MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao không thể xóa bỏ thị trường UPCoM

Nếu không có UPCoM hay OTC thì đâu là nơi để hàng ngàn các doanh nghiệp chưa niêm yết và các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện niêm yết có thể giao dịch cổ phiếu, trong khi nhu cầu hiện tại về chuyển nhượng các cổ phiếu này là rất lớn.

Trong một kiến nghị gần đây, nhóm Thị trường vốn nêu ý kiến có thể bỏ thị trường OTC và thị trường UPCoM. Đây là một kiến nghị khá mới mẻ gây xôn xao giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cho thị trường chứng khoán. Xung quanh vấn đề này, tác giả xin trình bày ý kiến quan điểm cá nhân.

Thực tế ở Việt Nam

Tại Việt Nam các thị trường OTC được vẫn tồn tại hai hình thức thị trường OTC tự do và thị trường OTC có tổ chức (UPCoM). Việc ra đời UPCoM năm 2009 đã đưa các giao dịch OTC vào khuôn khổ hơn, không còn tình trạng mất khả năng thanh toán trong các hoạt động giao dịch giữa người, mà trước đây tình trạng này xảy ra khá thường xuyên, gây tổn thất không chỉ cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Chức năng đảm bảo giao dịch và thanh toán tưởng chừng như đơn giản nhưng đây mới đúng là bản chất của thị trường OTC có tổ chức.

Học tập kinh nghiệm xây dựng thị trường OTC của các nước phát triển trên thế giới, UPCoM ban đầu được cơ quan quản lý lập ra có vẻ thiên về mục đích đảm bảo thanh toán các giao dịch trên thị trường OTC hơn là quy định chọn lọc các doanh nghiệp. Các nghĩa vụ về công bố thông tin cũng đơn giản hơn rất nhiều so với thị trường niêm yết, do đó, việc tham gia đăng ký giao dịch trên thị trường này với các doanh nghiệp là khá đơn giản. Nhà đầu tư tham gia giao dịch tương tự như giao dịch trên thị trường niêm yết, các giao dịch được thanh toán qua VSD.

Gần đây, nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đưa các doanh nghiệp là công ty đại chúng lên sàn giao dịch để minh bạch hóa thông tin, cơ quan quản lý đã xây dựng các văn bản quy định rút ngắn thời hạn và bắt buộc các doanh nghiệp là công ty đại chúng lên đăng ký giao dịch, với các chính sách này hàng loạt doanh nghiệp được đưa lên đăng ký giao dịch trong một thời gian ngắn từ chỗ rất ít doanh nghiệp quy mô nhỏ tham gia đến nay UPCoM đã có gần 400 doanh nghiệp và có sự xuất hiện các doanh nghiệp có quy mô lớn tham gia như BHN, ACV, VGC... sự tham gia các doanh nghiệp này là điểm nhấn quan trọng trong việc góp tăng tính hấp dẫn cho thị trường.

Thị trường nào cũng thế, kể cả các thị trường mới hay những thị trường phát triển lâu đời đặc biệt các thị trường OTC nơi các quy định về đăng ký giao dịch khá đơn giản luôn tạo những khoảng trống, khe hở cho nhà đầu tư, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi gây tổn thất cho nhà đầu tư cũng như uy tín của cơ quản quản lý, mới đây nhất chứng khiến vụ cổ phiếu MTM bị cơ quan quản lý tạm ngừng giao dịch do có yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi cho nhà đầu tư. Chưa rõ nguyên nhân sự việc ra sao nhưng vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của thị trường UPCoM. Do đó, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư vào các doanh nghiệp khi các tiêu chuẩn về niêm yết thấp.

Chính sách quản lý Thị trường UPCoM đang có sự thay đổi

Sau sự vụ MTM cơ quản lý đang thực hiện các chính sách nhằm tăng cường minh bạch cho thị trường UPCoM, trong một thời gian ngắn cơ quan lý đã ban hành các quy định khắt khe hơn về thời gian đăng ký giao dịch của công ty đại chúng, chế độ công bố thông tin, quy trình đăng ký giao dịch việc đăng quy định như thế sẽ làm cho UPCoM sẽ gần giống với thị trường niêm yết hơn. Sự thay đổi này của cơ quản lý nhằm nâng cao tiêu chuẩn trong việc lựa chọn và quản lý các doanh nghiệp trên thị trường này hơn khi đã thanh công trong việc đảm bảo các thanh toán và giao dịch các công ty đại chúng chưa niêm yết.

Nhóm Thị trường vốn có đề xuất bỏ thị trường OTC và Thị trường UPCoM một mặt nào đó cũng có cơ sở vì UPCoM đang khá giống với niêm yết. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, đề xuất này của nhóm chưa thực sự khả thi, vì nếu không có UPCoM hay OTC thì đâu là nơi để hàng ngàn các doanh nghiệp chưa niêm yết và các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện niêm yết có thể giao dịch cổ phiếu, trong khi nhu cầu hiện tại về chuyển nhượng các cổ phiếu này là rất lớn. Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều tồn tại song song hai thị trường, Thị trường OTC và Thị trường niêm yết. Quan điểm cá nhân của tác giả bài viết này là cơ quan quản lý nên cải cách UPCoM để tạo ra sự khác biệt so với Thị trường Niêm yết, có thể nơi giao dịch các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), xây dựng cơ chế tạo lập thị trường… hơn là xóa bỏ UPCoM thì phù hợp với điều kiện thực tế cũng kinh nghiệm về tổ chức giao dịch chứng khoán của các nước trên thế giới.

Nhìn lại những kinh nghiệm quốc tế

Thị trường chứng khoán (TTCK) tại hầu hết các nước trên thế giới đều tồn tại hai hình thức khác nhau, thị trường sơ cấp và TTCK thứ cấp. Thị trường sơ cấp là nơi các doanh nghiệp huy động vốn thông qua hình thức phát hành, chào bán chứng khoán ra công chúng. TTCK thứ cấp là nơi giao dịch của các chứng khoán do tổ chức phát hành trên thị trường sơ cấp.

Trong thị trường thứ cấp được chia làm hai hình thức khác nhau: Thị trường giao dịch tự do (thị trường OTC) và thị trường giao dịch có tổ chức (Thị trường niêm yết chứng khoán). Để có thể giao dịch được trên thị trường niêm yết các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện khắt khe của cơ quan quản lý về vốn, kết quả kinh doanh, cơ cấu cổ đông ..., khi các doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết hoăc đang trong quá trình xét duyệt hồ sơ lên niêm yết thị việc chuyển nhượng các cổ phiếu sẽ thực hiện trên thị trường OTC.

Giao dịch trên thị trường OTC ban đầu được thực hiện trực tiếp giữa người mua và một người bán, việc thanh toán các giao dịch này không được kiểm soát mà chủ yếu dựa vào sự tin tưởng của hai bên tham gia nên sẽ dẫn đến rủi ro mất khả năng thanh toán khi người mua thiếu tiên chuyển cho người bán và ngược lại người bán thiếu chứng khoán chuyển cho người mua.

Do đó, nhằm hạn chế và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, cơ quản lý ở các Thị trường chứng khoán trên thế giới đã tổ chức nên thêm thị trường OTC có tổ chức. Các giao dịch trên thị trường này sẽ được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ về thanh toán và nghĩa vụ các bên liên quan. Để tham gia thị trường này các doanh nghiệp thường không cần đáp ứng quá nhiều quy định khắt khe như thị trường niêm yết, mục đích tổ chức chính các thị trường này đảm bảo việc thanh toán các giao dịch hơn là việc sàng lọc, lựa chọn doanh nghiệp.

Trên thế giới chúng ta có thể thấy sự thành công của các thị trường OTC có tổ chức như thị trường Pink Sheet của Mỹ. Thị trường này dành cho các công ty chưa niêm yết với hỗ trợ giao dịch chủ yếu thông qua thành viên giao dịch đồng thời là thành viên tạo lập thị trường, các công ty tham gia đăng ký giao dịch trên thị trường này hầu như không cần đáp ứng tiểu chuẩn chặt chẽ khi tham gia.

Tại Thái Lan có thị trường MAI (Market of Alternative Investment) là thị trường dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo định hướng phát triển trở thành một thị trường năng động hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp này. Các hoạt động hỗ trợ như hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ, giám sát giao dịch, cũng như công bố thông tin được triển khai hoàn toàn giống với thị trường chính thức của Thái Lan.

Tại thị trường Đài Loan, thị trường giao dịch các cổ phiểu OTC được tại Sở giao dịch Chứng khoán Gretai (GSTM) việc giao dịch và thanh toán về cơ bản giống với thị trường chính của Đài loan.

Phong Vũ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên