MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng 18 lần trong 9 tháng, loại hàng hóa này còn sốt hơn cả Bitcoin

15-01-2021 - 08:08 AM | Tài chính quốc tế

Tăng 18 lần trong 9 tháng, loại hàng hóa này còn sốt hơn cả Bitcoin

Sự kết hợp giữa các yếu tố như thời tiết lạnh giá nhất trong nhiều năm trở lại đây ở châu Á, nguồn cung thiếu hụt và các tuyến đường biển bị tắc nghẽn đã khiến giá LNG giao ngay tăng vọt.

Sau nhiều năm tăng cường nâng cao năng lực xuất khẩu và tuyển dụng trader, các nhà sản xuất khí hóa lỏng (LNG) và các công ty giao dịch hàng hóa cuối cùng cũng đang chứng kiến giá LNG tăng mạnh chưa từng thấy.

Sự kết hợp giữa các yếu tố như thời tiết lạnh giá nhất trong nhiều năm trở lại đây ở châu Á, nguồn cung thiếu hụt và các tuyến đường biển bị tắc nghẽn đã khiến giá LNG giao ngay tăng vọt. Chỉ số giá cơ bản trên thị trường Bắc Á hiện đã tăng 18 lần chỉ trong chưa đến 9 tháng – đà tăng mạnh hơn bất kỳ loại hàng hóa nào kể cả Bitcoin.

Trong số những bên hưởng lợi từ đà tăng này có Exxon Mobil. Tuần trước công ty vừa bán 1 lô hàng cho 1 công ty Nhật Bản ở mức giá kỷ lục 130 triệu USD. Total cũng thu về 126 triệu USD sau khi bán hàng cho công ty thương mại Trafigura Group. Các nhà sản xuất khác như Royal Dutch Shell và Cheniere Energy cũng đang tận dụng cơ hội này để xuất đi những lô hàng không bị ràng buộc bởi các hợp đồng cung ứng dài hạn.

Và các chủ tàu chuyên vận chuyển LNG cũng đang được hưởng lợi từ mức cước cao kỷ lục.

Đà tăng lần này đánh dấu bước chuyển biến lớn mang tính cách mạng của thị trường LNG toàn cầu. Mặc dù LNG là loại nhiên liệu đã xuất hiện cách đây vài chục năm, phải đến mấy năm gần đây khối lượng LNG được vận chuyển bằng đường biển mới tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ ở châu Á và các nước muốn giảm tiêu thụ than đá.

Rất nhiều trong số các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các nhà máy "hóa lỏng" khí đốt trước khi xuất khẩu. Họ cũng tìm cách sử dụng đòn bẩy nhằm tận dụng lợi thế nhà cung ứng lớn bằng cách xây dựng mảng giao dịch hùng hậu ở Singapore hay London. Những công ty giao dịch lớn như Trafigura, Vitol và Gunvor cũng nhanh chóng tận dụng điều này.

Giá LNG tăng cũng là "cứu cánh" cho các nhà sản xuất sau nhiều năm thị trường ảm đạm vì khí hậu không quá lạnh và nguồn cung dồi dào. Hồi tháng 4 giá giao ngay ở Bắc Á đã giảm xuống gần 0. Đến hôm qua, giá LNG đã tăng lên trên mức 30 USD/mmBTU (đơn vị nhiệt lượng Anh, tương đương 28,3m3), cao nhất kể từ 2009. Thương vụ giữa Total và Trafigura chốt ở mức giá 39,3 USD.

Tăng 18 lần trong 9 tháng, loại hàng hóa này còn sốt hơn cả Bitcoin - Ảnh 1.

Giá LNG tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.

Giống như thị trường khí đốt, yếu tố tác động mạnh nhất trong cú biến động giá này chính là thời tiết, mà trong trường hợp này là mùa đông lạnh giá khắc nghiệt đẩy nhu cầu ở thị trường Bắc Á tăng cao.

Nhu cầu tăng cao cũng khiến kênh đào Panama bị tắc nghẽn. Kể từ đầu tháng 12, 11 tàu lớn của Mỹ đã phải chọn kênh đào Suez để tránh đi qua Panama. 6 tàu khác thì chọn đi qua Mũi Hảo vọng dù cả 2 đều là những con đường xa hơn. Vì thiếu tàu, giá cước đã lên tới 350.000 USD/ngày – cao chưa từng thấy.

Theo David Thomas, người từng là lãnh đạo mảng LNG ở Vitol và giờ là cố vấn độc lập cho hãng, mặc dù từ mùa hè đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu sẽ tăng vọt trong mùa đông năm nay, có lẽ chẳng có ai đoán được sẽ có nhiều yếu tố cộng hưởng khiến giá tăng mạnh đến vậy.

Tất nhiên giá LNG giao ngay chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường. Hầu hết các giao dịch đều dựa trên những hợp đồng dài hạn được neo vào giá dầu thô. Giá của hợp đồng giao tháng 3 cũng chỉ bằng một nửa so với tháng 2. Tuy nhiên, ít nhất thì tình hình hiện nay cũng rất có lợi cho các nhà sản xuất có sẵn lượng lớn hàng hóa trong tay, ví dụ như dự án Yamal ở Nga hay nhà máy Sakhalin-2 của Gazprom.

Những bên hưởng lợi khác bao gồm Qatar (nước sản xuất LNG lớn nhất và rẻ nhất thế giới) và các nhà sản xuất của Australia như Woodside Petroleum và Oil Search vốn có lợi thế là ở gần người tiêu dùng châu Á.

Không giống như các nhà sản xuất, các công ty giao dịch phải tính toán theo cách khác vì họ không có năng lực sản xuất mà chỉ là mua đi bán lại. Nhìn chung thì thị trường biến động là tin tốt đối với họ, bởi họ không chỉ ăn chênh lệch về giá mà còn tận dụng yếu tố địa lý, chuyển hàng đến thị trường hấp dẫn nhất.

"Thế giới không thiếu LNG. Chỉ là những con tàu chuyên chở LNG không ở đúng chỗ mà thôi", Richard Holtum, 1 lãnh dạo của Trafigura nói.

Tham khảo Bloomberg

An Nguyên

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên