MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Takashimaya - Đại gia bán lẻ Nhật mới vào Việt Nam: "Phượng hoàng lửa" từ đống tro của 2 cuộc Thế chiến

05-08-2016 - 14:27 PM | Tài chính quốc tế

Những khó khăn chồng chất của kinh tế Nhật thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Nhất không thể cản trở sự phát triển của Takashimaya.

Bùng nổ sau thế chiến I

Đến cuối Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Takashimaya đã phát triển thành tập đoàn sở hữu nhiều trung tâm mua sắm lớn tại Nhật, tổng số nhân viên đạt 891 người. Takashimaya đổi tên thành Takashimaya Gofuku Store Co. Ltd.

Bộ phận kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống trước đây đã được phát triển thành một công ty riêng trực thuộc tập đoàn. Công ty có đặc biệt nhiều nhà hàng tại Osaka, một trung tâm kinh tế quan trọng của Nhật.

Cũng chính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, tất cả các cửa hàng được trang bị thang máy và thang cuốn. Tập đoàn cũng tiến hành liên kết để thuê thiết bị từ nhiều công ty bảo hiểm lớn. Và với việc này, sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài vào sự phát triển của Takashimaya ngày một mạnh mẽ hơn.

Vào lúc 11 giờ 58 phút 32 giây giờ địa phương ngày 1/9/1923, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter đã xảy ra ở vị trí 35,1 vĩ độ Bắc - 139,5 kinh độ Đông, dưới đáy biển, cách bờ vịnh Sagami (tỉnh Kanagawa) khoảng 80 km về phía Tây Bắc.

Động đất xảy ra ở thời điểm người Nhật nấu cơm trưa, nhiều nhà người Nhật làm bằng gỗ. Động đất gây ra hỏa hoạn lớn ở nhiều nơi.

Hơn 200 nghìn người chết và bị thương, 1,9 triệu người Nhật phải đi sơ tán và hàng triệu căn nhà, tòa nhà cũng như cơ sở công cộng thuộc vùng Kanto miền Trung nước Nhật (khu vực bao quanh Tokyo ngày nay) bị phá hủy.

Takashimaya cũng thiệt hại nặng nề sau trận động đất lịch sử này. Trung tâm mua sắm của Takashimaya tại Tokyo bị phá hủy hoàn toàn, nhiều trung tâm mua sắm khác vùng Kanto bị hư hại rất nặng. Tuy nhiên lãnh đạo của Takashimaya đã ngay lập tức bắt tay xây dựng lại trung tâm mua sắm mới, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều so với những trung tâm cũ.

Đồng thời, Takashimaya cũng mở rộng phục vụ thêm đối tượng khách hàng trung lưu và bình dân bằng việc bắt đầu bán các mặt hàng gia dụng với giá rẻ, chứ không chỉ chuyên phục vụ khách hàng thượng lưu như trước.

Sáng kiến kinh doanh này của Takashimaya đã cực kỳ thành công và mang đến cú huých quan trọng cho hoạt động kinh doanh của hãng thời kỳ hậu thảm họa Kanto.

Takashimaya cũng phát triển hơn nữa đội ngũ bán hàng từ xa, khách hàng mua hàng qua điện thoại hoặc thư được có nhiều lựa chọn hơn. Khách được chuyển hàng đến nhà miễn phí. Takashimaya cũng khởi động việc lập ra nhiều tuyến bus chuyên phục vụ đưa đón khách hàng từ các ga tàu lớn đến trung tâm mua sắm và ngược lại.

Lúc này, ngành bán lẻ Nhật bước vào giai đoạn cạnh tranh đầy khốc liệt. Nó đánh dấu việc nhiều công ty vận tải đường sắt như Tokyu hay Hankyu cũng tham gia vào lĩnh vực bán lẻ, bằng việc mở hàng chục trung tâm mua sắm tại rất nhiều các nhà ga lớn. Chính vì vậy, khách đi tàu đến ga có thể dễ dàng mua sắm ăn uống ngay tại đây mà không cần thiết phải ra ngoài.

Rõ ràng so với các trung tâm mua sắm thông thường, trung tâm mua sắm tại nhà ga tàu này có lợi thế vượt trội về địa điểm. Takashimaya cũng không đứng ngoài cuộc chiến.

Takashimaya mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại nhà ga Osaka vào năm 1930. Trong cùng năm, Takashimaya đổi tên thành Takashimaya Co để bỏ hẳn cái tên Gohoku phía sau vốn xuất phát từ ngành kinh doanh gốc của tập đoàn là dệt may.

Năm 1933, lần đầu tiên Takashimaya thuê người nước ngoài vào làm giám đốc để giúp tiếp thu thêm kinh nghiệm quản lý trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ Nhật. Dịch vụ đưa đón khách hàng đến mua sắm và vận chuyển hàng đến tận nhà cũng không cho thấy lợi thế cạnh tranh nữa khi có quá nhiều trung tâm mua sắm áp dụng hình thức này.

Thế nhưng trong chính bối cảnh trên, Takashimaya vẫn có chiến lược tốt để thích ứng. Tập đoàn lập ra 3 chuỗi trung tâm mua sắm nhắm đến 3 đối tượng khách hàng khác hẳn nhau trong xã hội. Trong đó, chuỗi trung tâm mua sắm giá rẻ có tên 10 Sen Kinitsu Markets thành công đến nỗi chỉ trong 1 năm hãng đã mở được đến 51 cửa hàng luôn đông chật khách hàng.

Thế rồi cũng đến lúc công chúng, giới doanh nhân và chính các nhà bán lẻ Nhật nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục chạy đua nhau như thế này, họ sẽ đang “chạy đua tới đáy” và có nghĩa là cùng đưa nhau đến chỗ chết.

Cuối cùng, Hiệp hội kinh doanh siêu thị Nhật được thành lập đã can thiệp, họ kêu gọi các nhà bán lẻ hạn chế mở thêm trung tâm mua sắm mới và hạn chế bớt việc giao hàng đến nhà, đặc biệt tại các thị trường tỉnh.

Tuy nhiên lời kêu gọi chỉ phát huy tác dụng rất hạn chế. Năm 1937, Luật kinh doanh siêu thị được điều chỉnh để có thêm các chế tài phạt và cấm các công ty bán lẻ mở thêm trung tâm mua sắm mới.

Những nhà quản lý của Takashimaya cũng thể hiện tâm lý nhanh nhạy không kém. Bởi luật mới điều chỉnh nhắm đến đối tượng là các trung tâm mua sắm lớn, lập tức Takashimaya quy hoạch các cửa hàng chuyên bán đồ giá rẻ vào một công ty có tên Kinitsu.

Và để ứng phó với việc cấm mang hàng đến nhà chào bán, Takashimaya đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua thư, sản xuất thêm nhiều tờ rơi quảng cáo và tung tiền mua quảng cáo trên rất nhiều báo lớn của Nhật.

Cuối thập niên 1930, Nhật tham chiến vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nguồn tài chính quốc gia cũng như của dân chúng vơi dần đi, số lượng người có nhiều tiền mua sắm ngày một giảm trong xã hội.

Takashimaya và nhiều tập đoàn kinh doanh siêu thị khác áp dụng chiến lược bán hàng giá thấp để giữ uy tín với khách hàng. Tình hình đất nước rối ren, nguồn cung của một số hàng hóa cơ bản bị hạn chế đồng thời hoạt động chợ đen phát triển, chiến lược của Takashimaya đã phát huy tác dụng cực tốt để đảm bảo giữ chân khách hàng thân thiết.

Nhờ vậy, Takashimaya vẫn phát triển được chuỗi hàng kinh doanh sản phẩm giá thấp Kinitsu, mở rộng diện tích kinh doanh siêu thị lên 39.000 m2, toàn hệ thống có 106 cửa hàng và tổng số nhân viên lên hơn 2.000 người vào năm 1941 khi cuộc Chiến tranh Thế giới đã bắt đầu được 2 năm.

Đứng dậy sau Thế chiến II

“Chiến tranh không phải trò đùa” và Takashimaya bắt đầu kinh doanh khó khăn hơn.

Thế chiến II đã khiến các cửa hàng bị tàn phá, ném bom mà không thể có điều kiện xây dựng lại ngay được. Khách hàng khó khăn và thắt chặt hầu bao làm hãng cũng không bán được hàng. Đến cuối Chiến tranh Thế giới, hệ thống của Takashimaya chỉ còn lại 3 trung tâm siêu thị và 18 cửa hàng trên khắp nước Nhật.

Trung tâm siêu thị của Takashimaya tại hai trung tâm kinh tế lớn của Nhật là Osaka và Tokyo bị phá hủy tồi tệ trong các trận không kích vào tháng 3/1945, khi mà chiến tranh chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc. Takashimaya vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động trong tình cảnh một phần trung tâm bị đánh bom.

Ngay khi Chiến tranh Thế giới kết thúc vào tháng 8/1945, Takashimaya lập tức nhanh chóng xây dựng lại hàng loạt các trung tâm mua sắm tại nhiều khu vực khác nhau của Nhật, trong đó có cả những địa bàn gần như từng bị san phẳng bởi chiến tranh. Hàng chục trung tâm mua sắm được xây dựng mới tại Shikoku, Hiroshima, Kyushu và Hokkaido.

Năm 1948, phe Đồng minh bãi bỏ Luật kinh doanh siêu thị của Nhật, nhờ vậy các hãng bán lẻ lại bước vào cuộc đua mở mới trung tâm siêu thị. Tuy nhiên lúc này Takashimaya đã thay đổi phần nào chiến lược kinh doanh, hãng chú trọng chủ yếu vào thị trường bán lẻ tại Osaka, Kyoto và Tokyo.

Năm 1956, Luật Kinh doanh siêu thị mới do phe đồng minh đưa ra được áp dụng tại Nhật. Luật này hạn chế việc mở cơ sở kinh doanh bán lẻ mới có diện tích trên 1.500 m2, kiểm soát chặt chẽ giờ mở cửa và quy định về số ngày đóng cửa. Luật này nhìn chung đã “làm khó” sự tăng trưởng của các công ty kinh doanh siêu thị.

Takashimaya lập tức tung ra “chiêu bài” mới. Hãng ký kết được nhiều thỏa thuận với các công ty bán lẻ tại nhiều địa bàn quan trọng và vẫn tiếp tục mở mới được 3 trung tâm siêu thị lớn tại Yokohama, Sakai và Yonago. Các trung tâm kinh doanh mới được thành lập bởi công ty con trực thuộc Takashimaya và hoạt động độc lập. Khi đã nắm vững thị trường nội địa, Takashimaya lên một kế hoạch bài bản để vươn ra thị trường quốc tế từ thập niên 1950.

Theo ​Ngọc Thanh

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên