MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: Phá giá Nhân dân tệ không còn hiệu quả như trước

20-08-2015 - 12:09 PM | Tài chính quốc tế

Việc hạ giá Nhân dân tệ thay vì đem lại lợi ích cho chính người dân Trung Quốc lại có thể chỉ khiến các tập đoàn quốc tế thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Động thái giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tạo ra rất nhiều dự đoán về một cuộc chiến giảm giá tiền tệ để cạnh tranh. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho thấy việc giảm giá đồng tiền hiện nay chỉ có một nửa hiệu quả kích thích xuất khẩu so với thời kỳ giữa thập niên 90.

Theo WB, việc ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm đã khiến những thay đổi trong tỷ giá đồng tiền không còn tạo hiệu ứng mạnh cho xuất khẩu như trước đây nữa. Hiện đã có một sự khác biệt rõ ràng giữa ảnh hưởng từ việc hạ giá đồng tiền theo lý thuyết và tác động thực tế của động thái này trên thị trường.

Những số liệu mà WB thống kê được cho thấy rõ việc hạ giá đồng tiền không có tác động mạnh như cách đây 2 thập kỷ. Các chuyên gia kinh tế của WB cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng lý do chủ yếu nhất là việc toàn cầu hóa quá trình sản xuất, phân phối một sản phẩm. Hay nói cách khác, nhiều quốc gia tham gia sản xuất một sản phẩm và hệ thống phân phối loại hàng hóa này được trải rộng trên toàn cầu đã khiến động thái điều chỉnh tỷ giá của một nước không còn sức mạnh như xưa.

Ngân hàng này nhận định việc tính toàn chính xác hiệu quả của động thái thay đổi tỷ giá tác động đến nền kinh tế là rất khó khăn. Một mặt, hạ giá đồng tiền có thể giảm chi phí sản xuất trong nước và tăng lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời cũng làm tăng giá nguyên vật liệu, sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Tại Australia, đồng tiền yếu khiến một chai nước nho ép từ vùng sông Magaret của nước này có chi phí sản xuất thấp hơn và cũng hấp dẫn hơn đối với thị trường quốc tế. Đồng thời, các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Pháp, Chile vào Australia có giá đắt hơn, qua đó hỗ trợ ngành công nghiệp nước ép nho nội địa.

Ở một khía cạnh khác, nhiều loại sản phẩm phức tạp như các mặt hàng điện tử lắp ráp tại Trung Quốc không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ việc thay đổi tỷ giá. Ví dụ như sản phẩm điện thoại thông minh, màn hình có thể được nhập từ Nhật Bản, chip được nhập từ Hàn Quốc, một số bộ phần khác được nhập từ Đông Nam Á, Châu Âu và thậm chí là Mỹ. Cuối cùng, chiếc điện thoại này mới được lắp ráp tại Trung Quốc. Như vậy, đồng Nhân dân tệ yếu đi làm giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu nhưng cũng tăng chi phí nhập khẩu của các bộ phận lắp ráp.

Nghiên cứu của WB cho thấy có thể người được lợi thực sự khi đồng Nhân dân tệ giảm giá lại là các công ty nước ngoài chứ không phải Trung Quốc. Khi người tiêu dùng mua iPhone tại bất kỳ đâu trên thế giới, được thiết kế tại California-Mỹ và lắp ráp tại Trung Quốc bởi các bộ phận nhập khẩu tại nhiều nước, lợi nhuận chủ yếu được tính cho Apple chứ không phải cho các nhà máy lắp ráp tại Đài Loan. Doanh số iPhone gia tăng cũng không thể khiến công nhân lắp ráp tại Trung Quốc tăng lương hay được hưởng thêm phúc lợi.

Mặc dù vậy, Trung Quốc đang ngày càng nhập khẩu ít đi những bộ phận lắp ráp từ nước ngoài. Thay vào đó, nước này đang thúc đẩy việc tự sản xuất các thiết bị, bộ phận trong nước. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giao dịch thương mại toàn cầu giảm tốc trong những năm gần đây.

Hãng Brown Brothers Harriman cũng đồng ý rằng động thái hạ giá Nhân dân tệ mới đây của Trung Quốc không giúp ích được nhiều cho xuất khẩu. Công ty này dẫn chứng việc đồng Yên giảm giá hơn 17% so với đồng USD trong năm qua nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản quý II/2015 vẫn ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó là những ví dụ tương tự ở Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là Đức.

Rõ ràng, hạ giá đồng tiền không phải là nguyên nhân tác động chủ yếu đến xuất khẩu mà là nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

Theo Hoàng Nam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên