MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng nguồn lực cho TP HCM để tạo đòn bẩy

Khi tỉ lệ điều tiết tăng cho ngân sách TP HCM từ 18% lên 23% thì tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng.

Khi tỉ lệ điều tiết tăng cho ngân sách TP HCM từ 18% lên 23% thì tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng

Ngày 30-7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ - ngành góp ý cho đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030" để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Hội nghị do ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ - ngành trung ương.

Cần thiết và cấp bách

Trình bày đề án, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết cứ 5 năm, dân số TP HCM tăng khoảng 1 triệu người, hiện dân số đã khoảng 9 triệu người, trong đó có 17/19 quận có mật độ dân số ở mức mất an toàn; kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, ngập nước ngày càng tăng; ô nhiễm không khí, nước sông tăng, nhà ở thiếu, diện tích nhà bình quân đầu người thấp hơn diện tích cả nước, bệnh viện, trường học quá tải.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, kinh tế TP HCM lớn nhất cả nước (chiếm gần 1/4 GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội và tỉ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm. Tỉ lệ vốn FDI của TP thu hút được so với cả nước năm 2011-2013 có sự tụt dốc đáng kể, sau đó tăng trưởng lại nhưng không đều. Đóng góp của TP cho xuất khẩu cả nước ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trên địa bàn TP giảm liên tục, từ 33% giai đoạn 2000-2003 còn 18% giai đoạn 2017-2021.

Tăng nguồn lực cho TP HCM để tạo đòn bẩy - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị Ảnh: QUANG PHÚC

Khi tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP HCM giảm (29% năm 2005 còn 18% giai đoạn 2017-2019) thì mức ngân sách đóng góp của một lao động TP so với mức đóng góp bình quân của một lao động cả nước giảm (3,8 lần năm 2005 và 3,2 lần năm 2019). Năm 2019, ngân sách TP đầu tư 1 đồng thì thu hút được 9 đồng vốn đầu tư khác của xã hội. Trong khi đó, bình quân cả nước đầu tư 1 đồng ngân sách chỉ thu hút được 5 đồng vốn đầu tư khác của xã hội.

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, TP này có dân số khoảng 9,3% dân số cả nước, diện tích chiếm 0,62% cả nước; quy mô kinh tế lớn nhất cả nước: chiếm khoảng 24% GDP cả nước, năng suất lao động gấp 2,92 lần cả nước, lao động chiếm 8% lao động cả nước; thu ngân sách lớn nhất cả nước, khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước; thu ngân sách đầu người bằng 280% thu bình quân đầu người cả nước... nhưng chi ngân sách chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi ngân sách cả nước. Chi ngân sách đầu người bằng 51% bình quân đầu người cả nước. Tỉ lệ chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (năm 2019 là 16,1% và dự toán năm 2020 là 20,4%).

Bên cạnh đó, việc dân số tăng nhanh, bình quân 5 năm tăng thêm 1 triệu người, tạo áp lực lớn trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong quản lý đô thị của TP thì tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP liên tục giảm qua từng giai đoạn, giai đoạn 2017-2020 giảm còn 18% làm cho TP thiếu nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong thời gian dài.

"TP HCM đang phải đối mặt với nguy cơ trong việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu TP suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước (NSNN)" - ông Trần Hoàng Ngân nhận định.

Do vậy, việc TP HCM đề xuất xin tăng tỉ lệ điều tiết giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025; 26% giai đoạn 2026-2030 (bằng với tỉ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách 2 giai đoạn trước liền kề 2011-2016, 2007-2010) là cần thiết và cấp bách. Khi hiệu quả đầu tư công phát huy sẽ tạo động lực làm tăng tổng thu NSNN trên địa bàn lên 17,35% trong giai đoạn 2022-2030. Việc cho phép TP HCM quay về tỉ lệ điều tiết ngân sách trước đây sẽ vừa làm tăng nguồn ngân sách nộp về trung ương vừa làm tăng ngân sách để lại cho TP đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn.

"Khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tốc độ tăng thu NSNN chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng thêm 1,41%. Khi đó, tổng thu NSNN chuyển trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 1,7 tỉ USD. Khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tốc độ tăng thu NSNN chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng thêm 3%. Lúc đó, tổng thu NSNN chuyển trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỉ USD" - đề án nêu rõ.

Tháo gỡ để tăng trưởng nhanh hơn

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP HCM là đô thị kinh tế lớn nhất nước, năng suất lao động cao, thu ngân sách đầu người cao, đóng góp lớn cho ngân sách trung ương, thu hút đầu tư nước ngoài tốt...

Đó là những kết quả mà địa phương đã đạt được những năm qua. Nhưng nếu chỉ có thế thì sẽ không có việc xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị. TP HCM hiện có những ách tắc cần tháo gỡ để tăng trưởng nhanh hơn. Đơn cử là tăng trưởng của TP chậm so với cả nước; xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài với mức độ chưa như kỳ vọng. Nộp ngân sách trung ương dù tăng nhưng mức tăng lại giảm. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách để khắc phục.

Để khắc phục các điểm nghẽn này, TP dựa vào 3 đột phá của Đảng: Thể chế, nhân lực, hạ tầng. Về hạ tầng, TP đã dồn lực nhưng sức thì không đủ. Về phát huy tốt nguồn nhân lực thì TP đã làm khá tốt, có giải thưởng sáng tạo; TP hiện là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất của cả nước. Cả 3 đột phá này đều được TP chú trọng trong thời gian qua... Ba đề án TP HCM sắp trình Bộ Chính trị có mục tiêu là thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng cao, phát huy hết thế mạnh về con người sáng tạo của TP.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP HCM, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030 để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững được thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 16-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị ra đời nhưng 5 năm sau, tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP không những không tăng mà còn giảm.

"Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM không phải sẽ giảm đóng góp vào ngân sách trung ương mà là để tăng lên. Bởi năng suất lao động của TP rất cao, gấp 2,7-2,9 lần cả nước. Hệ số đòn bẩy chi ngân sách của TP cũng rất cao, 1 đồng chi ngân sách của TP có thể tạo ra 9 lần, thậm chí 10-14 lần đầu tư xã hội. Do đó, nếu tăng 1 đồng chi ngân sách cho TP HCM thì ngân sách trung ương sẽ thu được nhiều hơn" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tán thành quan điểm phải tăng nguồn lực cho TP HCM để phát triển, cần phát triển nhanh các động lực, đầu tàu để có tác động lan tỏa, quay lại hỗ trợ trung ương lo ngân sách cho các tỉnh nghèo. Tăng nguồn lực có thể bằng tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách trung ương hoặc cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Nếu cứ phát triển, đầu tư dàn đều thì sẽ chỉ "bình bình", không có đột phá. Vì thế, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải đột phá cho các đầu tàu, từ đó "kéo" những vùng còn lại.

Cần bảo đảm sự hài hòa

"Đề xuất của TP HCM là rất hợp lý và rất đúng bởi việc nghiên cứu để tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là việc làm cần thiết, để bảo đảm sự phát triển kinh tế của địa phương này. Tuy nhiên, tỉ lệ điều tiết lại cho TP HCM như thế nào, bao nhiêu thì cần bảo đảm sự hài hòa giữa các vùng, các địa phương khác" - ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH) nói và đề nghị cần thảo luận rất kỹ vấn đề này để có cơ sở xem xét, quyết định hợp lý.

Cân nhắc việc bỏ HĐND quận, phường

Cùng ngày, với đề án tổ chức lại HĐND, TP HCM kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM từ ngày 1-7-2021. TP HCM đề xuất không làm thí điểm như Hà Nội, Đà Nẵng mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng theo quy định hiện hành, các đơn vị hành chính của cả nước, từ cấp tỉnh trở xuống, đều phải có HĐND cấp tỉnh, huyện, xã. Chưa có quy định nào cho phép bỏ HĐND các cấp ở cấp hành chính địa phương.

Tuy nhiên, ông Vân nhấn mạnh với việc đề xuất thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường cũng đã được Quốc hội cho phép nhưng phải có luận chứng, luận cứ đầy đủ tính cần thiết, lý do vì sao và phải thuyết phục; những yêu cầu khách quan và nhu cầu phát triển. Về nguyên tắc, ở đâu có chính quyền địa phương thì phải có 2 cơ quan cấu thành là HĐND và UBND. Nếu một cấp nào đó bỏ HĐND thì đấy chỉ là mô hình đề xuất thí điểm. Việc thí điểm đã được tổng kết, cho thấy cần thiết phải giữ HĐND bởi kết quả thực tiễn thí điểm cho thấy chưa đủ sức chứng minh bỏ HĐND ở một số cấp là hiệu quả.

V.Duẩn

Theo Văn Duẩn

Người lao động

Trở lên trên