Tâm thư của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Nếu không thử lửa, châu Âu sẽ lụi tàn
Trong nỗ lực kêu gọi “phục hưng” Châu Âu trước thềm bầu cử Nghị viện, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiệt tình viết thư kêu gọi các cử tri đồng lòng trong kế hoạch thay đổi bộ mặt châu lục.
- 31-03-2019Châu Âu, Nhật hợp tác để đấu với Trung Quốc về 5G
- 19-03-2019Châu Âu khó xử vì Trung Quốc
- 18-03-2019Ngành ngân hàng châu Âu sắp có vụ sáp nhập "nghìn tỷ đô"
Lá thư của Tổng thống Pháp đã mang lại những tác dụng ngược không nằm trong dự tính. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia tại Âu châu hướng đến đối tượng không dừng lại ở người dân nước mình hoặc các Chính phủ khác, mà là toàn bộ công dân trong khối liên minh này.
Chưa bao giờ, kể từ Thế chiến thứ II, người ta cần Châu Âu đến vậy. Chưa bao giờ, Châu Âu gặp nguy hiểm nhiều đến thế. Brexit tượng trưng cho cuộc khủng hoảng của Âu châu - nơi đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân trong công cuộc bảo vệ khỏi họ những cú shock lớn của thế giới hiện đại. Việc trở thành một phần của Liên minh châu Âu không phải một cái bẫy. Mối nguy tiềm ẩn nằm trong chính sự dối trá và vô trách nhiệm có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn Liên minh.
Ai nói với người dân Anh sự thật về tương lai hậu Brexit của họ? Ai đã nói chuyện với họ về việc mất quyền thâm nhập vào thị trường châu Âu? Ai đã đề cập đến những rủi ro đối với hòa bình ở Ireland khi khôi phục biên giới cũ? Chủ nghĩa dân tộc không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc chối bỏ. Cái bẫy này đe dọa toàn bộ châu Âu: những kẻ giận dữ, được hậu thuẫn bởi tin giả, hứa hẹn tất cả và bất cứ điều gì.
Trước sự thao túng này, việc đầu tiên chúng ta cần làm là trở nên kiên cường, tự hào và sáng suốt, để miêu tả về một châu Âu thống nhất của ngày hôm nay. Đó là một thành công lịch sử: sự thống nhất của một lục địa từng bị tàn phá trong một dự án vô tiền khoáng hậu, biểu trưng cho hòa bình, thịnh vượng và tự do. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Và dự án này vẫn đang bảo vệ chúng ta ngày hôm nay. Không quốc gia nào có thể một mình chống trả khi bị cường quốc xâm lăng. Không ai có thể một mình bảo vệ chủ quyền khi đối mặt với những gã khổng lồ kỹ thuật số.
Làm sao chúng ta có thể chống lại các cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tài chính mà không có đồng euro – vốn là sức mạnh cho toàn Liên minh châu Âu? Châu Âu cũng là tập hợp của hàng ngàn dự án đang hàng ngày thay đổi bộ mặt của các khu vực: tân trang trường học, xây dựng đường xá và kết nối Internet tốc độ cao. Cuộc đấu tranh này là một cam kết thường nhật, bởi vì châu Âu, cũng giống như hòa bình, chẳng phải lẽ đương nhiên. Tôi theo đuổi không mỏi mệt dưới danh nghĩa của Pháp để đưa châu Âu vươn lên và bảo vệ mô hình này. Chúng ta đã chỉ ra rằng những gì chúng ta ước mong là không thể đạt được nhưng việc dựng xây khả năng phòng thủ của Châu Âu và bảo vệ các quyền xã hội, trên thực tế, là có thể.
Tuy nhiên, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn và nhanh hơn bởi một cái bẫy khác đang tồn tại: cái bẫy của hiện trạng và sự cam chịu. Đối mặt với những khủng hoảng lớn trên thế giới, người dân thường hỏi chúng tôi, châu Âu ở đâu?, châu Âu đang làm gì vậy?. Đối với họ, nó đã trở thành một mảnh đất vô hồn.
Tuy nhiên, EU không giản đơn là một thị trường. Đó là một khối. Một thị trường có thể đem lại hiệu ích nhưng chúng ta không nên bỏ qua tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên giới và các giá trị hợp nhất. Những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc đang lầm lạc khi họ tuyên bố chống lại nhất thể của chúng ta bằng cách rút khỏi EU – mặc dù nền văn minh hợp nhất đã và đang giải phóng và chở che chúng ta. Tuy vậy, những người chủ trương không thay đổi cũng sai lầm bởi vì họ phủ nhận những nỗi sợ hãi hiện hữu trong người dân và những nghi ngờ làm suy yếu nền dân chủ.
Chúng ta đang ở một thời khắc then chốt cho lục địa này - thời khắc khi chúng ta cần cùng nhau kiến thiết hình hài của nền văn minh, về chính trị và văn hóa, trong bối cảnh thế giới ngày một đổi thay. Đây là thời điểm để kiến thiết Châu Âu. Vậy nên, trước những cám dỗ của sự cô lập và chia rẽ, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau dựng xây sự đổi mới này dựa trên ba ước vọng: tự do, bảo vệ và tiến bộ.
Duy trì độc lập tự do
Hình mẫu châu Âu dựa trên sự tự do của con người và sự đa dạng về tư tưởng, sáng tạo. Tự do trước nhất là tự do dân chủ: quyền tự do lựa chọn các nhà lãnh đạo khi các cường quốc nước ngoài tìm cách ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri tại mỗi kì bầu cử. Tôi đề nghị thiết lập một Cơ quan Bảo vệ Dân chủ châu Âu – nơi sẽ cung cấp cho mỗi quốc gia thành viên những chuyên gia Châu Âu để bảo vệ quá trình bầu cử khỏi sự thao túng và tấn công mạng. Với tinh thần độc lập này, chúng ta cũng nên cấm sự tài trợ cho các đảng phái chính trị Châu Âu từ các thế lực nước ngoài. Chúng ta nên ban hành các quy tắc của Châu Âu nhằm trục xuất các thành phần kích động gây thù hằn và bạo lực từ Internet, bởi sự tôn trọng cá nhân là nền tảng của nền văn minh đề cao phẩm giá của chúng ta.
Bảo vệ lục địa
Được thành lập dựa trên sự thương thảo nội bộ, Liên minh Châu Âu đã lãng quên thực tế của thế giới. Tuy nhiên, không cộng đồng nào có thể đem lại cảm giác thân thuộc nếu không đặt ra giới hạn để bảo vệ. Giới hạn đó là quyền tự do trong việc bảo đảm an ninh. Do đó, chúng ta cần xem xét về khu vực Schengen: tất cả những quốc giả muốn trở thành thành viên phải tuân thủ trách nhiệm và nghĩa vụ (kiểm soát biên giới nghiêm ngặt) và đoàn kết (một chính sách tị nạn với cùng các quy tắc chấp nhận và từ chối). Chúng ta sẽ cần một lực lượng biên giới chung và một văn phòng tị nạn Châu Âu, nghĩa vụ kiểm soát chặt chẽ và tình đoàn kết Châu Âu mà mỗi quốc gia sẽ đóng góp dưới quyền của Hội đồng An ninh nội bộ Châu Âu. Về vấn đề di cư, tôi tin vào một Châu Âu gìn giữ các giá trị và bảo vệ biên giới của nó.
Các tiêu chuẩn tương tự cũng nên áp dụng cho quốc phòng. Sự tiến bộ đáng kể đã đạt được trong hai năm qua, nhưng chúng ta cần đặt ra một hướng đi rõ ràng: một hiệp ước về quốc phòng an ninh cần xác định các nghĩa vụ cơ bản của chúng ta khi liên kết với NATO; và các đồng minh châu Âu: tăng chi tiêu quốc phòng, một điều khoản phòng thủ hỗ tương hiệu quả và quyết định chung được đàm phán giữa Hội đồng Bảo an Châu Âu và Vương quốc Anh.
Biên giới của chúng ta cũng cần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng. Quốc gia nào trên thế giới sẽ chấp nhận giao dịch với những người không tôn trọng luật chơi của họ? Chúng ta không thể chịu đựng thương tổn trong im lặng. Chúng ta cần cải tổ chính sách cạnh tranh và định hình lại chính sách thương mại của mình bằng các hình phạt hoặc lệnh cấm ở Châu Âu đối với các doanh nghiệp làm tổn hại lợi ích chiến lược và các giá trị nền tảng như tiêu chuẩn môi trường, bảo vệ dữ liệu và nộp thuế công bằng; và việc áp dụng ưu tiên của Châu Âu trong các ngành công nghiệp chiến lược và mua sắm công như các đối thủ cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc đã và đang áp dụng.
Phục hồi tinh thần tiến bộ
Châu Âu không phải là một cường quốc hạng hai. Châu Âu, với sự đồng nhất, giữ vai trò là một người khởi xướng: luôn luôn xác định các tiêu chuẩn của tiến bộ. Trong đó, một dự án hợp nhất cần được thúc đẩy, không phải cạnh tranh: Châu Âu, nơi tạo ra an sinh xã hội, cần tiên phong một lá chắn xã hội cho tất cả người lao động, từ đông sang tây và bắc đến nam, đảm bảo trả lương công bằng trong cùng một nơi làm việc và mức lương tối thiểu Châu Âu phù hợp với từng quốc gia và được thảo luận chung mỗi năm.
Bắt kịp với sự tiến bộ đồng nghĩa với việc dẫn đầu trong bảo vệ sinh thái. Liệu chúng ta có thể đối mặt với thế hệ tương lai nếu chúng ta không khắc phục được tổn hại khí hậu? Liên minh Châu Âu cần xác định mục tiêu – chỉ số khí thải carbon bằng 0 trước năm 2050 và giảm lạm dụng thuốc trừ sâu 50% trước năm 2025 - điều chỉnh chính sách theo các khuyến cáo như Ngân hàng Khí hậu Châu Âu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và dự trữ lương thực, chống lại mối đe dọa từ các nhóm lợi ích, đánh giá khoa học độc lập về các chất độc hại cho môi trường và sức khỏe. Nhu cầu cấp bách này cần được coi như kim chỉ nam cho hành động: từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu đến Ủy ban Châu Âu, từ Ngân sách Châu Âu đến Kế hoạch đầu tư cho Châu Âu. Tất cả các thể chế cần coi vấn đề khí hậu như một chỉ thị.
Tiến bộ và tự do đồng nghĩa với khả năng nuôi sống bản thân bằng lao động: Châu Âu cần đặt mục tiêu về việc tạo công ăn việc làm. Đó là lý do tại sao không chỉ cần điều chỉnh các gã khổng lồ kỹ thuật số toàn cầu bằng cách giám sát đối với các nền tảng quan trọng (hình phạt kịp thời dành cho cạnh tranh không lành mạnh, thuật toán minh bạch...), mà còn tài trợ cho sự đổi mới bằng cách trao cho Hội đồng Sáng tạo Châu Âu mới ngân sách ngang tầm với Hoa Kỳ để tạo ra những đột phá công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Một Châu Âu định hướng thế giới cần hướng tới châu Phi, ở đó chúng ta nên ký kết một hiệp định cho tương lai, đoàn kết và hỗ trợ tích cực và vô điều kiện cho sự phát triển của Châu Phi bằng các biện pháp như đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực học thuật và giáo dục cho trẻ em gái.
Tự do, bảo vệ và tiến bộ. Chúng ta cần xây dựng Châu Âu đổi mới trên các nền tảng này. Chúng ta không thể để những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc thiếu giải pháp lợi dụng sự bất bình của nhân dân. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước một Châu Âu đang suy tàn. Chúng ta không thể cố chấp trong kinh doanh như lệ thường và tiếp tục mơ tưởng. Chủ nghĩa nhân văn Châu Âu đòi hỏi hành động. Và ở khắp mọi nơi, nhân dân đang đứng lên để trở thành một phần của sự thay đổi đó.
Vì vậy, trước khi năm 2019 khép màn, hãy cùng với đại diện của các tổ chức châu Âu và các quốc gia thành viên, tổ chức một Hội nghị về Châu Âu để đề xuất những thay đổi cần thiết cho dự án chính trị của chúng ta, với một tư tưởng cởi mở, thậm chí sửa đổi điều ước. Hội nghị này sẽ cần phải chung tay với các nhóm đại diện nhân dân và lắng nghe ý kiến từ các các học giả, đại diện doanh nghiệp và lao động, và các nhà lãnh đạo tôn giáo và tâm linh. Nó sẽ xác định lộ trình cho Liên minh để chuyển tải các ưu tiên này thành các hành động cụ thể. Bất đồng là không thể tránh khỏi. Nhưng hãy nghĩ xem, một Châu Âu bất động so với một Châu Âu cởi mở luôn tiến bộ, dù nhanh hay chậm, đâu là sự lựa chọn tốt hơn?
Ở Châu Âu này, người dân sẽ thực sự giành lại quyền kiểm soát tương lai của họ. Ở Châu Âu này, tôi tin rằng Vương Quốc Anh sẽ tìm thấy vị trí thực sự của nó.
Thế bế tắc của Brexit là một bài học cho tất cả chúng ta. Chúng ta cần phải thoát khỏi cái bẫy này và khiến cho cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu sắp tới và dự án của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn. Đây là cơ hội để các công dân quyết định vận mệnh của toàn Châu Âu, để châu lục này và các giá trị của nó không lùi vào dĩ vãng. Lựa chọn mà tôi đề xuất: cùng nhau vạch ra con đường đổi mới Châu Âu.