MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, quan điểm ngược của Bộ Tài chính và giới chuyên gia

Nếu được thông qua, kể từ 1/7/2018, giá xăng, dầu mỗi lít xăng dầu sẽ gánh thêm một khoản thuế bảo vệ môi trường, trong đó, xăng tăng kịch khung, tăng thêm 1.000 đồng/lít. Bộ Tài chính dự tính sẽ thu về được 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm.

Đánh thuế mặt hàng thiết yếu, người dân, doanh nghiệp đều chịu thiệt

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên các mặt hàng xăng dầu. Ông nhận định điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế. "Đây không phải là thuế luỹ tiến, người giàu hay người nghèo đều phải sử dụng mặt hàng này. Các doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động nặng nề nếu dự thảo này được thông qua", ông nói.

Phân tích sâu hơn, ông Tùng cho rằng ngành logistic ở Việt Nam đã chịu quá cao về chi phí, trong bối cảnh Việt Nam là nước xuất nhập khẩu nhiều, luồng hàng hoá vận chuyển tăng cao. Việc tăng kịch khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu chắc chắn tác động đến giá cả hàng hoá.

Đất nước còn là một công xưởng sản xuất các mặt hàng sử dụng năng lượng lớn, do đó, tác động đến việc kinh doanh là không hề nhỏ. Thuế xăng dầu còn ảnh hưởng đến nông nghiệp do các máy móc đều sử dụng dầu dẫn đến tác động tiêu cực đối với tầng lớp nghèo.

TS. Đinh Tuấn Minh cũng tỏ ra không ủng hộ cách thức tăng thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính. Nói với chung tôi, ông cho rằng cách làm này đang khiến thông điệp bảo vệ môi trường bị sai lệch đi.

"Bộ Tài chính tăng thuế thực chất là do nguồn thu thuế từ việc nhập khẩu bị cắt giảm. Rõ ràng họ đang dùng "cái mũ" bảo vệ môi trường để thu khoản đó. Quan điểm bảo vệ môi trường là không chính danh khi số tiền thu về được hoà chung vào ngân sách", ông Tuấn Minh nói.

Theo ông, thuế bảo vệ môi trường bản chất không phải để tăng thu mà là để thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tăng thuế xăng dầu là hành động đánh vào các mặt hàng thiết yếu, mang tính chất bắt buộc, người dân không có một lựa chọn nào thay thế như những loại hàng hoá khác. Như vậy, những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi họ không thể tiết kiệm trong khi nhu cầu đi lại của họ là rất nhiều.

Về lâu dài, người nghèo cũng sẽ chịu thiệt hơn so với các đối tượng có thu nhập cao bởi đây là lý thuyết chung đối với các sắc thuế áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu.

Quan điểm ngược của Bộ Tài chính

Trước những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như sự không đồng tình của người dân, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có trao đổi với báo giới. Ông cho biết đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công, tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có việc cơ cấu lại nguồn thu ngân sách.

Bên cạnh đó, là việc thực hiện Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm, giai đoạn 2016 – 2020, là phải hoàn thiện cơ cấu nguồn thu ngân sách, khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên môi tường.  

Theo ông Thi, tại phiên họp lần thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường, ngoài ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng chịu thuế thì có ý kiến phải làm rõ để xem xét mở rộng khung.

Nói thêm, ông cho biết có ý kiến đề nghị trong lúc khung thuế bảo vệ môi trường của Quốc hội còn cho phép thì cần thiết, Chính phủ điều chỉnh thuế này.

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có ý kiến thông báo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.

Mặt khác, đề xuất tăng thuế này còn xuất phát từ thực tế Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới với 11 hiệp định FTA. Theo đó, Việt Nam còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%.

Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh, theo ông Thi. Vì vậy, tăng thuế là nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, xét trên giác độ bảo vệ môi trường có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nylon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Từ 1/1/2018, Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng xăng E5, đó là một cách bảo vệ môi trường.

Mặt khác, giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước trên thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của Việt Nam thấp hơn 122 nước.

Bộ Tài chính cũng nói rằng theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách, từ đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên