MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao sử dụng dịch vụ ATM phải tính phí?

19-05-2016 - 15:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo phép so sánh của vị chuyên gia, khi sử dụng dịch vụ ATM với nhiều tính năng ưu việt như vậy, muốn rút tiền bất cứ lúc nào cũng được mà trả 1.000 - 2.000 đồng/giao dịch, ngang với việc gửi xe ở chợ mà lại kêu tốn kém thì không công bằng và hợp lý.

Khẳng định sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm các ngân hàng Việt mặc dù liên tục gia tăng đầu tư cho công nghệ thông tin những năm qua, nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn, chỉ khoảng 5% tổng mức đầu tư của một ngân hàng cho các tài sản cố định...

So sánh với các ngân hàng trong khu vực, ông Hoè cho biết, mỗi ngân hàng tại Singapore bỏ khoảng 200 triệu USD/năm vào hệ thống công nghệ. Hay như tại khu vực châu Á Thái Bình Dương con số đầu tư vào hạ tầng IT của các ngân hàng khoảng 7,3 tỷ USD/năm...

“Nhìn họ mới thấy số tiền mà các ngân hàng nội đầu tư cho công nghệ quá khiêm tốn. Trong khi đó cũng có nhiều nhà băng thích chạy theo các nhu cầu mới, thỉnh thoảng lại thay mới hệ thống corebaking một lần, rất lãng phí”, ông Hoè đánh giá.

Tuy nhiên, không phải cứ ngân hàng đầu tư hạ tầng hiện đại là nhận được đón nhận hào hứng của khách hàng. Vị lãnh đạo chia sẻ, khi ông còn làm NHTM đã phải trả lời rất nhiều thắc mắc của khách hàng liên quan tới chuyện phí giao dịch ATM.

“Tôi giải thích với họ, rằng đi chợ gửi xe chị cũng phải trả 2.000 đồng cho ông bảo vệ trông coi tài sản của mình. Vậy mà khi sử dụng dịch vụ ATM tân tiến, hiện đại và nhiều tiện ích như vậy, muốn gửi/rút tiền bất cứ lúc nào thích mà chỉ phải trả 1.000 – 2.000 đồng/giao dịch, lại kêu tốn kém thì có hợp lý không?”.

Theo ông Hòe, khách hàng phải chia sẻ với các ngân hàng thương mại thì họ mới có tiền tái đầu tư phát triển.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, 5 năm tới nhu cầu phát triển các dịch vụ như Internet banking, mobile banking ... tại Việt Nam có thể lên tăng 20-30%/năm. Cùng với dự báo khoảng 52% dân số Việt Nam sẽ sử dụng Internet thì việc phải áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính bảo mật và kiểm soát rủi ro cao là điều mà các nhà băng cần tính đến.

Tất nhiên, chi phí để thay đổi hạ tầng công nghệ là khá tốn kém, nhưng là cần thiết vì lợi ích đem lại cho các ngân hàng cũng rất lớn.

“Hãy thuyết phục các CEO ngân hàng đầu tư vào công nghệ chắc chắn có lợi nhuận ròng từ 15-17%”, TS. Cấn Văn Lực phát biểu.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên