Tại sao doanh nghiệp tư nhân khó chen chân vào ngành điện, hàng không, đường sắt?
Số lượng ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước đã giảm so với trước đây, nhưng để doanh nghiệp tư nhân có được cơ hội cùng tham gia, vẫn còn rất gian nan.
"Cải cách đặc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới" là chủ đề hội thảo được Viện nghiên cứu Trung ương (CIEM) phối hợp với Aus4Refrom tổ chức sáng 6/7.
Công nghiệp mạng lưới là nhóm ngành chuyên chở, truyền tải hàng hoá, con người, thông tin từ địa điểm này đến địa điểm khác. Như vậy, công nghiệp này bao gồm mạng giao thông, mạng thông tin, mạng thiết yếu. TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) nói rõ rằng đối tượng được nhắc đến là ngành điện, đường sắt, hàng không và viễn thông.
Những ngành này đã luôn có sự hiện diện, can thiệp của Nhà nước, thể hiện ở việc duy trì sở hữu, quy định điều tiết và giám sát.
Theo bà Luyến, trong các ngành công nghiệp mạng, độc quyền nhà nước hoàn toàn và trao cho DNNN thực hiện tất cả các khâu, công đoạn với lý do cần thiết cho điều tiết nền kinh tế, lý do an ninh quốc gia và các nhiệm vụ công ích...
Tuy nhiên, bà Luyến nói rằng yêu cầu thay đổi, cải cách hiện trạng này là cấp thiết. Nguyên nhân hiệu quả hoạt động giảm sút, thiếu hụt nguồn vốn, chậm thay đổi về khoa học – công nghệ cũng như hạn chế sự cạnh tranh.
Thực tế, các cơ chế, chính sách về sau đã đi theo hướng hạn chế độc quyền kinh doanh, không để lợi dụng địa vị độc quyền để duy trì đặc quyền, đặc lợi, lũng đoạn thị trường. Hay trong văn kiện Trung ương 3, khoá IX chỉ rõ: Thực hiện độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực cần thiết nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp...
Đại diện CIEM nhấn mạnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của các thành phần kinh tế vào các khâu, công đoạn không có tính độc quyền tự nhiên.
Ví dụ, với ngành điện, Luật Điện lực (2004) và Luật Điện lực sửa đổi (2012) nêu rõ cần thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Nhà nước chỉ độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh.
"Trước đây, độc quyền theo ngành dọc, độc quyền nhà nước hoàn toàn và trao cho DNNN thực hiện ở tất cả các khâu, công đoạn", bà Luyến nói và cho biết sau hiện độc quyền nhà nước đã được thu hẹp hơn.
Dù vậy, để khối tư nhân thực sự góp mặt kinh doanh, vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói rằng tương tự các nước, Việt Nam đã rất quyết tâm trong việc cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, bà cho biết do đặc thù bối cảnh nên quá trình này diễn ra tương đối khó khăn.
"Có những điều thuộc về thể chế chung của Việt Nam chứ không phải do từng lĩnh vực", bà Lan nói.
Cụ thể, dù Việt Nam đang khẳng định nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng đến nay, kinh tế nhà nước mà DNNN là bộ phận vẫn được xem là đóng vai trò chủ đạo. Trên văn bản có thể thể hiện khác, nhưng thực tế vẫn đang thể hiện kinh tế nhà nước đóng vai chính, theo bà Lan.
Theo đó, DNNN nhận được rất nhiều ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi. Nghĩa là luôn có sự phân biệt đối xử giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, việc cải cách liên quan đến độc quyền trở nên khó khăn hơn.
"Nhiều văn bản pháp quy dù đưa ra nhằm mục đích thúc đẩy cạnh tranh nhưng đồng thời tồn tại hàng loạt điều trói buộc làm cho người khác muốn tham gia thị trường cũng không nổi", bà Lan nói thêm và cho biết với những điều kiện mang tính đánh đố, doanh nghiệp tư nhân không "có cửa" gia nhập, trừ một số ít doanh nghiệp có quan hệ đặc biệt với cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp sân sau.
"Cách loại trừ doanh nghiệp tư nhân vẫn lớn trong lĩnh vực độc quyền", bà Lan bình luận thêm.
Trong khi đó, hệ thống quản trị DNNN còn nhiều khiếm khuyết, kém minh bạch, chậm giải trình. Những DNNN trong lĩnh vực độc quyền càng khó phát hiện những sai phạm, thậm chí, bà Lan còn cho rằng khi khuyết điểm lộ ra thì Nhà nước bao che, bênh vực, bất chấp thua thiệt cho nền kinh tế. Bà để ngỏ với câu hỏi: "Bệnh khó phát hiện, phát hiện được lại không chịu chữa, sao lành?".