MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao không phải thuỷ điện, năng lượng tái tạo mà là nhiệt điện than?

“Các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết.

Chưa thể coi năng lượng tái tạo là hướng ưu tiên

Tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam diễn ra ngày 29/8, ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, xu hướng chung các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thuỷ điện. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế phát triển nhiệt điện than.

“Đến nay trên thế giới và Việt Nam, nguồn thủy năng về cơ bản đã khai thác gần hết. Sau thủy điện các quốc gia đẩy mạnh khai thác nhiệt điện than, hiện nay nhiệt điện than là nguồn phát điện chủ yếu của thế giới. Ở Việt Nam, năm 2015 tỷ lệ nhiệt điện than vẫn còn nhỏ, tới năm 2020 mới có vai trò chủ yếu, nếu điện hạt nhân còn lui tiến độ thì nhiệt điện than vẫn được coi là phương hướng phát triển chủ đạo”, ông Nghĩa cho hay.

Cũng theo ông Nghĩa, chỉ những nước giàu tài nguyên khí đốt như Nga, không xuất khẩu hoặc không có điều kiện xuất khẩu khí đốt và những nước đang thiếu điện trầm trọng như Philippine, Việt Nam thời gian khoảng 2000 – 2005 mới đầu tư mạnh nhiệt điện khí và mới chạy nhiệt điện khí ở phụ tải nền.

Sản lượng điện năng từ điện tái tạo chiếm tỷ trọng bé, giá thành sản xuất điện còn cao, ngay tại các nước phát triển, tỷ lệ này cũng thấp. “Việt Nam chưa thể coi phương hướng phát triển điện tái tạo là một hướng ưu tiên để có tỷ lệ đóng góp lớn trong sản xuất điện năng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể về ưu, nhược điểm của nhiệt điện than, ông Nghĩa cho biết, sau thuỷ điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp nhất, xấp xỉ 7cent Mỹ/kWh; vốn đầu tư không quá cao – khoảng 1.500USD/kW, thấp hơn thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, nhiệt điện than không quá phụ thuộc vào địa điểm như thuỷ điện, thời gian xây dựng không quá lâu, khoảng 3 năm kể từ ngày khởi công.

Trong khi nhược điểm là chi dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện, chiếm 60% giá thành sản xuất điện, chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, bãi chứa tro xỉ, nhu cầu làm máy lớn cần đặt ở gần sông có lưu lượng nước lớn hoặc ven biển.

Ông Nghĩa cũng cho biết nhược điểm được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua. “Nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường: đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém”, ông Nghĩa nói.

Phần phát biểu của mình ông Nghĩa cũng chỉ ra, xét về thành phần hoá học, tro xỉ từ đốt than đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng, các nguyên tố kim loại nặng như chì, thuỷ ngân… hầu như không có.

Đối với chất thải khí, vị Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt cho biết, các nhà máy nhiệt điện than đã đầu tư rất lớn lên đến hàng trăm triệu USD cho việc đầu tư thiết bị xử lý các chất thải theo khói để đảm bảo nồng độ phát thải phải dưới giới hạn cho phép, chi phí vận hành hệ thống thiết bị xử lý này cho cả đời dự án còn lớn hơn nhiều chi phí đầu tư, nên “đúng ra không cần phải lo lắng quá mức về phát thải khí của nhà máy nhiệt điện than”…

Làm gì để phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững?

Nêu quan điểm tại hội thảo, TS. Trần Văn Lượng, Cục Kiểm tra an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, tất cả tro, xỉ của 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đều được phân tích và xác định là chất thải rắn thông thường.

Tuy nhiên, theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng “có khả năng” là chất thải nguy hại, đây là rào cản pháp lý gây hiệu ứng “tâm lý” trong ứng xử của cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ của nhà máy NĐT làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ (không có Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP)…

Các vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý khí thải; hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý ban hành nhiều quy định… cũng được chỉ ra tồn tại nhiều bất cập.

Theo đó, ông Lượng kiến nghị để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy.

Cụ thể, sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” theo Khoản 5 Điều 32 để các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử ly, tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than;

Sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Làm cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng các loại tro, xỉ cho các mục đích khác nhau…

Theo Nguyễn Thảo

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên