MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Volkswagen và "cơn ác mộng" của dòng xe truyền thống

07-10-2015 - 08:20 AM | Tài chính quốc tế

Thảm họa Volkswagen phải gánh chịu do gian dối khí thải cũng là nỗi sợ hãi chung của các ông chủ những dòng xe truyền thống. Liệu thị trường xe sẽ đi theo chiều hướng nào?

Ngày 26/9, Tập đoàn Volkswagen (Đức) đã bổ nhiệm sếp cũ của Hãng Porsche - ông Matthias Muller làm giám đốc điều hành (CEO). Ông Muller thay Martin Winterkorn, người đã tuyên bố từ chức trước đó ba ngày.

Đây là điều gần như không thể tránh khỏi sau khi hãng xe đứng đầu thế giới về doanh số bán hàng này trải qua "một tuần tồi tệ nhất", theo nhận xét của kênh truyền hình CNBC.

Dấu hỏi về sự trung thực

Ngày 18/9, Chính phủ Mỹ yêu cầu Volkswagen thu hồi 500.000 chiếc xe chạy bằng dầu diesel đã bán tại thị trường nước này trong 6 năm qua. Theo đó, Volkswagen bị cáo buộc đã sử dụng thiết bị gian lận để qua mặt cơ quan kiểm tra lượng khí thải.

Thông tin này rộ lên đánh động tất cả những thị trường khó tính của Volkswagen, và 3 ngày sau, họ thừa nhận có gắn một thiết bị giúp che giấu khí thải trên tổng cộng 11 triệu xe, bao gồm các dòng Audi, Jetta, Beelte, Golf và Passat.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (United States Environmental Protection Agency - EPA) cho rằng Volkswagen đã sử dụng phần mềm gọi là "thiết bị triệt tiêu". Theo đó, mỗi lần đến trạm kiểm tra khí thải, thiết bị này sẽ kiểm soát lượng khí bốc ra, đánh lừa cơ quan chức năng. Khi xe chạy trên đường, thiết bị này ngưng hoạt động và thế là những chiếc xe Volkswagen thải ra lượng khí độc cao gấp 40 lần mức cho phép của EPA.

Jetta - một trong 5 dòng xe Volkswagen bị phanh phui có gắn thiết bị lừa dối Theo BBC, vụ bê bối này sẽ tiêu tốn của Volkswagen hàng chục tỷ USD, trong đó có 7,5 tỷ USD dành ra cho việc bù đắp thiệt hại theo dự kiến, cùng mức tiền phạt nhiều khả năng lên tới 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều Volkswagen lo sợ nhất. Vụ việc lần này tạo nên "khủng hoảng niềm tin" nghiêm trọng, dẫn tới sự sụt giảm trước tiên ở giá trị của Hãng trên thị trường chứng khoán. Tính đến 25/9, cổ phiếu Volkswagen rớt gần 30%, tức kém đi tới 50% so với đỉnh điểm 52 tuần họ đạt hồi tháng 3 năm nay.

Volkswagen Golf Sau khi CEO Martin Winterkorn từ chức, Giám đốc Điều hành của Volkswagen tại thị trường Mỹ là Michael Horn cũng ra đi. Động thái này được xem là sự thanh lọc cho hãng xe Đức nhằm vớt vát lại niềm tin, và giá trị của họ trên thị trường chứng khoán có nhích lên đôi chút.

Sau vụ việc của Volkswagen, Mỹ và các nước châu Âu đã kêu gọi những cải tổ trên diện rộng về kiểm tra khí thải các hãng xe. Trên thực tế, Volkswagen là trường hợp gây chấn động, nhưng có lẽ họ không phải là thương hiệu duy nhất sử dụng thủ thuật để lừa dối khách hàng và cơ quan chức năng.

Năm 2014, Hyundai và KIA cũng bị phạt hàng trăm triệu USD về việc quảng cáo không trung thực khả năng tiết kiệm xăng của các loại xe của họ.

Ông Matthias Muller - sếp cũ của Porsche, sẽ đứng trước thách thức vực dậy uy tín của Volkswagen Xác lập cột mốc cho xe điện?

Xe chạy bằng xăng, dầu đang mất dần thị phần do các nước bắt đầu sử dụng nhiên liệu "sạch". Và có lẽ thảm họa do Volkswagen gây ra sẽ góp phần đẩy nhanh sự chuyển đổi của người dùng về những dòng xe năng lượng mới.

Đối thủ lớn nhất của Volkswagen cũng như các dòng xe chạy dầu diesel truyền thống không gì khác hơn là xe điện, với đại diện mạnh nhất là thương hiệu Tesla của tỷ phú trẻ tuổi Elon Musk.

Như một sự trùng hợp, ngày 25/9, tức ngay trong lúc vụ bê bối của Volkswagen ầm ĩ nhất, Tesla khai trương nhà máy sản xuất xe điện tại Hà Lan - nhà máy đầu tiên đặt tại châu Âu của thương hiệu xuất xứ từ Mỹ.

CEO của Tesla, Elon Musk, trong buổi ra mắt ấy cũng lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng nên thay đổi cách thức thẩm định mức độ thải khí ô nhiễm của xe hơi bằng việc kiểm tra đột xuất thay vì chốt tại các trạm kiểm soát như nhiều năm qua.

"Những gì chúng ta đang thấy ở những chiếc xe chạy bằng dầu diesel là tất cả đã tới điểm giới hạn nên thủ đoạn gian trá là lựa chọn duy nhất", AFP dẫn lời ông Musk.

CEO Elon Musk của Tesla Việc Tesla mở nhà máy sản xuất tại Hà Lan cũng tương đối dễ hiểu nếu biết rằng đây là thị trường xe điện hàng đầu thế giới. Theo thống kê của tạp chí Forbes hồi tháng 7, lượng xe điện tiêu thụ ở Hà Lan trong quý I/2015 là 5.760 chiếc, chiếm 5,7% thị trường toàn quốc. Nhưng Hà Lan còn xếp sau Na Uy. Thống kê tương tự, ở Na Uy là 8.112 chiếc, chiếm tới 33,1% thị trường, tức cứ 3 xe hơi bán ra tại đây thì có 1 chiếc chạy điện.

Na Uy nhiều năm qua đã được xem như "thiên đường của xe điện" khi chính phủ khuyến khích người dân sử dụng xe nguyên liệu sạch. Theo đó, người dùng xe điện sẽ được nhiều ưu tiên như được lưu thông trên làn đường xe buýt, hỗ trợ sạc điện miễn phí, giảm thuế mua xe, ưu tiên nơi đỗ xe.

Mỹ và châu Âu đang đòi hỏi nhiều hơn nữa từ việc kiểm tra khí thải sau khi bị Volkswagen lừa dối suốt 6 năm
Mỹ và châu Âu đang đòi hỏi nhiều hơn nữa từ việc kiểm tra khí thải sau khi bị Volkswagen lừa dối suốt 6 năm

Châu Âu và Mỹ vốn đã nghiêm khắc trong việc kiểm tra lượng khí thải của phương tiện lưu thông. Đây là một trong những lý do không nhỏ gây khó khăn cho cả người dùng lẫn việc buôn bán của các hãng xe.

Và trong thời điểm Trung Quốc - thị trường xe hơi béo bở nhất thế giới, đang có dấu hiệu sụt giảm doanh số và khủng hoảng tài chính, việc quay lại thị trường Mỹ và châu Âu đang là điều quan trọng đối với những ông chủ làng xe. Nhưng trong bối cảnh vụ việc của Volkswagen bị phanh phui, áp lực về khí thải dành cho các thương hiệu khác cũng sẽ rất lớn. Đó cũng là cơ sở để tin rằng các dòng xe điện đã có cú hích đáng kể trong việc xâm lấn thị trường.

 

 

Theo GIANG LANG

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên