫn hiện hữu trước mắt quốc gia Nam Mỹ này, khi Tòa án ở Washington DC (Mỹ) hồi tháng Sáu vừa qua ra phán quyết yêu cầu chính phủ của bà Christina Kirchner phải trả 1,3 tỷ USD tiền lãi và tiền trái phiếu cho các chủ nợ trước ngày 30/7 tới.

Động thái trên đã dẫn tới sự lo ngại lớn về khả năng Argentina phải đối mặt với nguy cơ tái diễn khủng hoảng, nhất là khi thời hạn chi trả tiền nợ trái phiếu có thể chỉ ngắn trong vài tuần. 

Trong quá khứ, Argentina từng trải qua nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn song dư chấn của vụ vỡ nợ 100 tỷ USD kéo theo khủng hoảng tài chính năm 2001-2002 vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nước này cho đến tận bây giờ.

Nguy cơ tái khủng hoảng

Sau cuộc thảo luận ngày 7/7 mới đây tại New York (Mỹ) giữa Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof với luật sư Daniel Pollack, phái viên đặc biệt do Thẩm phán tòa án liên bang Mỹ tại New York Thomas Grieasa chỉ định, Argentina khẳng định nước này không có khả năng thanh toán nợ cho các quỹ đầu tư Mỹ theo như phán quyết của Tòa án Mỹ để Buenos Aires tránh được kịch bản vỡ nợ. Như vậy, cuộc thương lượng chưa có dấu hiệu sẽ có bước đột phá, ngoài việc hai bên xác định sẽ tiếp tục đàm phán.

Theo phán quyết hồi trung tuần tháng 6/2014 của Tòa án Mỹ, ngày 30/7 tới là thời hạn cuối cùng Argentina phải trả 1,3 tỷ USD tiền trái phiếu và tiền lãi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó hai chủ nợ lớn nhất là NML Capital và Aurelius Management. 

Phán quyết này cấm Argentina trả nợ cho các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu, nếu nước này không đồng thời thanh toán nợ cho các quỹ trên.

Ngay lập tức, Argentina đã phản đối mạnh mẽ phán quyết trên. Ông Kicillof cho rằng Argentina không đủ khả năng tài chính để tuân thủ phán quyết trên của tòa án Mỹ và việc hoãn thi hành là điều cần thiết vì phán quyết không chỉ liên quan đến các nguyên đơn, mà có thể sẽ mở rộng đến toàn bộ chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này.

Ông Kicillof khẳng định Argentina sẽ tiếp tục đối thoại để đảm bảo các điều kiện pháp lý, công bằng và phù hợp vì lợi ích của tất cả chủ nợ. Argentina lo ngại việc thanh toán cho toàn bộ các chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ có thể khiến nước này mất tới 15 tỷ USD (tức hơn 50% dự trữ ngoại tệ quốc gia).

Trước đó, tại hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra ngày 3/7 tại Washington, Argentina đã kêu gọi các nước Mỹ Latinh cũng như những tổ chức quốc tế hỗ trợ tìm kiếm một "giải pháp khẩn cấp" để nước này đối phó khủng hoảng nợ. Ông Kicillof nhấn mạnh điều mà Argentina cần là hành động, không chỉ là lời nói trong bối cảnh tình hình đang rất khó khăn và nước này còn ít thời gian.

Argentina cho hay hiện không có khả năng thanh toán theo yêu cầu của tòa án Mỹ nên buộc phải đề nghị OAS nhóm họp để ngăn ngừa những tác động mà nước này cho rằng sẽ "vượt quá phạm vi các vấn đề tài chính và có thể gây ra những tác động mang tính toàn cầu.”

Theo Argentina, phán quyết trên sẽ tạo ra tiền lệ xấu, đẩy nước này vào cuộc chiến với tất cả chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này, khi giáng đòn mạnh vào nỗ lực tiếp cận thị trường vốn quốc tế cũng như chương trình tái cơ cấu nợ.

Ngược dòng lịch sử, Argentina trong thập niên 1990 đã thực hiện các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế rất mạnh mẽ, và đáng chú ý nhất là chương trình tư hữu hóa hàng loạt doanh nghiệp quốc doanh. Cũng như các nền kinh tế đang chuyển đổi hiện nay, việc tư hữu hóa ồ ạt, nhất là việc bán các doanh nghiệp được tư hữu hóa cho nhà đầu tư nước ngoài, bước đầu đã mang lại lượng dự trữ ngoại tệ lớn cho Argentina.

Nguồn thu từ chương trình tư hữu hóa cùng với việc vay nợ nước ngoài đã giúp Chính phủ Argentina ổn định giá trị của đồng nội tệ, tạo nền tảng để được các thành tích tăng trưởng sau đó. Ngoài ra, những thành tựu kinh tế và sự ổn định trong giá trị đồng nội tệ đã góp phần kéo dòng vốn quốc tế chảy ồ ạt vào Argentina.

Chính phủ Argentina đã tận dụng uy tín quốc gia đang lên để liên tục vay nợ nước ngoài. Như vậy, các khoản nợ nước ngoài tăng dần, từ mức tương đương 35% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 1995 lên gần 65% GDP năm 2001. Khoản nợ nước ngoài này dẫn đến hậu quả tai hại là làm Chính phủ Argentina không còn khả năng đối phó trước những rủi ro trong thâm hụt ngân sách.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngưỡng an toàn đối với các nước đang phát triển là tỷ lệ nợ nước ngoài phải dưới 40% GDP. Tuy vậy, chính phủ các nước thường bỏ qua một vấn đề rất quan trọng là lãi suất thực phải trả. Nếu tính đến lãi suất thực trong khoảng từ 7-10% thì đây lại là một khoản nợ khổng lồ. Nếu một quốc gia không có tốc độ phát triển cao thì không thể nào vay nợ ở mức cao như vậy, nhất là vay bằng ngoại tệ mạnh.

Hệ quả không thể tránh khỏi là khi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu giảm sút (khi nguồn tài nguyên dầu mỏ cạn dần) cùng với nhập khẩu tăng liên tục thì những lỗ hổng bắt đầu lộ ra. Từ năm 1999, Argentina đã bắt đầu gặp phải những mất cân đối trong chi tiêu ngân sách.
Do đã tư hữu hóa ồ ạt các doanh nghiệp quốc doanh trong thời gian trước đó, Chính phủ Argentina không còn nguồn thu nào khác ngoài thuế để bù đắp thâm hụt, trong khi vẫn phải trả nợ cho các hóa đơn vay nợ nước ngoài trước đây.

Bài học xương máu không chỉ cho riêng Argentina từ cuộc khủng hoảng trên chính sự quá chủ quan vào những thành công về tăng trưởng mà bỏ qua những vấn đề như tình trạng tham nhũng, cổ phần hóa ồ ạt và thất thoát, bộ máy hành thu thuế yếu kém, vay nợ nước ngoài thiếu cân nhắc. 

Và điều quan trọng nhất chính là việc Argentina thiếu cơ chế giám sát hữu hiệu đối với hoạt động vay nợ nước ngoài thì nguy cơ khủng hoảng tài chính sẽ là kết cục tất yếu.

Nhiệm vụ có khả thi?

Các nhà phân tích nhận định phán quyết của tòa án Mỹ thực sự đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực quay trở lại thị trường tài chính quốc tế của Argentina sau 13 năm vắng bóng trên các thị trường vốn quốc tế. Theo họ, Argentina cần tranh thủ thời gian tìm cách thương lượng với các chủ nợ để tránh nguy cơ vỡ nợ lần nữa và uy tín bị giảm mạnh.

Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 17/6 đã hạ hai bậc xếp hạng nợ của Argentina, từ CCC+ xuống CCC- (nghĩa là dưới mức khuyến khích đầu tư 9 bậc) với triển vọng "tiêu cực", đẩy nước này rơi xuống vị trí quốc gia có mức xếp hạng thấp nhất trong lịch sử. S&P cảnh báo phán quyết trên làm tăng rủi ro gián đoạn hoạt động thanh toán nợ, và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của Argentina.

Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực từ phán quyết trên đối với các nỗ lực của Argentina nhằm giải quyết tình trạng nợ nần. Theo một số chuyên gia, phán quyết này có thể khiến các nhà đầu tư từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ, cản trở các nỗ lực của IMF và các quốc gia tài trợ nhằm giúp các nước gặp khó khăn tài chính cải thiện tình hình.

Dự kiến, nếu không đạt được thỏa thuận với các quỹ đầu tư Mỹ trước hạn chót vào ngày 30/7 tới, Argentina có nguy cơ phải tuyên bố vỡ nợ lần thứ hai kể từ năm 2001. Tuy vậy, Chánh văn phòng Nội các Argentina Jorge Capitanich, tỏ ra lo ngại về khả năng thành công của các cuộc đàm phán trên, khi cho rằng các quỹ đầu tư của Mỹ thực chất không muốn đàm phán vì "đã từ chối một cách thẳng thừng và có hệ thống mọi đề nghị đàm phán từ nước này."

Trước đây, NML Capital và Aurelius Management - chuyên tìm mua cổ phiếu của các chính phủ hoặc công ty phá sản của Argentina trên thị trường thứ cấp với mức giá chỉ bằng 10-20% giá niêm yết để sau đó sử dụng hệ thống tòa án của Mỹ yêu cầu các con nợ phải thanh toán theo giá ghi trên giấy tờ - từng từ chối tham gia các chương trình tái cơ cấu nợ năm 2005 và 2010 của Argentina.

Trước tình hình nghiêm trọng nói trên, ông Jay Newman, người đứng đầu công ty mẹ của NML là Eliot Management, đã đề xuất một thỏa thuận có thể giúp Argentina thanh toán nợ với mức thấp hơn giá trị trên giấy tờ của trái phiếu và không ảnh hưởng nhiều tới dự trữ ngoại tệ. 
Theo đề xuất này, Argentina sẽ thanh toán từng phần, bằng loại trái phiếu mới và các công cụ tài chính khác. NML khẳng định sẽ cho Argentina thêm thời gian nếu nước này có những động thái cụ thể và nghiêm túc hướng đến việc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý.

Vào ngày 14/7, tại sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro (Brazil), đội tuyển bóng đá Argentina, sau 24 năm chờ đợi, lại góp mặt trong một trận chung kết bóng đá thế giới. Với siêu sao Lionel Messi, Argentina  đang hy vọng có thể nâng cao chiếc Cúp vàng bóng đá lần thứ 3 trong lịch sử bóng đá nước này.

Nhưng chiếc cúp này cũng không thể giúp Argentina vượt qua khủng hoảng nợ, Argentina cần có sự chung tay của chính phủ, các tổ chức, đoàn thể, người dân, cũng như sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế (và ... cả các chủ nợ)./.


Theo Anh Quân 

huongnt

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên