MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước

Cần tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vì đây là điểm yếu của công tác quản lý trong thời gian qua...

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước".

Theo ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, nhằm tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, tháng 6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tháng 10/2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết 97/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TƯ.

Tại Nghị quyết 97, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành đề án đối với vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay Thanh tra Chính phủ mới cơ bản soạn thảo xong dự thảo đề án.

Nói về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Văn Minh cho rằng, những năm qua doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Đến nay, mặc dù cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước đã được thay đổi nhưng vẫn còn kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Đặc biệt là tính công khai, minh bạch trong các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế do đó dễ phát sinh tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, dẫn đến nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Điển hình là nhiều vụ tham nhũng lớn bị phát hiện và xử lý tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã cho thấy những bất cập đó.

TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cũng cho rằng, cần tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vì đây là điểm yếu của công tác quản lý trong thời gian qua.

Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước không có gì hiệu quả hơn là sử dụng kênh kiểm soát hoạt động từ bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp nhà nước.

"Đề án phải làm rõ cơ chế và giải pháp kiểm soát từ bên ngoài doanh nghiệp nhà nước như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát. Cùng với đó là đưa ra cơ chế và giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ (bên trong). Chỉ khi công tác kiểm soát được tăng cường cả trong lẫn ngoài chặt chẽ như vậy mới hạn chế được những tiêu cực...", TS. Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh.

Ông Vũ Hồng Hải, Phó chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, để đề án được thực thi hiệu quả Ban soạn thảo phải cụ thể hoá việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì vai trò cũng như trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong doanh nghiệp nhà nước sẽ như thế nào, có chồng chéo với các cơ quan kiểm toán, thanh tra như hiện nay không...?

Nếu không làm rõ ràng sẽ rất vướng trong thực thi khi có quá nhiều lực lượng cũng thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước. Do đó, trước mắt cần hệ thống lại, làm những gì còn thiếu để hạn chế chồng chéo và cũng hạn chế các đoàn thanh tra, kiểm tra vào doanh nghiệp nhà nước quá nhiều nhưng không hiệu quả.

"Đơn vị độc lập kiểm tra, giám sát còn khó khăn vậy vấn đề kiểm toán nội bộ có cần thiết hay không, nếu có thì chức năng, quyền hạn của kiểm toán nội bộ sẽ như thế nào..., là những điều mà đề án cần làm rõ. Đề án sẽ có quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện bám sát những nội dung đã đưa, phải có bối cảnh thực tiễn, cơ chế phối hợp của các đơn vị liên quan", ông Vũ Hồng Hải nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo đề án cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là xem những quốc gia khác xây dựng khung khổ pháp lý, chủ thể, đối tượng, phương thức của thanh tra, kiểm tra, giám sát... các đối tượng doanh nghiệp nhà nước như thế nào. Từ đó đặt thực trạng về cơ chế, chủ thể, nội dung của Việt Nam để đưa ra một phương thức quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước hiệu quả nhất.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tập trung làm làm rõ đối tượng hưởng thụ, vai trò của các cơ quan quản lý tham gia vào việc thực thi đề án. Đặc biệt sẽ làm rõ nội dung, phương thức thực hiện, ngoài ra, làm rõ tính khả thi trong thực tiễn khi đề án được triển khai...

Trong đó chú ý đến các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước... Do hiện nay đang tái cơ cấu mạnh các doanh nghiệp nhà nước do đó đề án cũng sẽ phân chia lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể để đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn để khi đi vào thực thi đem lại hiệu quả.

Theo Lam Giang

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên