Tân Bộ trưởng Tài chính nói về lương thưởng, tuyển dụng người tài ngay sau nhậm chức
"Chúng ta đưa ra cơ chế đãi ngộ, đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại bảo cứ phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài", tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói.
- 25-11-2024Từ tháng 7/2025, không có lương hưu, người lao động vẫn sẽ được nhận khoản tiền sau
- 23-11-2024Đóng BHXH tự nguyện mức cao nhất hơn 10 triệu/tháng, lương hưu nhận bao nhiêu?
- 22-11-2024Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Cam kết sẽ "nỗ lực, cố gắng"
Chiều 29/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Giải trình, tiếp thu cuối phiên họp trên cương vị mới, tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tin tưởng, tín nhiệm và đã phê chuẩn ông giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính.
Tân Bộ trưởng Tài chính cam kết với các đại biểu Quốc hội sẽ “nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao”, đáp ứng được niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước cũng như các đại biểu Quốc hội.
Ông Thắng cũng cảm ơn các đại biểu về những đóng góp hết sức quý báu tại phiên thảo luận tổ ngày 23/11 và phiên thảo luận ở hội trường ngày hôm nay. “Nhiều ý kiến tôi cho là rất xác đáng, rất sâu sắc, cần phải được nghiên cứu, tiếp thu”, ông Thắng nói.
Về mục tiêu ban hành luật, Bộ trưởng Tài chính khẳng định việc này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.
“Việc này cũng theo thông lệ quốc tế, ngoài ra cũng chấm dứt việc can thiệp vào doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính hay lồng ghép quản lý nhà nước vào hoạt động đầu tư, kinh doanh, bảo toàn vốn của doanh nghiệp”, ông Thắng cho hay.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến vấn đề tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp. Điều này góp phần đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.
“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập từ năm 2018, nhằm tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn điều hành doanh nghiệp về tài chính, đầu tư, kế hoạch, kế toán…”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) phản ánh.
Theo Bộ trưởng Tài chính, hiện nay dự thảo luật đang quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách).
Cũng tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3, để quy định nguyên tắc quản lý với biện pháp, mức độ phù hợp.
Về nội dung này, ông Thắng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào đối tượng áp dụng và quy định nguyên tắc, nội dung quản lý cho phù hợp.
Rất vất vả nhưng tiền lương , thưởng lại theo thang bậc
Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ chế phân phối lợi nhuận theo dự thảo quy định sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều, vì tất cả đều chỉ được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Ông Cường phân tích, nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nhưng mức tự trả lương cao thì không còn lợi nhuận để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng người ta xác định mức tiền lương thấp, khi đó kinh doanh có lãi, lợi nhuận nhiều, lại chỉ được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng, như vậy người lao động vẫn thu nhập thấp.
“Do vậy, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để phát triển… phần còn lại sẽ được phân phối cho người lao động. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng theo thành quả. Lợi nhuận còn lại nhiều thì được hưởng nhiều, lợi nhuận ít sẽ được hưởng ít”, ông Cường cho hay.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, người đại diện vốn tại doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phải có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ thực sự xứng đáng.
“Chúng ta đưa ra cơ chế đãi ngộ , đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại bảo cứ phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Người tài cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình. Một doanh nghiệp cùng ngành nghề, tại sao ở ngoài người ta trả gấp khoảng 50 đến 100 lần, 5-10 lần là phổ biến, còn người đại diện vốn chúng ta lại được trả rất thấp, rõ ràng như thế không được”, ông Thắng quả quyết.
“Tư lệnh ngành” tài chính cũng cho rằng, việc quản lý, đánh giá phải rất khách quan, minh bạch. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì đánh giá hiệu quả đó như thế nào, lợi nhuận, doanh thu, hay nói cách khác là các chỉ tiêu đặt ra cũng phải rất rõ ràng.
“Nếu làm tốt thì lương thế nào, thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương, thưởng có được tăng lên hay không? Ngược lại, nếu không làm tốt, mức độ nào là cảnh báo và mức độ nào là sa thải. Mình phải dùng từ “sa thải” thì mới sòng phẳng”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tiền phong