MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi xu hướng đi xuống của M&A toàn cầu?

Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 - năm 2020, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chỉ ra 3 điểm khiến các nhà đầu tư không tự tin thực hiện M&A trong bối cảnh hiện tại.

"Tôi cho rằng có 3 điểm khiến nhà đầu tư không tự tin thực hiện M&A. Đầu tiên là cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và căng thẳng thương mại. Thứ hai là vấn đề dịch bệnh Covid ảnh hưởng rất nhiều nước trên thế giới. Và yếu tố thứ ba là từ bản thân thị trường" - ông Warrick Cleine đánh giá.

Hiện nay, trong bối cảnh Covid-19 và căng thẳng thương mại, với những gì Việt Nam thể hiện trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có nhiều hướng đi khác nhau mà người ta nhìn nhận ở Việt Nam. Ông Warrick Cleine cho rằng, sẽ có nhiều nhà đầu tư quay lại Việt Nam để thực hiện các thương vụ M&A.

Ông Warrick Cleine đánh giá, nhóm doanh nghiệp gia đình đang là nhóm có những tín hiệu tích cực trong thị trường vốn tại Việt Nam. Giáo dục, sản xuất chế biến… những lĩnh vực tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia đặt câu hỏi: "Điều gì ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư?". Theo ông, trở ngại lớn là doanh nghiệp Việt Nam thường muốn giá rất cao. Các nhà đầu tư luôn muốn phải thực tế theo giá thị trường - là yếu tố cản trở lớn, chính là định giá.

"Mức giá được đưa ra nhiều khi có vẻ nực cười, có thể tạo rào cản lớn ngay từ đầu" - Chủ tịch này nhận xét. "Bên bán cần hiểu từ góc độ của nhà đầu tư, của người bán và cả bên tư vấn. Đây là các vấn đề cần tập trung vào và bên bán cần chú tâm tới vấn đề định giá để các cuộc thương lượng đạt hiệu quả hơn".

Nếu bên bán đưa giá quá cao, ngay lập tức sẽ khiến nhà đầu tư không muốn tiếp tục thương lượng. Họ có thể bỏ qua cơ hội để thúc đẩy công ty tốt hơn. 

Hơn nữa, theo ông Warrick Cleine, trong toàn bộ quá trình M&A, câu chuyện dài hơn rất nhiều, không chỉ chốt thương vụ là xong, mà phải cân bằng sự hài lòng của cả hai bên và duy trì được doanh nghiệp mới hậu M&A.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho rằng, việc Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được thông qua sẽ gián tiếp đẩy các giao dịch M&A. Theo đó, những dự án từ châu Âu đến Việt Nam cũng sẽ bùng nổ.

Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, có một yếu tố khác còn nhiều tiềm năng cũng được kỳ vọng sẽ bùng nổ đó là lĩnh vực cơ sở hạ tầng (trước đó đã bị trì trệ vì dịch bệnh). EVFTA sẽ bảo hộ cho các nhà đầu tư giữa các bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại. EuroCham kỳ vọng sẽ có sự tiến triển mạnh từ những giao dịch như vậy.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên