img


Trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc bởi làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ, tác động tiêu cực lên cả khả năng sinh lời và chất lượng tài sản.

Trong bối cảnh đó, Techcombank nổi lên như một hiện tượng khi vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vừa duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp kỷ lục.

Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng tăng trưởng lần lượt gần 38% và 60% so với cùng kỳ 2020, cao hơn nhiều mức tăng bình quân của toàn ngành. Kết quả này, giúp Techcombank trở thành nhà băng có tỷ suất sinh lời trên tài sản cao nhất hệ thống ở mức 3,8%. Trong khi chất lượng tài sản duy trì ở vị thế tốt nhất ngành với tỷ lệ nợ xấu nợ nội bảng chỉ là 0,6%.

Những gì đạt được trong 9 tháng đầu năm đã tiếp tục chứng minh chiến lược đúng đắn và khả năng điều hành hoạt động hiệu quả của Techcombank.

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 1.

Với khát vọng "trở thành ngân hàng dẫn dắt số hóa" của Việt Nam, Techcombank là ngân hàng đi đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ. Từ cách đây 6 năm, Nhà băng này đã tuyên bố đầu tư 300 triệu USD cho dự án chuyển đổi số trong giai đoạn 2016-2020, chưa tính đến đầu tư cho nhiều nhân sự cấp cao được đưa về để thực hiện dự án này. Đây là con số khổng lồ mà một ngân hàng trong nước dành cho một dự án chuyển đổi số ở cả quá khứ và hiện tại.

Vào cuối quý III/2016, Techcombank tiếp tục gây sốt trên thị trường khi tung chính sách Zero Fee (phí bằng 0) với các giao dịch trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 23 năm thành lập. Thời điểm đó, chiến lược này có vẻ đi ngược lại xu hướng của toàn hệ thống khi hầu hết ngân hàng theo đuổi mục tiêu tăng tỷ trọng từ thu phí dịch vụ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng. Tuy nhiên, kết quả thu về đã cho thấy định hướng của Techcombank là hoàn toàn chính xác và có phần đi trước thời đại khi Techcombank vươn lên nhanh chóng ở top đầu những ngân hàng lớn và có hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Đến quý III/2021, Techcombank tiếp tục ghi dấu trên thị trường khi tiếp tục chi mạnh cho công nghệ với khoản tiền đầu tư cho công nghệ số được công bố tiếp theo là 500 triệu USD, mà 1 trong những cấu phần này là bắt tay với gã khổng lồ công nghệ Amazon trong lĩnh vực điện toán đám mây. Với việc bắt tay AWS, Techcombank cũng là ngân hàng tiên phong ở Việt Nam chú trọng  "Cloud First".

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 2.

Và những tầm nhìn xa đó đã thể hiện sự vượt trội của Techcombank trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trong suốt hai năm qua.

Với chiến lược tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng từ rất sớm, số lượng khách hàng mới cũng như giá trị giao dịch qua kênh điện tử của ngân hàng liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây giúp Techcombank có được tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống.

Lý do vì tệp khách hàng sử dụng Techcombank làm ngân hàng giao dịch chính tiếp tục tăng lên cộng với việc lãi suất có kỳ hạn không còn đủ sức hấp dẫn khiến cho nhiều khách hàng không thực hiện gửi tiền mà để tiền ở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi CASA cao được đóng góp chủ yếu bởi nhóm khách hàng cá nhân có tính bền vững hơn so với các ngân hàng huy động CASA từ khách hàng tổ chức.

Tính riêng 12 tháng qua, số dư tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tăng 59,1% và đạt 155,0 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 27% và 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ CASA đạt 49,0% tại thời điểm 30/9/2021, đứng đầu hệ thống ngân hàng và tăng so với mức 46% của cuối năm 2020. Con số này dự kiến sẽ đạt 55% vào năm 2025.

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 3.

Với việc thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, chi phí vốn của ngân hàng đã giảm xuống chỉ còn 23% trong 9 tháng đầu năm, đưa Techcombank trở thành ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất hệ thống.

"Chi phí vốn thấp là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của Techcombank giúp cho tỷ suất sinh lời trên tài sản duy trì cao trong dài hạn’’, Chứng khoán Vietcombank nhận định trong báo cáo gần đây.

Với lợi thế về nguồn tiền gửi giá rẻ, dù chịu ảnh hưởng do các hoạt động kinh tế giảm sút và các biện pháp giãn cách xã hội trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần Techcombank vẫn tăng gần 47%, đạt kỷ lục gần 19.500 tỷ đồng.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho hay tỷ lệ CASA của thị trường là 22% trong khi của Techcombank là 46%. Vì vậy, biên lãi thuần NIM của Techcombank rất cao nhưng không phải do lãi suất cho vay cao mà do chi phí thấp, điều này cho phép ngân hàng không cần cho vay lĩnh vực rủi ro cao mà vẫn đạt được lợi nhuận cao.

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 4.

Bên cạnh ưu thế về chi phí vốn, tăng trưởng tín dụng cao và an toàn là một yếu tố quan trọng giúp Techcombank duy trì được khả năng sinh lời trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến 30/9/2021 đạt 362,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng của Techcombank được hỗ trợ rất lớn từ vị thế vốn hàng đầu hệ thống với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II. Đây cũng là cơ sở để Techcombank nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, nhì ngành ngân hàng với 17,1% trong 9 tháng đầu năm và 22,1% cho cả năm 2021.

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 5.

Dù liên tục tăng trưởng tín dụng cao, Techcombank vẫn duy trì được chất lượng tài sản tốt. Theo đó, dù làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các khách hàng của Techcombank riêng, nhưng ngân hàng vẫn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,6% do đã chủ động đánh giá, tái cấu trúc nợ từ khi đại dịch mới bắt đầu vào năm ngoái.

Trong hoàn cảnh nhiều bất ổn và biến động, Techcombank vẫn duy trì quan điểm thận trọng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý 3 năm 2021 ở mức cao 184%, giảm so với mức 259% cuối quý 2, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 148% cùng kỳ năm ngoái.

"Tỷ lệ an toàn vốn cao nhất và nợ xấu thấp nhất hệ thống, Techcombank sẽ được phép tăng trưởng tín dụng khoảng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2023", JP Morgan nhận định trong báo cáo phân tích gửi tới khách hàng hồi đầu năm.

Ngoài hoạt động tín dụng, Techcombank cũng được biết là một những ngân hàng có nguồn thu đa dạng với thu nhập ngoài lãi cao, trọng tâm là từ các loại phí chủ chốt như từ thẻ, bảo hiểm hay là từ tư vấn phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng chuyên biệt dành cho khách hàng các doanh nghiệp.

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 6.

9 tháng đầu năm, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đạt xấp xỉ 7.500 tỷ, tăng 19,8% so với cùng kỳ và đóng góp gần 28% tổng doanh thu thuần. Sự đa dạng về nguồn thu được giới phân tích đánh giá là yếu tố giúp Techcombank duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong thời gian qua và góp phần hạn chế ảnh hưởng từ dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh.

"Techcombank là một trong những ngân hàng hiếm hoi trong khu vực "kiếm tiền" được trên cả hai mặt của bảng cân đối kế toán, cũng như thu nhập từ phí đã bù đắp lại tất cả các chi phí đã đầu tư. Đây là cơ sở giúp ngân hàng có thể duy trì khả năng sinh lời trong dài hạn", JP Morgan đánh giá

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 7.
Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 8.

Ngay từ khi bắt đầu hành trình chuyển đổi, Techcombank đã trung thành với chiến lược "Lấy khách hàng làm trọng tâm" trong mọi hoạt động. Sau khi thực hiện thành công giai đoạn chuyển đổi 5 năm 2016-2020 đưa Techcombank trở thành một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả và uy tín nhất hệ thống.

Thời gian tới, ngân hàng xác định tiếp tục thực thi tiếp chiến lược này và tiếp tục đầu tư cho 3 trụ cột "Công nghệ - Dữ liệu - Nhân tài".

Trong giai đoạn 2021-2025, Techcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng vốn hóa 20 tỷ đô với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI/TOI) đạt 30% và tỷ lệ CASA là 55%.

Để đạt được mục tiêu trên, ban lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng sẽ tập trung vào các nguồn có thể tạo lợi nhuận lớn nhất như tiền gửi không kỳ hạn (CASA), cho vay mua nhà, chuỗi giá trị bất động sản và quản lý gia sản (gồm trái phiếu, quỹ đầu tư, Bảo Lộc, bảo hiểm, v.v.). Đồng thời vẫn tiếp tục đa dạng hóa vào các lĩnh vực khác để tối ưu hóa lợi nhuận - rủi ro và cho phép ngân hàng có thể tham gia vào những cơ hội mới.

Trong báo cáo mới phát hành Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, chiến lược 2021-2025 đánh dấu giai đoạn tăng tốc của Techcombank khi tận dụng các lợi thế cạnh tranh bền vững: hạ tầng công nghệ được đầu tư lớn, nền tảng vốn dày và hệ sinh thái mạnh.

Tầm nhìn vượt trội – Yếu tố giúp Techcombank tăng trưởng vững chắc trong đại dịch - Ảnh 9.

VDSC kì vọng Techcombank sẽ tận dụng môi trường chính sách tiền tệ hỗ trợ để duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2021-2025, qua đó mở rộng bảng cân đối mạnh mẽ trên nền tảng mạng lưới tiền gửi mạnh và đà phục hồi kinh tế.

Bên cạnh các mục tiêu tài chính, chặng đường tiếp theo Techcombank có tầm nhìn mới là thay đổi ngành ngân hàng, nâng tầm giá trị cuộc sống. Ngân hàng sẽ phục vụ những phân khúc khách hàng khác nhau với sứ mệnh là dẫn dắt hành trình số hoá của ngành tài chính và mỗi cá nhân, tổ chức cùng bứt phá để có được thành công.

Theo ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tehcombank, về bản chất, Techcombank đã vượt ra ngoài mục tiêu trở thành một doanh nghiệp hàng đầu, mà tập trung chuyển đổi, xây dựng các cấp độ năng lực mới để phục vụ cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp và thành công hơn.

‘’Với tư cách là một doanh nghiệp Việt Nam, mong muốn lớn nhất của Techcombank là đất nước ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực sự tốt, có khả năng cạnh tranh cao trên toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và người dân Việt Nam. Tầm nhìn này cũng tạo cảm hứng, động lực cho nhân viên, và tất cả cùng đồng hành trên hành trình chuyển đổi của tổ chức’’, ông Phùng Quang Hưng chia sẻ.

Quang Hưng - Ánh Dương
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ14/01/2022

Quang Hưng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên