MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu ngân hàng: Cần dòng tiền mới

16-11-2016 - 14:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường kỳ vọng dòng tiền mới với quy mô lớn từ NĐTNN có thể hỗ trợ xử lý dứt điểm nợ xấu.

Vì sao cần NĐTNN tham gia tái cơ cấu NH?

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội NH châu Á (ABA) Thống đốc NHNN tiếp tục khẳng định Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu NH. Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hệ thống luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho các NĐTNN quan tâm bỏ vốn đầu tư.

Thực ra, không phải đến thời điểm này, hệ thống NH mới “cởi mở” đối với NĐT ngoại. Thời gian qua các NHTM đã chủ động, tích cực tìm kiếm các đối tác chiến lược, nhất là các đối tác ngoại. Với khối NHTM Nhà nước như VietinBank đã kịp nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 12% năm 2012 lên đến gần 28% vào năm 2014. Tương tự hai mốc thời gian trên, Vietcombank tăng từ 5% lên 20%. Trong khi các NHTM Nhà nước vẫn còn ít room cho khối ngoại, thì nhiều NHTMCP đã hết room 30% đối với NĐT ngoại như OCB…

Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt hơn cho các NĐTNN

CEO một NH có sự tham gia NĐTNN chia sẻ: vị trí NH được cải thiện đáng kể khi có sự tham gia của NĐTNN trên các mặt tài chính, kỹ thuật, quản trị điều hành, quản trị rủi ro… Tuy nhiên, thời kỳ trước, mục đích của NĐTNN vào Việt Nam khác với hiện tại. Khi đó các NĐTNN chủ yếu nhắm vào các NH đang hoạt động tốt, khả năng sinh lời cao và mục tiêu đầu tư trong ngắn hạn chỉ 3 - 5 năm. Còn thời điểm này, hệ thống NH đang cần sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khối ngoại vào các NH trong diện tái cơ cấu, hoạt động yếu kém.

Một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết tất cả các quốc gia khi gặp khủng hoảng về tài chính đều cần phải hỗ trợ, tham gia của NĐTNN. Nhưng đối với Việt Nam, theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thì nên khuyến khích sự tham gia của NĐTNN. Bởi độ mở thị trường tài chính Việt Nam ngày càng lớn và quan trọng nữa là nguồn lực tài chính tích lũy của nền kinh tế còn đang rất khó khăn.

Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, trong quá trình tái cấu trúc ngành NH không chỉ cần vai trò hỗ trợ của Chính phủ mà cần có sự tham gia của NĐTNN. Vì hệ thống TCTD đang tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, xử lý nốt những vấn đề dang dở trong giai đoạn tái cơ cấu trước đây.

Đơn cử như, tăng cường nguồn lực, xử lý dứt điểm nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiệm cận dần các chuẩn mực thông lệ quốc tế như Basel II và xa hơn là Basel III. Muốn đạt được thì nguồn lực vốn rất quan trọng. Nhưng đây lại là một trong những khó khăn lớn của các NH Việt Nam thời điểm này khi bản thân họ khó có thể thu xếp được, mà chờ vốn ngân sách còn khó hơn.

Vì Nghị quyết về Kế hoạch tài chính giai đoạn 2016 - 2020 thống nhất sẽ không sử dụng ngân sách để tái cơ cấu các DNNN và xử lý nợ xấu NH. Như vậy, các dòng tiền “cũ” từ NH, NĐT nội, ngân sách Nhà nước… đều khó khăn. Do đó, chỉ có dòng tiền mới với quy mô lớn từ NĐTNN mới có thể hỗ trợ xử lý dứt điểm nợ xấu, những yếu kém của hệ thống NH hiện nay.

Mở đến đâu?

Mở cửa thị trường tài chính sâu rộng hơn là điều mà hệ thống NH trước sau gì cũng phải thực hiện theo lộ trình hội nhập. Nhưng mở đến đâu, vận dụng như thế nào để hài hòa lợi ích các bên là vấn đề TS. Thành băn khoăn và đặt ra. Ví như tỷ lệ room cho NĐTNN ở mức nào và cho phép họ được tham gia tại bao nhiêu NH Việt Nam. “Đó là phép tính không có đáp án giải sẵn. Nó phụ thuộc vào cách nhìn, đánh giá của cả Việt Nam cũng như các NĐTNN với những đánh giá rủi ro mà họ có thể vấp phải”, TS Thành nhận định.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, quan điểm NĐTNN sẽ thay đổi trong thời gian tới. Nếu như trước đây NH nước ngoài đóng “vai phụ” thì giờ, để có thể xoay chuyển tình hình chắc chắn họ phải là người chủ đạo, có vai trò chính trong quản trị điều hành của NH đó. Điều này chắc chắn liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các NH thế nào. “Dù không nhất thiết là 100% nhưng họ phải đảm bảo kiểm soát về cơ bản hoạt động NH đó. Như thế, họ mới sẵn sàng tham gia tái cấu trúc NH yếu kém”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đã có ý kiến cho rằng phải sửa quy định room đối với NĐTNN theo phân khúc NH hoặc mức chung cho toàn hệ thống chứ không phải xét theo từng NH, phương án như hiện nay. Hiện tại, tuy các NĐTNN được phép trình các phương án để mua cổ phần NH nhưng có được hay không vẫn là ẩn số. Khi chưa biết chắc về khả năng mua, tỷ lệ mua là bao nhiêu, các NĐT ngoại không mấy mặn mà đối với các NH Việt Nam, nhất là NH yếu kém.

Một yếu tố nữa được đánh giá cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ NH thu hút vốn ngoại được đề xuất đó là sự ổn định dài hạn về chính sách. Bởi lẽ trước đây, các NĐTNN chủ yếu đầu tư ngắn hạn 3 - 5 năm, nhưng để tham gia khắc phục những yếu kém, tái cơ cấu hiệu quả NH phải mất một thời gian dài 10 năm, thậm chí là 20 năm. Với khoản đầu tư dài hạn đó, NĐT rất cần sự ổn định chính sách để phần nào họ dự báo về tương lai cũng như khả năng sinh lời của các khoản đầu tư đó để xem xét khả năng tham gia.

Chung quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các NĐTNN rất chú trọng đến các cam kết chính trị với những chính sách, định hướng rõ ràng trong dài hạn và cam kết sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình họ tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam...

Tuy nhiên, TS. Thành cũng lưu ý đến vấn đề rủi ro có thể phát sinh từ sự tham gia mạnh mẽ hơn của các NĐTNN. Đó có thể là xung đột lợi ích với NĐT khác nhưng quan trọng nhất là dịch chuyển dòng vốn. Trong điều kiện bình thường không vấn đề gì, nhưng khi có biến động xảy ra chắc chắn dòng vốn ngoại nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi đất nước thì hệ lụy vô cùng xấu. Vì thế, vị chuyên gia này nhấn mạnh đến bài toán hút vốn ngoại phải được cân nhắc, tính toán một cách thận trọng.

TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh

Tăng cường sự hiện diện của NĐT ngoại

Theo tôi hiểu ý kiến của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Hội nghị Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) vừa qua là sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường hơn nữa sự hiện diện của NĐTNN, chứ không đơn thuần chỉ là kêu gọi. Trong tiến trình tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống các TCTD Việt Nam sẽ không chỉ thực hiện tiếp những công việc như của giai đoạn vừa qua, mà còn là tăng cường sự có mặt và tham gia của các NĐTNN tại Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Đơn cử, nếu các NĐTNN bỏ vốn tham gia xử lý nợ xấu sẽ giúp cho việc mua bán nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả hơn. Vì thực tế cho thấy giải quyết nợ xấu không gì bằng tiền tươi thóc thật, cùng với đó là vấn đề giải quyết cơ chế, tháo gỡ nút thắt pháp luật... Vấn đề bây giờ thị trường đang cần là cơ chế. Nhưng quan trọng hơn, là sau khi cơ chế giải quyết xong, nút thắt tháo gỡ được rồi thì tiền đâu để mua bán nợ xấu?

Tôi đánh giá hiện nay Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Hơn bao giờ hết, bây giờ phải chuẩn bị lộ trình cho mọi thứ. Theo đó, các bên phải có sự chuẩn bị cùng lúc: Nhà nước lo triển khai cơ chế, NĐT nước ngoài và NĐT trong nước cũng cần thời gian chuẩn bị để tiến hành.

Thảo Minh

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên