MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài xế xe ôm Uber, Grab "bỏ chạy", liệu Mai Linh Bike có trụ vững?

Trong khi nhiều tài xế GrabBike, Uber Moto không còn mặn mà với nghề thì Mai Linh lại vừa ra mắt ứng dụng chạy xe ôm công nghệ. Nhiều người thắc mắc Mai Linh sẽ làm gì để thu hút lái xe và liệu ứng dụng này có thành công?

Cuộc chiến giữa taxi với Uber, Grab lên đến đỉnh điểm khi các hãng công nghệ "tung chiêu" giành khách, còn các hãng doanh nghiệp vận tải truyền thống đáp lại bằng cách điều chỉnh phương thức kinh doanh. Mới đây nhất, Tập đoàn Mai Linh đã triển khai ứng dụng xe ôm công nghệ - Mai Linh Bike tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Trong bối cảnh nhiều tài xế ngày càng không mặn mà với xe ôm công nghệ, họ rao bán mũ, áo và tắt ứng dụng đặt xe vĩnh viễn để chuyển nghề khác thì Mai Linh tuyên bố nhảy vào thị trường này.

Mai Linh hứa hẹn nhiều chính sách để thu hút tài xế như tỷ lệ chia doanh thu 0% trong 2 tháng đầu và 15% cho các tháng tiếp theo hay tặng đồng phục cho lái xe. Tuy nhiên, những ưu đãi của Mai Linh về cơ bản không khác biệt so với Uber, Grab đã làm, giá cả cũng như nhau. Vậy Mai Linh Bike làm gì để giành thị phần, thu hút đối tác, tạo sự khác biệt?

Mai Linh tuyên bố tham gia vào lĩnh vực xe ôm công nghệ. Ảnh: Mai Linh.

Ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm, không ủng hộ sự gia nhập của Mai Linh vào thị trường xe ôm công nghệ. Ông Liên nói nhà nước không quản lý xe ôm, đây là loại hình giao thông dân dã, ai cũng có thể chạy được, cho nên xét về tiêu chí cạnh tranh, rõ ràng không phù hợp với quy luật thị trường.

Sở dĩ nhiều tài xế không mặn mà với xe ôm công nghệ vì Grab, Uber không đảm bảo cho họ một mức thu nhập ổn định. Theo đó, mức chiết khấu mới tăng lên 20% trong khi các chính sách thưởng không còn hấp dẫn như ban đầu, chi phí dọc đường quá lớn, áp lực công việc gia tăng khiến nhiều tài xế trở nên chán nản.

Chính vì vậy, Mai Linh nhảy vào thị trường xe ôm công nghệ giống như một người bán phở cả làng bán theo. Ông Liên nhận định, xe ôm công nghệ gia tăng ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu sẽ khó thành công. Mai Linh – nếu muốn giành thị phần, thu hút đối tác thì phải giải quyết được vấn đề thu nhập cho người lao động, điều là yếu điểm của Uber, Grab.

Dù thế, việc Mai Linh nhảy vào thị trường xe ôm công nghệ chưa phải điều hay, bởi đến năm 2030, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy lưu thông trong khu vực nội thành, xe ôm trở nên lỗi thời, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Bùi Danh Liên đề xuất, Mai Linh nên đầu tư theo một hướng khác biệt, như kinh doanh ôtô điện, để tạo sự thân thiện với môi trường. "Khác biệt mới tạo nên thành công", ông Liên nói.

Theo Cường Ngô

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên