MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yanis Varoufakis trải lòng về cuộc chiến kéo dài 5 tháng để cứu Hy Lạp

20-08-2015 - 10:27 AM | Tài chính quốc tế

Trong cuộc phỏng vấn lần đầu tiên kể từ khi từ chức, nguyên Bộ trưởng bộ Tài chính Hy Lạp cho hay Eurogroup đã “hoàn toàn và tuyệt đối” bị kiểm soát bởi Đức, Hy Lạp đã bị “dàn dựng” và cuộc trưng cầu dân ý là vô nghĩa.

Như vậy Hy Lạp cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ. Hôm qua (19/8), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã thông qua gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp, qua đó “mở khóa” khoản giải ngân đầu tiên trị giá 13 tỷ euro cho Athens chỉ một ngày trước khi quốc gia Nam Âu này phải thanh toán khoản nợ 3,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tuy nhiên, sau những gì đã diễn ra trong cuộc trưng cầu dân ý mà trong đó người dân Hy Lạp nói không với các chính sách thắt lưng buộc bụng, nhiều nhà quan sát khá choáng váng trước sự thỏa hiệp của Hy Lạp.

Nhưng Yanis Varoufakis thì không. Trong cuộc phỏng vấn điện thoại dài một tiếng đồng hồ với New Statesman, ông gọi những yêu cầu của các chủ nợ là “tuyệt đối không thể, hoàn toàn bất khả thi và đầu độc. Đây là loại đề nghị bạn nêu với đối phương khi bạn không muốn thỏa hiệp.”

Troika không muốn thay đổi

Ông còn cho biết thêm: “Đất nước này cần dừng ngay việc gia hạn và giả vờ, chúng ta phải dừng vay mượn thêm. Cứ giả vờ như chúng ta có thể giải quyết được vấn đề trong khi trên thực tế chúng ta không giải quyết được. Chúng ta đang chuyển gánh nặng nợ sang cho người nghèo, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.”

Theo đánh giá của Varoufakis, Troika chưa từng thực sự đàm phán trong suốt 5 tháng ông là bộ trưởng bộ tài chính. Ông lập luận rằng chính phủ Syriza của ông Alexis Tsipras đã được bầu để đàm phán lại một chương trình thắt lưng buộc bụng đã thất bại rõ rệt từ trước; trải qua 5 năm nó đã khiến 25% dân số Hy Lạp thất nghiệp, và tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng năm 1930.

Một hiệp ước ngắn hạn đã có thể đạt được sau khi Syriza nắm quyền vào cuối tháng 1. “Ba hoặc bốn cuộc cải cách” có thể đã được thống nhất, đồng nghĩa với sự hạn chế nới lỏng thanh khoản của ECB.

Thay vào đó, “phía đối phương khăng khăng vào một “hiệp ước toàn diện”, có nghĩa họ muốn thỏa thuận về mọi thứ. Tôi cho rằng khi bạn muốn nói đến tất cả mọi điều, thực tế là bạn không muốn nói về bất kỳ điều gì. Nhưng một hiệp ước toàn diện là điều không thể. “Hoàn toàn họ không đặt ra bất kỳ vấn đề mới nào.”

Varoufakis nói rằng Schäuble, bộ trưởng bộ tài chính của Đức đồng thời là tác giả của hiệp ước Hy Lạp ký năm 2010 và 2012, là một kẻ bảo thủ từ đầu đến cuối. Quan điểm của ông ta là “tôi không thảo luận về chương trình – nó đã được chính phủ trước đây (của Hy Lạp) thông qua và chúng ta không lý gì chấp nhận một cuộc bầu cử thay đổi tất cả.

Ai cũng biết rằng Varoufakis ra khỏi nhóm đàm phán của Hy Lạp ngay sau khi Syriza nhậm chức, ông vẫn phụ trách tài chính của quốc gia nhưng không còn ở trong cuộc. Không dễ để hiểu được lý do. Vào tháng 4, ông mơ hồ cho biết đó là vì “tôi cố luận bàn về kinh tế trong Eurogroup – nhóm 19 bộ trưởng bộ tài chính của các quốc gia sử dụng đồng Euro - và kết quả là không ai làm như vậy.”

“Không phải là ý kiến của tôi không được tiếp nhận mà là có phiếu trống khước từ việc tham gia vào các lập luận kinh tế đó. Bạn đưa ra một lập luận bạn chuẩn bị thực sự chu đáo, đảm bảo nó mạch lạc một cách logic, đổi lại bạn chỉ nhận được những cái nhìn trống rỗng như bạn chưa hề nói gì. Những điều bạn nói không liên quan đến những gì họ nói. Bạn sẽ nhận được phản ứng tương tự nếu bạn hát quốc ca Thụy Điển.”

“Họ đã nói chúng tôi cần tất cả số liệu về doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, chúng tôi dành rất nhiều thời gian cố gắng cung cấp cho họ và trả lời các câu hỏi, tham gia vô vàn các buổi họp.

Đó mới là bước đầu tiên. Bước thứ 2, họ hỏi bạn rằng bạn định làm gì với thuế GTGT. Sau đó họ sẽ từ chối đề nghị của chúng tôi nhưng không đưa ra đề nghị nào cả. Rồi sau đó, trước khi chúng tôi có cơ hội thỏa thuận về thuế GTGT, họ sẽ nhảy phắt sang một vấn đề khác, như là tư nhân hóa. Họ sẽ lại hỏi chúng tôi muốn làm gì để tư nhân hóa: chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến rồi họ bác bỏ. Rồi họ lại chuyển sang chủ đề khác, như lương hưu, rồi thị trường sản xuất, quan hệ lao động… Nó giống như con mèo đang đuổi theo cái đuôi của chính nó vậy.”

Kết luận của Varoufakis thật gọn gàng: “Chúng tôi đã bị bẫy.”

Khi được hỏi liệu thái độ của Đức có kiểm soát cục diện của Eurogroup, Varoufakis trả lời chắc nịch: “Ôi hoàn toàn và tuyệt đối. Không phải là thái độ của ông ta mà ông ta như là nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng đã được hòa âm kĩ lưỡng. Chỉ có bộ trưởng Pháp (Michel Sapin) có ý kiến khác so với luồng suy nghĩ của Đức, và những ý kiến đó rất tinh tế. Hẳn ông đã phải sử dụng ngôn ngữ hết sức tế nhị để được nhìn nhận là không phản đối. Và trong bài phân tích cuối cùng, khi Tiến sĩ Schäuble trả lời và quyết định đường lối chính thức, bộ trưởng Pháp im bặt.”

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nó bị phủ nhận bởi Eurozone và rất nhiều người nhìn nó như trò hề - một đoạn diễn ngắn mang đến một sự lựa chọn sai lầm và tạo ra hi vọng sai lầm, chỉ nhằm làm hỏng Tsiprs khi ông ký vào các thỏa thuận mà trước đó ông chống lại. Như Schäuble từng nói, cuộc bầu cử không cho phép thay đổi bất kỳ điều gì. Nhưng Varoufakis tin rằng nó có thể thay đổi tất cả. Vào cái đêm diễn ra trưng câu dân ý, ông có một kế hoạch mà Tsipras không mảy may đồng tình.

Eurozone có thể ra điều kiện với Hy Lạp bởi họ không còn sợ Grexit. Nhưng Varoufakis nghĩ rằng ông vẫn còn một vài đòn bẩy: một khi ECB buộc các ngân hàng của Hy Lạp đóng cửa, ông sẽ đơn phương hành động.

Varoufakis cho hay ông đã dành cả tháng trước cảnh báo chính phủ Hy Lạp rằng ECB có thể đóng cửa các ngân hàng Hy Lạp để buộc một thỏa thuận. Khi họ làm như vậy, Hy Lạp nên giành quyền kiểm soát các ngân hàng từ ECB. Varoufakis tự tin rằng Hy Lạp sẽ không bị Eurogroup trục xuất, không có quy định pháp lý nào cho một động thái như vậy. Nhưng chỉ bằng cách hiện thực hóa Grexit mới khiến Hy Lạp có được thỏa thuận tốt hơn. Và Varoufakis nghĩ rằng trưng cầu tạo cho Syriza các nhiệm vụ họ cần để chiến đấu với những bước nhảy táo bạo như vậy – hay ít nhất để cảnh báo điều đó.

Trong khi đám đông ăn mừng ở quảng trường Syntagma vào tối chủ nhật, nội chính Syriza tổ chức một cuộc bỏ phiếu quan trọng. Varoufakis thất bại trong việc giành sự ủng hộ với kế hoạch của mình, ông không thể thuyết phục Tsipras. Khi ông thất bại, sự ra đi của ông là không thể tránh khỏi.

Từ chức đánh dấu sự kết thúc cho mối quan hệ kéo dài 4 năm rưỡi giữa Varoufakis và Tsipras, người đàn ông ông gặp lần đầu năm 2010. Một phụ tá của Tsipras đã tìm ra ông sau những lời chỉ trích của ông với chính phủ George Papandreou, chính phủ chấp thuận sự giải cứu Troika năm 2010.

“Ông ấy [Tsipras] không làm rõ quan điểm của mình, về việc sử dụng drachma hay euro, về lý do gây ra khủng hoảng, và phải nói rằng tôi có “dự cảm” về những điều đã xảy ra”.

Sau cùng Tsipras đã tách Varoufakis ra. Ông hiểu tại sao. Varoufakis không thể đảm bảo liệu Grexit có hiệu quả. Sau khi Syriza lên nắm quyền vào tháng 1, một nhóm nhỏ, trên lý thuyết, đã nghĩ về việc nó sẽ như thế nào. Nhưng ông nói rằng: “Tôi không chắc chúng ta có thành công hay không, bởi quản lý một quỹ tiền tệ sụp đổ cần nhiều kinh nghiệm, tôi không chắc ở Hy Lạp làm được điều đó nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.” Tương lai nhiều năm thắt lưng buộc bụng còn ở phía trước, nhưng ông biết Tsipras có nghĩa vụ “không để quốc gia này trở thành một quốc gia thất bại.”

Mặc dù thất bại trong việc đấu tranh cho một thỏa thuận mới, Varoufakis dường như không thất vọng. Ông nói với tôi ông đang “ở trên đỉnh thế giới”.

"Giải thoát"

“Tôi không còn phải sống với thời gian biểu bận rộn này nữa, một thời gian biểu hoàn toàn vô nhân đạo đến mức khó tin. Trong 5 tháng, tôi chỉ có 2 tiếng để ngủ mỗi ngày. Tôi cũng thấy nhẹ nhõm khi không còn phải chịu đựng áp lực đáng kinh ngạc này để đàm phán về vị trí mà tôi khó lòng bảo vệ được.

Cảm giác được giải thoát của ông không đáng lấy làm ngạc nhiên. Varoufakis được chỉ định đàm phán với một châu Âu không muốn đàm phán, không còn phải lo sợ về Grexit hay kiểm soát hiệu quả tài khoản ngân hàng của Bộ Tài chính Hy Lạp. Rất nhiều nhà bình luận cho rằng ông thật ngu ngốc, và các nhà báo địa phương cũng như nước ngoài tôi gặp tuần trước ở Athens cũng nói về ông như một tên tội phạm. Một vài người sẽ không bao giờ tha thứ cho ông vì tội hồi sinh các cuộc đàm phán mới. Và những người khác buộc tội ông cho bất kỳ số phận khắc nghiệt nào đang chờ đón Hy Lạp.

Nhưng dường như Varoufakis không hề quan tâm. Trong suốt buổi trò chuyện ông không lúc nào cao giọng, trái lại ông cực kỳ điềm tĩnh và thường cười khúc khích. Câu chuyện của ông không phát ra sự hối tiếc, có vẻ ông coi quyền lực có được trước đó là một thứ vừa đáng yêu vừa đáng ghét.

Varoufakis sẽ quay lại với cuốn sách còn dang dở về khủng khoảng, nghiền ngẫm những lời đề nghị mới từ các nhà xuất bản mới gửi đến, và cũng có thể trở lại trường Đại học Athens sao 2 năm giảng dạy ở Texas.

Bằng việc từ chức và không ký vào thỏa thuận ông ghê tởm, ông đã giữ lương tâm mình thanh thản và giữ danh tiếng được nguyên vẹn. Đất nước của ông vẫn còn bị kẹt trong cái bẫy mà ông đã vất vả chống đối nhiều năm và chiến đấu trong nhiều tháng, nhưng ông thì đã "thoát".

Phương Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên