Tâm sự của một du học sinh Việt tại Nhật bị chủ cửa hàng nghi ngờ oan: Đi làm thêm đã dạy tôi biết xã hội Nhật như thế nào
Đi làm thêm đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người, ở nhiều độ tuổi, nhiều tầng lớp. Mà đã gọi là con người thì ở đâu cũng có người này người kia.
- 10-12-2018Du học sinh nói về sinh viên Việt Nam: Tự cho mình thông minh, cái gì cũng Biết nhưng chẳng Giỏi thứ gì!
- 08-12-2018Nữ Thạc sĩ từng đi 35 nước phản pháo du học sinh Mỹ: Sinh ra ở vạch đích thì làm sao hiểu được nỗi khổ của người khác
- 13-11-2018Từ bài phát biểu xót xa của thực tập sinh Nhật, nhìn lại cuộc sống một bộ phận du học sinh Việt: Đêm cặm cụi kiếm tiền, ngày lên lớp ngủ!
Đi làm thêm ở Nhật không khó
バイト(Baito) là viết tắt của chữ アルバイト có nghĩa là công việc part-time, việc làm thêm. Đây có lẽ là nỗi lo lắng và trăn trở của tất cả các sinh viên khi đi du học. Khác với các quốc gia khắt khe về chuyện du học sinh đi làm như Mỹ, Anh, hay Singapore, Nhật có tinh thần "Welcome" rất lớn với người nước ngoài đến làm việc ở Nhật. Nhật là nước có dân số già, nên những năm trở lại đây đất nước mặt trời mọc trở thành thị trường hấp dẫn thu hút lao động nước ngoài. Vì vậy, việc xin làm thêm ở Nhật không quá khó khăn.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật cũng quy định rằng đối với người nước ngoài chỉ được phép đi làm thêm không quá 28 tiếng một tuần (Vào những kỳ nghỉ hè, nghỉ đông thì có thể tăng giờ làm thêm lên). Mọi thông tin về nơi làm việc, lương, các khoản thu nhập, số giờ làm việc của du học sinh đều được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Và nếu muốn đi làm thêm thì có hai điều kiện rất quan trọng: Một là phải nhận được tư cách đi làm thêm, tên tiếng Nhật gọi là 「資格外活動許可」 được đóng ở bên trong hộ chiếu. Và hai là phải đóng thuế cá nhân đầy đủ nếu thu nhập trên dưới tám vạn yên một tháng, tức khoảng 16 triệu tiền Việt một năm.
Như phía trên vừa nói, xin việc làm thêm ở Nhật không quá khó khăn nhưng cũng không phải dễ, vì nó còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như: Có ai giới thiệu bạn không? Tiếng Nhật của bạn thế nào? Vùng bạn đang ở có nhiều việc làm không? Những công việc mà du học sinh chúng ta có thể làm đó là rửa bát, quét dọn, dọn phòng, công trường bento,... những bạn tiếng Nhật khá thì có thể làm thu ngân tại các cửa hàng tiện ích (コンビニ) hoặc siêu thị, sảnh khách sạn, các quán ăn như Sukiya, Yoshinoya thậm chí là các cửa hàng như Uniqlo.
Về cách thức xin việc các bạn có thể thông qua các mối quan hệ quen biết, tự liên lạc đến các địa chỉ tuyển dụng được đăng trên các tạp chí xin việc như Hello work, Baitoru, hoặc Jobaidem hoặc vào một ngày đẹp trời hoặc xấu trời nào đó, tự nhiên bạn có nhã hứng vác xe đạp ra ngoài đi lượn lờ và tình cờ thấy biển hiệu đăng tuyển người làm baito,...
Ảnh minh họa.
Chuyện của nữ du học sinh Việt lần đầu đi làm thêm
Tôi sang Nhật cuối tháng Chín thì chỉ sau đó một tháng, tầm cuối tháng Mười gì đó một người bạn Trung Quốc trong lớp của tôi nói rằng có một chỗ đang tuyển người làm thêm và hỏi tôi có muốn đi không. Lại chẳng không à, muốn đi ngay lập tức ấy chứ. Bạn ấy bảo tôi chờ vài hôm để xác nhận lại thông tin rồi thông báo lại sau. Vậy mà chưa kịp vui thì sau đó vài hôm đã nhận được tin buồn. Hôm đó tôi đi chơi cùng một vài người bạn thì nhận được liên lạc của bạn ấy nói là chỗ đó đã tìm được người rồi. Tôi thở dài vì thất vọng.
Cơ hội đi làm đầu tiên vụt qua nhanh đến mức tôi chỉ biết ngẩn ngơ. Tôi bắt đầu thấy sốt ruột vì nếu cứ trong tình trạng này thì tiền mặt cầm sang cũng sẽ hết, lúc đó sẽ thế nào? Mỗi lần đi siêu thị mua đồ ăn, đứa nào đứa nấy cũng chắt bóp, lẩm nhẩm chuyển sang tiền Việt xem hết bao nhiêu rồi mới dám mua.
Vùng mà tôi ở khi đó khá nông thôn nhưng tính ra tiền Việt thì đúng là vẫn cao thật. Bên này mua bán lại không tính theo cân mà cứ tính từng quả, từng củ, từng bó nhỏ một nên cảm giác đắt đỏ hơn nhiều. Tôi góp gạo thổi cơm chung với hai bạn nữa. Cứ đi học về thì lại đến nhà bạn, rồi chia nhau ra nấu nướng.
Cho đến cuối tháng Mười một, trong khi tôi đang đi chơi cùng một nhóm bạn người nước ngoài thì nhận được điện thoại của một người bạn: "Này Linh, tao và cái Hằng đang ở một siêu thị mới mở. Bọn tao vừa được nhận đi làm ở quán bánh mì rồi. Siêu thị này mới khai trương nên đang cần người, mày gọi điện ngay đến chỗ này đặt lịch phỏng vấn ngay đi. Nếu được thì phỏng vấn ngay trong hôm nay là tốt nhất".
Chẳng hiểu sao lúc đó người tôi nóng bừng lên, ruột gan như sôi lên vì cơ hội đi làm đang ở rất gần rồi nhưng về ngay sao được bây giờ vì chỗ đi chơi khá xa nhà. Tôi tìm một chỗ ít người rồi gọi điện thoại đến chỗ phỏng vấn. Thật may họ đồng ý để tôi đến phỏng vấn vào ngay ngày hôm sau đó. Buổi phỏng vấn chiều ngày hôm ấy diễn ra suôn sẻ, và khi họ bảo tôi vào nhận đồng phục tôi chính thức hiểu rằng mình đã được tuyển.
Ảnh minh họa.
Người phụ trách dẫn tôi đến nơi tôi sẽ làm việc. Đó là một gian hàng 唐揚げ (Karaage - Đồ rán). Công việc của tôi là dọn dẹp, đưa đồ từ trong bếp ra ngoài gian hàng và tính tiền cho khách.
Từ nhà tôi đến siêu thị đó mất khoảng 25 phút đi xe đạp. Tôi phải bắt đầu tập dậy sớm giữa tiết trời lạnh giá của tháng Mười hai. Ngày đầu tiên làm việc khá vui vẻ, vì mọi người trong đó hầu như đều là nhân viên mới toanh, nên không khí rất thoải mái.
Tenchou (Chủ cửa hàng) rất dễ tính nên hầu như không có bất kỳ áp lực nào cả. Thời gian làm ở quán là thời gian tôi tăng cân một cách kinh khủng vì hay ăn thịt, món nào món nấy toàn dầu mỡ, nhưng đó cũng là khoảng thời gian tôi học hỏi được sự chăm chỉ, tận tụy và cẩn thận trong công việc ở người Nhật, đặc biệt là được làm quen với việc nói năng cũng như các thao tác nhận tiền từ khách, trả lại tiền thừa như thế nào.
Tôi làm việc ở siêu thị đến tầm đầu tháng Tư năm sau đó thì nghỉ việc, sau đợt về nước ăn tết đầu tiên. Tôi sẽ không xin nghỉ việc nếu không có ngày hôm đó. Chuyện là cửa hàng phát hiện ra bị mất một số túi gia vị để tẩm vào gà rán. Tôi nhận ra thái độ của chị người Nhật cùng làm với tôi có chút thay đổi, chị ấy hay cáu gắt và hay để ý lúc tôi làm việc hơn trước. Tôi biết chị ấy nghi ngờ tôi là thủ phạm lấy cắp đồ, và có nói lại với chủ cửa hàng như vậy thì phải.
Bởi sau đó vài hôm, tenchou có gọi riêng tôi ra và hỏi thật là tôi có lấy mấy túi gia vị đấy không? Tôi một mực khẳng định rằng tôi không làm. Tenchou nói rằng chú ấy hiểu rồi và sẽ tiếp tục điều tra. Không khí làm việc những ngày ấy thực sự căng thẳng và tôi đã quyết định xin nghỉ việc bởi tôi không muốn tiếp tục gắn bó với một nơi đã không còn tin tưởng mình nữa.
Tenchou động viên tôi tiếp tục làm vì đã quen việc rồi, và hơn nữa chưa tìm ra thủ phạm nên không cần phải đi đâu cả. Tôi nói tránh rằng bắt đầu vào năm học mới rồi, tôi phải tập trung vào học tập để thi đỗ kỳ thi vào thạc sỹ. Sau một hồi thuyết phục không thành, tenchou chấp nhận lời xin nghỉ việc của tôi. Hôm cuối cùng tôi làm việc, mọi người tặng tôi một món quà nhỏ, đó là một chiếc hộp có bốn chiếc khăn mùi xoa rất xinh.
Tôi có nhờ một bác cùng làm đưa một bức thư mà tôi viết gửi cho chị người Nhật vì hôm đó chị ấy nghỉ. Tôi chào tạm biệt và cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi trong nửa năm ngắn ngủi. Tạm biệt nơi làm việc đầu tiên với biết bao kỷ niệm vui buồn.
Đến giờ khi nghĩ lại, tôi hiểu việc đi làm thêm đã dạy tôi biết xã hội Nhật như thế nào. Đi làm thêm đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người, ở nhiều độ tuổi, nhiều tầng lớp. Mà đã gọi là con người thì ở đâu cũng có người này người kia. Người Nhật vốn được biết đến với những đức tính như cần cù, trung thực, đoàn kết, nhưng cũng tùy từng người, có người lịch sự, có người bỗ bã.
Những người Nhật mặc vest công sở sẽ khác với những người Nhật lao động chân tay. Điều cốt lõi mà ta học được đó là việc làm quen với môi trường làm việc của người Nhật. Người Nhật vốn được gọi là 働き者(Những người ham công việc), nhìn vào lịch làm thêm giờ của họ nếu không quen thì khó mà chịu được.
Có nhiều người nước ngoài sang Nhật rồi tự nhiên nhiễm cái bệnh này lúc nào không hay. Không ai bắt bạn phải quen, ngay cả bản thân tôi cũng thế, nhưng nếu chúng ta được trải nghiệm trước khi vào làm việc tại công ty hoặc một doanh nghiệp nào đó của Nhật thì phải nói đây là những cơ hội rất tốt.
(*) Nội dung tham khảo cuốn sách: Nước Nhật đến và yêu- tác giả: Dương Linh.
Trí thức trẻ