MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao FED giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2019 và 2020?

Cục Dự trữ Liên bang (FED), hôm 19/12, đã chính thức nâng lãi suất cho vay cơ bản lần thứ tư trong năm nay, và dự kiến tăng lãi suất ít hơn trong năm 2019 và 2020, lần lượt còn 2 và 1 lần.

Lần nâng cuối cùng của FED trong năm 2018 đã đưa lãi suất cho vay cơ bản từ 2,25% lên 2,5%. Cùng với hành động này, FED cũng cho biết sẽ hạ số lần dự kiến tăng lãi suất trong năm 2019 từ 3 lần xuống còn 2 và chỉ tăng 1 lần trong năm 2020.

Thông tin trên dù đã được dự báo từ trước, thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức có phản ứng – ngập chìm trong sắc đỏ, theo tin của CNBC. Còn đối với Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng thị trường chỉ bị tác động nhẹ do đã có sự lường đón từ trước.

"Giả sử có tác động cũng chỉ một chút do tâm lý, tuy nhiên, điều này cũng chỉ duy trì trong vài ngày sẽ trở về trạng thái bình thường", ông Lực nói.

Với việc giảm tốc độ tăng lãi suất của FED, ông Lực lý giải bằng 3 lý do, trong đó, 2 yếu tố khách quan và 1 yếu tố nội tại.

Cụ thể, ở nhân tố khách quan, theo ông Lực, nằm ở vấn đề bối cảnh thương mại, chính trị thế giới có nhiều biến đổi. Cùng với đó, hiện nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trong đà tăng lãi suất, kéo theo mặt bằng lãi suất, thanh khoản tài chính tiền tệ toàn cầu ở mức độ "căng" hơn.

Còn bản thân nước Mỹ, vị chuyên gia này cho rằng những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mà chính quyền ông Trump bơm ra trong năm 2018 sẽ giảm phát huy tác dụng trong 2 năm tiếp theo.

"Cân nhắc những yếu tố này cộng với dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2019 - 2020 sẽ giảm thấp hơn so với năm nay khiến FED cảm thấy cần giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới", ông Cấn Văn Lực phân tích.

Đối với việc thị trường Việt Nam có những cú sốc sau lần tăng lãi suất của FED trước đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), cho rằng vấn đề đối với Việt Nam không phải đến từ bên ngoài, thay vào đó là các yếu tố nội tại.

Cụ thể, thị trường chứng khoán đang có hai vấn đề lớn nhất gồm: thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro toàn diện và đảm bảo được tính giám sát, chống gian lận trong các giao dịch.

Ông Dương cho rằng việc cần làm là phải giảm được mức độ tổn thương của thị trường tài chính trước các thông tin bất lợi.

"Điều này Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang cố gắng lưu tâm hơn trong nhiều năm nay nhưng để các thông tin trái chiều được đón nhận bình tĩnh hơn là điều không dễ", ông Dương nhận xét.

"Chúng ta cần phải tạo được nền tảng cũng như dần coi các biến động là việc thường xuyên. Bên cạnh đó, có thể nhìn nhận ở góc độ khác khi xem đây là cơ hội để Việt Nam mạnh mẽ, mạnh dạn hơn trong việc giới thiệu các công cụ phòng ngừa rủi ro, giúp nhà đầu tư tự bảo vệ mình", ông nói thêm.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên