MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai?

Việt Nam hiện đã vượt qua Thái Lan để trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở Đông Nam Á về công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt, với hơn 6.314 MW tính đến tháng 9/2020. Nhiều dự án năng lượng mặt trời hàng trăm MW cũng đang được xây dựng hoặc phát triển.

Hút nhà đầu tư Thái Lan

Gần đây, lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam liên tục thu hút các nhà đầu tư Thái Lan. Đầu năm 2020, Hội đồng quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan công bố việc cuối tháng 3/2020 đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo về quyết định sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam). Cả 4 dự án nêu trên đều được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 3/2019.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó Gulf sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất vào tháng 1/2019, Gulf đã mua thêm 41% cổ phần, tăng mức nắm giữ lên 90%.  Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan này còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.

Dự án Điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên) trước đây do Tập đoàn Trường thành Việt Nam làm chủ đầu tư, sau đó Tập đoàn này liên danh với Tập đoàn Thái Lan B.Grimm và bán lại 80% cổ phần dự án với giá 32,5 triệu USD.

Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế khiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành năng lượng ở Việt Nam chưa tăng mạnh như kỳ vọng. Covid-19 là một điển hình. Nhiều giao dịch M&A đang đàm phán đã bị đình trệ hoặc bị hủy bỏ vì đại dịch, buộc các chủ đầu tư Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược của mình. 

Rủi ro thay đổi chính sách cũng là một vấn đề lớn, bên cạnh những rủi ro khác như khó tiếp cận vốn, khó ký được hợp đồng mua bán điện với EVN, thiếu tài liệu bắt buộc và thẩm định về các khía cạnh E&S (môi trường và xã hội), cũng như thiếu các quy trình M&A được chuẩn hóa. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để tin rằng, M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời sẽ bùng nổ trong tương lai.

Tại sao M&A năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ bùng nổ?

Nhiều chuyên gia kỳ vọng hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời sẽ bắt đầu thu hút được nhiều lợi nhuận trong những tháng tới, khi các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá cả các khía cạnh khác thay vì chỉ tập trung vào các mối quan tâm về hợp đồng mua bán điện (PPA).

Nhiều dự án năng lượng mặt trời đang hoạt động: 2.988,9 MW công suất năng lượng mặt trời trên bờ sẽ có khả năng kịp vận hành thương mại vào cuối năm 2020. 

Việc mua lại các dự án đầu tư mới GI (Greenfield Investment) cần có sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và khó thực hiện. Trái lại, việc mua lại theo hình thức đầu tư BI (Brownfield Investment) đối với các nhà máy đang hoạt động dễ thực hơn nhiều trên khía cạnh pháp lý cũng như có thể giảm rủi ro vì đã có dữ liệu thực. 

Xếp hạng tín nhiệm tích cực của EVN: Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm của EVN ở mức 'BB' với triển vọng tích cực. 

Ưu đãi với đầu tư trực tiếp nước ngoài: Việt Nam là một quốc gia cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 

Nhu cầu điện tăng cao: Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng từ năm 2021 trở đi khi nhu cầu điện vượt quá nguồn cung. 

Biểu giá điện hấp dẫn: So với các dự án năng lượng mặt trời khác trong khu vực, biểu giá trong cả hai giai đoạn FIT đều cao, cho phép thu được lợi nhuận tương đối cao. 

H.S

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên