Tái cơ cấu phải kiên quyết M&A
Sau một thời gian phát triển bùng nổ vào những năm 2008-2010, giai đoạn 2011-2015, hệ thống NH bắt đầu thu hẹp số lượng thông qua những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) của quá trình tái cơ cấu.
- 09-08-2018M&A – "chiến lược thập kỷ" của HDBank
- 08-08-2018M&A lĩnh vực ngân hàng: Tăng quy mô và nâng cao sức cạnh tranh
- 24-07-2018M&A ngân hàng có được hâm nóng?
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, hoạt động M&A rất trầm lắng, trong khi yêu cầu rút gọn các NHTM để tăng quy mô, chất lượng thông qua M&A vẫn là một mục tiêu lớn của ngành NH.
Chưa hưởng ứng chính sách
Trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD năm 2011-2015, NHNN cũng đã đề ra mục tiêu giảm số lượng NH trong hệ thống, tăng quy mô của các NHTM thông qua việc tiếp tục thúc đẩy quá trình M&A.
Tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, hoạt động M&A tiếp tục là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu ngành NH. Theo đó, các NHTM có vốn nhà nước cần lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; đồng thời phải tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN bao gồm cả mua lại, nhận chuyển giao bắt buộc, sáp nhập, hợp nhất TCTD yếu kém.
Đề án cũng khuyến khích các NHTMCP lành mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng, tham gia xử lý các TCTD yếu kém thông qua giải pháp M&A. NHNN được giao tiếp tục thúc đẩy việc M&A trên cơ sở tự nguyện các TCTD, thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn.
Giao dịch tại LienVietPostBank. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đầu năm 2017, trong Chỉ thị 02 về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh việc tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD thực hiện M&A. Các nhà đầu tư có đủ điều kiện được khuyến khích tham gia cơ cấu lại TCTD nhằm xử lý những đơn vị yếu kém.
Song theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, lĩnh vực tài chính NH là mảnh đất nhiều tiềm năng cho các hoạt động M&A, nhờ việc đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, nhưng đây chỉ là kỳ vọng cho thời gian tới. Bởi hiện tại hoạt động M&A trong lĩnh vực NH khá trầm lắng, nhiều thương vụ M&A được tính toán trước đây liên tục bị hủy bỏ.
Thời gian gần đây chỉ có một vài thương vụ diễn ra ở các NH ngoại (Shinhan Bank mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam, VIB mua lại mảng bán lẻ của Commonwealth Bank), và vài cú bắt tay hợp tác đầu tư giữa NH và đối tác ngoại. Chỉ có thương vụ M&A của HDBank và PGBank được xem là đình đám và thành công.
Ép M&A để lớn hơn
Thực ra những NH yếu không thể tồn tại được chỉ có 2 hướng giải quyết, giải thể phá sản hoặc M&A và phương án M&A đã được lựa chọn. Dù vậy, trong hơn 2 năm qua chỉ có những NH mạnh tính đến việc tìm NH nhỏ để M&A. Hiện LienVietPostBank cho biết năm nay muốn tăng vốn điều lệ thêm 2.869 tỷ đồng, trong đó có đối tác nước ngoài trong vấn đề M&A. Phía MB cũng nghiên cứu khả năng M&A với một số NH.
Đến nay trừ PGBank, 8 NHTMCP có vốn điều lệ từ 3.000-3.500 tỷ đồng vẫn không nhắc nhở đến việc M&A. Đáng chú ý là hiệu quả hoạt động của một số NH trong nhóm này khá thấp. Chẳng hạn VietCapital Bank công bố báo cáo tài chính quý II-2018 với mức lỗ trước thuế gần 33,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 10,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của NH chỉ đạt 53,2 tỷ đồng. Hay SaigonBank liên tiếp lên kế hoạch kinh doanh tích cực nhưng nhiều năm vẫn đạt kết quả không thực sự khả quan. Dù kết quả kinh doanh kém, các NH này vẫn “bình chân như vại” trước cơn lốc phát triển ngày càng nhanh của các NHTM lớn.
Để tăng năng lực về vốn, một số trong nhóm này cũng chỉ kỳ vọng vào việc tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, song với năng lực hiện tại khả năng đối tác ngoại tham gia M&A cũng mờ nhạt. Thực tế nhiều thương vụ đàm phán được công bố năm này qua năm khác hiện vẫn chưa đi đến hồi kết.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiện nay NHNN đã xem xét từng trường hợp để áp dụng mức tỷ lệ sở hữu phù hợp cho khối ngoại, với điều kiện NH chưa lên sàn phải tìm được nhà đầu tư chiến lược thảo luận trực tiếp. Tuy nhiên, với quy mô và sự phát triển chưa bài bản của các NH nhỏ tại Việt Nam, tìm được đối tác chiến lược nước ngoài là một bài toán khó.
Trong khi đó, nâng chất lượng các NH đang là vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2 của tái cơ cấu hệ thống. Do đó, việc dùng chính sách ép các NH nhỏ tự nguyện M&A là cách tốt nhất để giảm đầu mối, tăng quy mô. Cụ thể, NHNN có thể quy định thời điểm lên Basel II, tất cả các NH phải đạt mức vốn điều lệ nào đó, nếu NH nào không làm được phải ngồi lại với nhau để tính chuyện M&A.