MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp khó hoàn thành?

Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới đang có xu hướng chững lại, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ nhiều lần nhắc đến. Trong báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh giai đoạn từ 2016 – 2018, chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã dần hoàn thiện, nhiều giấy phép con, điều kiện bất hợp lý bị loại bỏ.

Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều lần đạt kỷ lục về số lượng và vốn đăng ký, trong khi lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có xu thế giảm.

Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý trong giai đoạn này là tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới có xu hướng chững lại. Phía Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết năm 2018 dự báo chỉ khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập, tăng chỉ 2,5% so với năm 2017.

Trong khi đó, để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp, tính toán của Tổng cục Thống kê đưa ra từ nay đến năm 2018, mỗi năm cả nước phải có thêm 120.000 doanh nghiệp và không được có doanh nghiệp nào phá sản, giải thể. Điều này gần như bất khả.

Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân cũng có xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi thấp, mức độ kết nối vào nền kinh tế toàn cầu chưa cao.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam dù được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra ý kiến phần nào lý giải hiện tượng.

Theo bà, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn tiêu tốn quá nhiều chi phí, thời gian, công sức. Những điều này đã tạo nên rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, bà cho rằng các doanh nghiệp trong nước hiện đang rất lo lắng cho tương lai của mình, đặc biệt trước làn sóng 4.0 cũng như hội nhập.

Đây chỉ là một ví dụ trong hằng sa số vấn đề doanh nghiệp gặp phải. Chính bởi vậy, theo bà Lan, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn tiêu tốn quá nhiều chi phí, thời gian, công sức. Những điều này đã tạo nên rủi ro lớn đối với doanh nghiệp nội địa.

"Thực sự doanh nghiệp họ rất lo lắng cho tương lai của mình, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 và hội nhập", bà Lan nói và cho biết.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết có hai trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp thứ nhất là hiện tượng doanh nghiệp đóng cửa mạnh phải chăng là do doanh nghiệp Việt đang trong quá trình điều chỉnh vì công nghệ, cách thức vận hành đang ngày một thay đổi chóng vánh. Cách thức cạnh tranh cũng khác nhiều so với trước. "Họ đóng cửa cơ sở không hiệu quả để điều chỉnh, tái cơ cấu", ông nói.

Ở trường hợp hai, tương tự như lo ngại của bà Chi Lan, là doanh nghiệp thất bại trong việc tồn tại, cạnh tranh trên thị trường. Mức độ cạnh tranh theo ông Thành là ngày một khó khăn khi Việt Nam mở rộng cửa hội nhập.

Trung Quốc cũng là một yếu tố đặc biệt được ông Thành nhắc đến. Do khó khăn về xung đột thương mại, đồng NDT mất giá, lượng hàng hoá xuất khẩu sang Việt Nam của các doanh nghiệp nước này tăng mạnh hay hiện tượng dòng vốn từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam tạo ra thế lấn át.

"Trong khi đó, các chính sách của ta hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả", ông Thành bình luận.

Hiện mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp đang ở vào thế khó, như cách nhìn nhận của Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra. Do vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ này, các cơ quan trong bộ máy Chính phủ dường như phải cần có thêm hàng loạt động thái quyết liệt hơn nữa.  

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên