Tăng cường năng lực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thời gian tới cần xác định vai trò lớn hơn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
- 06-04-2016Vai trò mờ nhạt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
- 04-04-2016Hàng loạt sai phạm tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nhưng không thu hồi
- 03-04-2016Trả lương sai 48 tỷ đồng tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Đây là nội dung trong Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo BHTG hoàn thiện các Đề án về tăng hạn mức tiền gửi tối đa được chi trả và lộ trình áp dụng cơ chế phí bảo hiểm phân biệt, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó lưu ý việc tăng hạn mức cần gắn với việc nâng cao năng lực tài chính của BHTG, đáp ứng đủ yêu cầu chi trả khi cần thiết; lộ trình cơ chế phí phân biệt cần gắn với năng lực và quyền hạn của BHTG trong việc giám sát, đánh giá rủi ro, phân loại các tổ chức tham gia bảo hiểm.
Đồng thời, phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của BHTG, tăng cường quản lý, chỉ đạo và có giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động cho BHTG, từ đó tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào các quá trình giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và kiểm soát đặc biệt các ngân hàng thương mại yếu kém; tăng cường hỗ trợ về cơ chế nghiệp vụ, chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với BHTG để tạo điều kiện cho BHTG sớm tích lũy đủ kinh nghiệm, nguồn lực sẵn sàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và ổn định thị trường tài chính.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo BHTG xây dựng Chiến lược phát triển BHTG giai đoạn 2017-2025 với định hướng nâng cao vai trò, vị trí BHTG trong việc đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD, trình Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng văn bản bản quy phạm pháp luật về tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu (dưới hình thức là Luật hoặc Nghị định của Chính phủ) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để thực hiện đề án tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG (kết hợp hoặc riêng rẽ với văn bản quy phạm nêu trên) để tăng cường vai trò của BHTG cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng nguồn lực của BHTG trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu.
Đối với BHTG, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thiện Đề án tăng hạn mức chi trả tiền gửi bảo hiểm và tính toán thận trọng lộ trình áp dụng cơ chế phí bảo hiểm phân biệt, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Chiến lược phát triển BHTG giai đoạn 2017-2025 trong điều kiện khuôn khổ pháp lý cho phép BHTG tham gia vào các quá trình giám sát an toàn hoạt động và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng như có cơ chế sử dụng nguồn lực của BHTG để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức mới theo Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 1/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động rà soát để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan cho phù hợp với mô hình tổ chức mới; tăng cường tích lũy các nguồn lực về tài chính, chuyên môn nghiệp vụ, nhân sự, công nghệ thông tin để sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tham gia BHTG quy mô lớn.
Qua 16 năm hoạt động, BHTG đã hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Luật BHTG, thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân bị giải thế bắt buộc, thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi...
Tuy nhiên, với khuôn khổ pháp lý và nguồn lực hiện tại, BHTG mới thực hiện được chức năng chi trả tiền gửi bảo hiểm, chưa được chủ động tham gia vào quá trình giám sát các tổ chức tham gia BHTG là ngân hàng thương mại cũng như vào quá trình kiểm soát đặc biệt các ngân hàng yếu kém (hiện tại chỉ thực hiện được vai trò này đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô).
Thời báo Ngân hàng