MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao chúng ta lại quá khắt khe với người thân mà lại dễ dàng với người lạ - Đừng để cuối cuộc đời phải ân hận!

09-03-2019 - 18:24 PM | Sống

Đôi khi, những người mà ta yêu thương nhất có thể vô tình lại là người làm ta tổn thương nhiều nhất. Và điều ngược lại cũng đúng, đôi khi người mà chúng ta làm họ tổn thương nhiều nhất lại chính là người mà họ yêu thương ta nhất.

Vợ làm tổn thương chồng, chồng làm tổn thương vợ dù từng yêu thương mặn nồng. Cha mẹ làm tổn thương con cái, con cái làm tổn thương cha mẹ dù cùng một gia đình. Nhân viên làm tổn thương sếp, sếp làm tổn thương nhân viên dù cùng đồng chí, đồng đội.

Có những người từng rất yêu thương nhau, nhưng cuối cùng lại không thể nhìn nổi mặt nhau.

Lẽ dĩ nhiên, có những mối quan hệ trong xã hội theo kiểu hợp tác, hợp đồng. Khi không "thuận mua vừa bán", làm ăn không hợp thì chúng ta có thể cắt đứt một cách dễ dàng. Trong tình yêu, nếu không hợp nhau cũng có thể đường ai nấy đi, tình cảm rồi cũng sẽ phôi pha theo thời gian. Thế nhưng, có những mối quan hệ đặc biệt hơn như vợ chồng, hay gia đình máu mủ ruột thịt, đâu thể nào thích "cắt đứt" là "cắt đứt".

Bài viết này sẽ cho bạn một góc nhìn tâm lý về một xu hướng tâm lý trong hành vi con người, đó là: Chúng ta có khuynh hướng đối xử tốt hơn với người lạ, và đối xử tệ hơn với người thương. 

Sau khi bạn hiểu được lý giải về hiện tượng tâm lý này, bạn cần học cách điều chỉnh hành vi của mình (đối với những người có khuynh hướng đối xử tệ bạc với người thương) hoặc học cách phản ứng tích cực (đối với những người bị người thương đối xử tệ bạc).

Tại sao chúng ta lại quá khắt khe với người thân mà lại dễ dàng với người lạ - Đừng để cuối cuộc đời phải ân hận! - Ảnh 1.

Vì sao ta thường đối xử tệ với những người mình yêu thương nhất?

Trái ngược với quan niệm thông thường, tôi không nghĩ lý do là vì sự thân thuộc làm nảy sinh thái độ coi thường. Suy cho cùng, nguyên nhân không nằm ở việc ta dần trở nên "dị ứng" với những đức tính tốt đẹp mà ta vốn trân trọng ngay từ những lần đầu gặp gỡ (ví dụ, "Anh ghét việc em quá tử tế với tất cả mọi người!"). Thực chất, nguyên nhân là vì bên cạnh việc trân trọng các đức tính tốt, ta còn phải chịu đựng những điểm mình vốn luôn không thích của đối phương, mà khả năng chịu đựng của ai cũng có giới hạn.

Chẳng hạn khi chung sống với nhau trong một thời gian dài, ai cũng sẽ khó chịu về những điểm không tốt của đối phương. Là con người, ai cũng có những điểm không hoàn hảo. Tuy nhiên với người xa lạ, do chúng ta ít gặp và ít chung sống bên nhau, chính vì vậy mà chúng ta dễ dàng bỏ qua những điểm vụn vặt. Một mối quan hệ gần gũi thì ngược lại, những thứ vụn vặt, những thói quen xấu, những điểm không hài lòng tích tụ lâu dài sẽ dần dần trở thành một sự khó chịu khi mỗi người vượt qua ngưỡng chịu đựng. Khi ấy là thời điểm "giọt nước tràn ly", chúng ta không còn chấp nhận được những điều đó và dẫn đến sự khó chịu trong cảm xúc kéo theo những hành vi đối xử tệ bạc với nhau, chẳng hạn giận dỗi, cãi vã, mắng chửi,…

Hơn nữa, có một thực tế là nỗi đau thường khiến ta chú ý nhiều hơn niềm vui. Đối với những người xa lạ, chúng ta không dễ dàng đối xử tệ bạc với họ, bởi vì phép lịch sự, chúng ta sẽ giữ ý và kiềm chế hành vi. Ngược lại, đối với người gần gũi quen thuộc chúng ta không ngại nói thẳng, xả thẳng cảm xúc,… Chính vì thế những nỗi đau dần chạm vào nhau, khiến chúng ta khắc sâu và tổn thương nhiều hơn so với những niềm vui mang lại cho nhau. Mười niềm vui mang lại cho nhau đôi khi còn không bù được một nỗi đau hai người gây ra cho người khác.

Tất cả đưa ta đến với kết luận rằng: Con người có khả năng chịu đựng kém nhất đối với những khuyết điểm của người mà họ thân thiết nhất. 

Tại sao chúng ta lại quá khắt khe với người thân mà lại dễ dàng với người lạ - Đừng để cuối cuộc đời phải ân hận! - Ảnh 2.

Tuy nhiên, sống chung với các mối quan hệ không bao giờ là đơn giản. Có lẽ thế mà người ta làm hẳn một bộ phim truyền hình mang tên "Sống chung với mẹ chồng", hay sự lạnh nhạt trong mối quan hệ vợ chồng sau khi cưới nhau được một thời gian, sự rạn nứt tình cảm gia đình luôn là một vấn đề đáng bận tâm với rất nhiều người. Cuộc sống vốn không khó, đôi khi là do con người làm khó nhau. Chính vì thế, là một người thấu hiểu tâm lý, đừng lựa chọn đổ lỗi hay than phiền.

Cách tốt nhất là chúng ta hãy chấp nhận và tìm ra giải pháp. Bởi lẽ, đó là vấn đề mà ai cũng sẽ phải gặp. Con người ta thường có khuynh hướng tâm lý "Cỏ hàng xóm xanh hơn cỏ nhà mình", tức nghĩ rằng bãi cỏ bên kia hàng rào sẽ xanh hơn. Họ tin rằng cuộc sống của gia đình khác sẽ hạnh phúc hơn cuộc sống của họ. Nhưng sự thật thì ai cũng có vấn đề của mình. Né tránh vấn đề không bao giờ là cách giải quyết tốt. Thay vào đó, hãy đối mặt và vận dụng những hiểu biết tâm lý để tìm ra giải pháp gỡ rối vấn đề.

Tất nhiên, ta thực lòng muốn đối xử tốt với những người mà ta yêu thương, và thường cảm thấy vô cùng có lỗi vì đã đối xử tệ với họ. Vì thế, nếu như ta không bất mãn với bạn đời đến mức muốn ly hôn, không bất mãn với con cái đến nỗi muốn tống cổ nó đi cho khuất mắt, không bất mãn với cha mẹ đến mức muốn cắt đứt liên lạc với họ, thì ta nên làm gì?

Tại sao chúng ta lại quá khắt khe với người thân mà lại dễ dàng với người lạ - Đừng để cuối cuộc đời phải ân hận! - Ảnh 3.

3 nghệ thuật sống với người ta yêu thương vô tình làm bạn tổn thương 

Tạm gạt người đó ra khỏi cuộc sống của bạn 

Mục tiêu ở đây là nhằm tạo ra cảm giác vô cùng trân trọng. Và ta thường thấy trân trọng một điều gì đó nhất khi đứng trước nguy cơ đánh mất nó. Nghiên cứu cho thấy mọi người đều có thể tưởng tượng ra việc bị mất đi ai đó trong đời, và sự tưởng tượng này đủ sống động để khiến họ biết ơn rằng mình vẫn còn được ở bên người đó. Ta thực hiện việc này tốt nhất bằng cách tưởng tượng thật sinh động những khả năng cụ thể, những biến cố khiến họ phải rời xa ta.

Hãy thử cách này: Viết ra một danh sách những điểm mà bạn trân trọng ở đối phương, rồi mỗi sáng dành ra vài phút để tưởng tượng bạn thực sự có thể (hoặc sẽ) đánh mất họ. Thường thì ta sẽ có phản ứng xúc động trước cảnh tượng vắng bóng người thân yêu. Chẳng hạn, nếu muốn hình dung đời mình khi không còn người bạn đời ở bên, ta sẽ cần cảm nhận khoảng trống mà họ sẽ để lại, thấy rằng chiếc giường đôi giờ đây chỉ còn mình ta, nhìn thấy chiếc bàn ăn giờ đây không còn ai ngồi cạnh mình, nghĩ đến những sinh hoạt hàng ngày sẽ thay đổi ra sao khi không có họ. Một lần nữa, ta hình dung trong đầu những cảnh tượng: Đi xem phim một mình, đi du lịch một mình, vân vân. Lặp lại việc này mỗi ngày sẽ giúp bạn hình thành thói quen biết ơn và tràn ngập cảm giác trân trọng đối phương.

Dành thời gian ở bên người đó cùng với những người khác 

Cách ta thể hiện bản thân sẽ tùy thuộc vào việc ta đang ở cạnh ai. Chẳng hạn, bạn có bao giờ để ý thấy mình cảm nhận và cư xử theo mỗi cách khác nhau khi ở bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc sếp hay không? Ta đều mang trong mình nhiều phiên bản khác nhau, nhưng việc chọn phiên bản nào không hoàn toàn do ta quyết định, mà phần lớn tùy thuộc vào những người có mặt bên ta lúc đó. Vì vậy, tôi cho rằng mỗi khi có sự hiện diện của những người mà ta cảm thấy ít gần gũi hơn, ta sẽ cư xử nhã nhặn và tử tế hơn với họ và với cả người mà ta yêu thương. Thêm vào đó, bạn sẽ có cơ hội quan sát và yêu quý một phiên bản khác của đối phương, vốn cũng đang được họ thể hiện trước sự có mặt của những người khác. Tóm lại, sự tương tác giữa các bạn sẽ thay đổi khi có sự hiện diện của người khác, nhìn chung là theo chiều hướng tích cực hơn.

Tại sao chúng ta lại quá khắt khe với người thân mà lại dễ dàng với người lạ - Đừng để cuối cuộc đời phải ân hận! - Ảnh 4.

Tạm thời không gặp mặt nhau một thời gian, nếu cảm thấy cần thiết 

Hãy chỉ áp dụng cách này nếu bạn muốn làm mới cái nhìn của mình. Bạn sẽ một mình bước ra thế giới bên ngoài, để những trải nghiệm và những con người mới làm bộc lộ một phiên bản vị tha hơn trong bạn. Phiên bản này có cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống hiện tại, dễ tìm ra cách trân trọng những ưu điểm của người kia hơn, và có được cái nhìn cân bằng hơn về những điểm hạn chế của họ.

Ta không nên đối xử với người lạ tốt hơn với người mà mình yêu thương. Nhưng thực tế thì ta lại thường làm như vậy. Những gợi ý của tôi chỉ là một số phương pháp giúp cải thiện sức chịu đựng của bạn trước những hạn chế của đối phương, và để bạn không phải cảm thấy hối tiếc về cách mình đã đối xử với họ. Với tôi, chẳng có gì tệ hơn là đến cuối đời, ta chợt nhận ra mình đã đối xử tệ đến thế nào với những người vốn xứng đáng được ta trân quý nhất.

(Dịch: Psychology Today, Ubrand.global, Barcodermagazine)

Theo Edward

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên