MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thế giới, nhưng Chính phủ Việt Nam muốn nhiều hơn thế!

Chính phủ đang yêu cầu các Bộ ban ngành liên quan rà soát lại từng tiêu chí, giải trình về các chỉ số bị xuống hạng được Ngân hàng Thế giới (WB) dùng làm chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa được công bố mới đây. Chính phủ cho biết việc cải cách hành chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Phát triển doanh nghiệp khả quan, số doanh nghiệp đăng ký mới thành lập và số doanh nghiệp hoạt động trở lại đã tăng cao.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, cả nước có 10.314 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 81,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp, tăng 7,1% về số vốn so với tháng trước; Có 1.976 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,8% so với tháng 9.

Trên thực tế, nỗ lực này đã được WB ghi nhận khi nâng vị trí của Việt Nam lên 9 bậc, xếp thứ 82/190 nước được đánh giá.

Dù ghi nhận những gì đã đạt được, nhưng trong Nghị quyết, Chính phủ vẫn chỉ đạo rõ: “Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công”.

Trong đó Chính phủ yêu cầu rà soát từng tiêu chí, chỉ số do Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố xếp hạng năm 2016, phân tích, giải trình về các chỉ số bị xuống hạng và các chỉ số còn ở mức thấp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện thứ hạng trong năm 2017, báo cáo Thủ tướng đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong khảo sát năm nay, WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Việt Nam đã cải thiện được một số mặt như: Tiếp cận điện năng (tăng 5 bậc lên thứ 96); Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ (tăng từ 31 bậc lên thứ 87); nộp thuế (tăng 11 bậc lên thứ 167);Tiêu chí giao thương quốc tế (tăng tới 15 bậc lên thứ 93).

Dù vậy, vẫn có những tiêu chí quan trọng bị sụt giảm thứ hạng, như tiêu chí thành lập doanh nghiệp giảm tới 10 bậc xuống thứ 121 trên bảng xếp hạng. Tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn đều giảm 3 bậc.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên