Tại sao khi còn trẻ lại cần kiếm nhiều tiền đến vậy? Cảm giác ổn định chỉ khi bạn có tiền và gia đình
Tại sao khi còn trẻ lại cần kiếm nhiều tiền đến vậy. Hàng ngàn người với hàng ngàn câu trả lời khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là một lý do cơ bản: Khi có tiền, bản thân mình sẽ thấy tự tin và có thể làm chỗ dựa cho những người thân khi họ gặp khó khăn.
- 30-07-2020Quan niệm kiếm tiền của người giàu khác với bạn: Việc càng ra tiền càng không vất vả
- 26-07-2020"Kiếm tiền nhờ cơ hội, tiêu tiền nhờ trí tuệ": Giữ tiền khó hơn kiếm tiền?
- 25-07-2020Ông bố nổi tiếng của Hollywood: Dù kiếm tiền triệu đô vẫn sẵn sàng bật dậy giữa đêm với con chỉ vì một lý do nhỏ này
Một số người khi bước vào tuổi trung niên luôn cảm thấy sợ khi nghe đến những buổi họp lớp hay gặp lại bạn cũ. Bởi vì nếu như cuộc sống của những người bạn cũ không tốt và họ lại không đủ diều kiện giúp đỡ người ta, hoặc cũng có thể ngược lại, những người bạn ấy giờ trở nên giàu có, và bạn thấy xấu hổ vì mình vẫn chưa có gì trong tay.
Chăm chỉ làm việc kiếm tiền khi còn trẻ chính là bạn đang từng bước xây lên tòa nhà trú ẩn cho chính mình trong tương lai và bảo vệ những người thân của bạn khỏi sóng gió bên ngoài.
Tình yêu có thể không cần tiền, nhưng hôn nhân thì không thể
Năm đó, tôi 23 tuổi, lần đầu tiên tôi đến nhà bạn gái để gặp bố mẹ cô ấy. Hai bác đã nấu một bàn đầy thức ăn. Không khí quá trang trọng và tôi cảm thấy hơi ngại.
Uống được ba lượt rượu, bố cô ấy bỗng nhiên đưa ra câu hỏi, đầu tiên là về những chủ đề không liên quan, và rồi câu chuyện thay đổi: "Khi nào cháu sẽ mua nhà?" Bên cạnh tôi, mẹ của cô ấy cũng làm như vô tình nói rằng con rể tương lai của nhà bác Minh mua nhà chung cư rồi, căn hộ có 3 phòng ngủ nhỏ, nhà bếp và phòng khách rộng rãi.
Tôi im lặng, thậm chí tôi không biết phải nói gì, bởi vì tất cả những gì tôi đang nghĩ trong đầu là thẻ lương 8 triệu mỗi tháng. Sau đó, bầu không khí trở nên nhạt nhẽo, tôi ăn vội ăn vàng cho xong, rồi lấy cớ công ty có việc đột xuất và phải quay về trong ngày.
Một tuần sau, tôi hẹn gặp bạn gái và chia tay trong bình yên. Cô ấy khóc như mưa, nhưng tôi vẫn quay lưng bỏ đi không tiếc nuối. Không phải là tôi tàn nhẫn, mà tôi bắt đầu hiểu rằng tình yêu có thể không cần đến tiền, nhưng hôn nhân lại khác. Tiền là một trong những nhân tố quyết định sự vững bền của một cuộc hôn nhân.
Cảm giác ổn định chỉ khi bạn có tiền và gia đình
Khi tôi bước sang tuổi 26, cuối cùng tôi đã có một số tiền tiết kiệm. Trong ba năm qua, tôi đã thay đổi công việc và đến một thành phố mới. Tôi đã thực sự chăm chỉ làm việc, thức dậy từ rất sớm và làm thêm giờ cho đến khi bình minh. Tiền lương của tôi tăng gấp ba. Đến khi tôi cảm thấy tôi đã đủ kinh tế để mua một ngôi nhà mới, tôi quyết định tìm mua nó. Nhờ người giới thiệu, tôi đi xem vài ba căn hộ, đẹp và đúng ý tôi. Nhưng khi hỏi giá, tôi chết lặng, gần đây giá nhà đã tăng quá nhanh.
Tôi đi bộ về nhà và chờ đợi giá nhà giảm. Nhưng càng đợi giá càng tăng, tôi tự nhủ: "Không thể chờ đợi lâu hơn nữa." Tôi bấm số gọi về nhà, vay số tiền tiết kiệm ít ỏi của bố mẹ, vay thêm ngân hàng một chút và bằng các mối quan hệ, tôi liên lạc với những người bạn, họ hàng thân thiết vay đủ số tiền còn thiếu. Ba ngày sau, hợp đồng mua nhà được kí kết. Khoảnh khắc ấy thật sự rất tuyệt.
Tôi bắt đầu hiểu rằng nếu tôi có tiền và một gia đình, tôi sẽ luôn cảm thẩy vững vàng.
"Thu nhập ổn định" rất quan trọng
Chỉ còn 3 tháng nữa là bước sang tuổi 28, tôi chính thức mất việc. Đó là thất nghiệp thụ động, và công ty chỉ bồi thường một chút gọi là có mà thôi.
Một lần nữa tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm một công việc mới. Ngay lúc đó, tôi đột nhiên thấy rằng sau 30 tuổi, để tìm được một công việc quả là khó khăn hơn trước. Hoặc mức lương quá thấp hoặc yêu cầu quá cao. Ngoài ra, còn có một lượng lớn sinh viên đại học vừa tốt nghiệp đang chờ đợi phỏng vấn. Sau khi trả hết khoản thế chấp mua nhà, tôi không còn một xu trong túi. May mắn thay, cuối cùng tôi đã tìm được một công việc mới trước 28 tuổi. Mặc dù nơi làm việc hơi xa nơi tôi sống, nhưng ít nhất mọi thứ đều có triển vọng.
Vì vậy, vào ngày sinh nhật thứ 28 của tôi, tôi đã cố tình mua một chiếc bánh nhỏ cho mình. Đó không phải là để tự thưởng cho bản thân, nhưng tôi nghĩ đôi khi, thu nhập ổn định cũng cực kỳ quan trọng, nó có thể cứu bạn khỏi những tình huống ngoài dự đoán.
Trở thành chỗ dựa cho người khác
Nháy mắt, tôi đã 32 tuổi và trở thành một ông chú phốp pháp trong mắt người khác.
Ngày ngày trôi qua suôn sẻ, mọi thứ đều đi đúng quỹ đạo, và bọn trẻ phải đi học mẫu giáo. Tôi có hai lựa chọn: trường mẫu giáo song ngữ ở ngay tầng dưới khu chung cư hoặc gửi chúng đến trường mầm non tư thục. Trường mẫu giáo song ngữ với các giáo viên nước ngoài giảng dạy, và mỗi tháng mất 10 triệu học phí. Trường tư thục chỉ tốn 4 triệu mỗi tháng và bọn trẻ sẽ được giáo viên trung tuổi dạy dỗ. Cả đêm hôm đó tôi thức trắng lên mạng tìm hiểu về các trường mẫu giáo, và cả việc lạm dụng tấn công trẻ em. Sáng sớm hôm sau, tôi nói với vợ là sẽ gửi bọn trẻ vào trường mẫu giáo song ngữ.
Tôi đã không nói với vợ rằng giai đoạn này công ty tôi đang điều chỉnh nhân sự, và tôi sắp nộp đơn xin chuyển việc. Tôi sẽ rời khỏi văn phòng nhàn nhã để đi theo công trình. Mặc dù sẽ mệt mỏi hơn nhưng bù lại thu nhập cũng sẽ tăng lên rất nhiều, hơn nữa khi bọn trẻ cần đến tôi, tôi không cảm thấy xấu hổ và không để con tôi thua ở vạch xuất phát.
Khi còn trẻ, hãy kiếm thật nhiều tiền
Ba năm nữa lại trôi qua, mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng tốt, và tôi còn có kế hoạch đưa bố mẹ đi du lịch khắp nơi khi họ nghỉ hưu.
Một buổi sáng, mẹ tôi gọi và bố tôi bị xuất huyết não khi tập thể dục buổi sáng.
Tôi điên cuồng phóng xe về nhà đưa bố lên Hà Nội, nơi tôi đang sống để khám bệnh, vì tôi tin với trang thiết bị y tế cực tốt và bác sĩ giỏi, mọi thứ sẽ ổn hơn rất nhiều.
Đúng là bệnh tình bố tôi đang tốt lên từng ngày, nhưng chi tiêu hàng ngày lên đến vài triệu cũng khiến tôi oải và áp lực. Hai tháng sau, bố tôi khăng khăng rời khỏi bệnh viện. Tôi không đồng ý. Tôi biết bố đang tiếc tiền. Nhưng bố tôi nói với tôi bằng một giọng bướng bỉnh kiên quyết: "Phần điều trị còn lại chỉ là phục hồi chức năng mà thôi, về quê bố sẽ tự tập được".
Tôi chở bố về quê và quay lại thành phố. Nước mắt tôi cứ trực tuôn ra. Bố mẹ già đi nhanh hơn tôi nghĩ. Tôi bắt đầu hiểu rằng đôi khi sự hiếu thảo cũng được đo bởi những đồng tiền. Bởi chỉ khi có nhiều tiền, bạn mới không phải bất lực khi bố mẹ hay người thân cần đến sự giúp đỡ của mình.
Nếu bạn chưa từng vay tiền để mua nhà, bạn sẽ không biết tiền quan trọng như thế nào. Nếu người thân trong gia đình bạn chưa từng trải qua bệnh nặng, bạn sẽ không biết cuộc sống không thể thiếu tiền. Nếu bạn chưa trải qua những năm tháng làm việc với mức lương hàng tháng là 8 triệu đồng, bạn sẽ không biết phải kiếm nhiều tiền để làm gì.
Vậy nên, tại sao khi còn trẻ lại cần kiếm nhiều tiền đến vậy? Dù những tháng năm tuổi trẻ ấy không được chơi bời hưởng thụ. Nhưng một ngày, bạn có đủ tự tin để nói rằng tôi có thể sống một cuộc sống tốt hơn, bạn cũng có đủ tự tin để nói với người thân của mình: "Đừng sợ, có con ở đây rồi".
Đừng cố giả vờ không thích tiền, thay vào đó hãy làm việc chăm chỉ hơn. Chúng ta cố gắng kiếm tiền để phục vụ chính bản thân mình và để không có cảm giác bất lực khi những người thân gặp khó khăn và cần đến sự giúp đỡ của mình.
Trí thức trẻ