Tăng thu hàng tỷ USD, giá xăng tăng mạnh
Theo tính toán, một ngày nào đó, nếu nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên gấp 2-3 lần hiện tại, ngân sách sẽ thu thêm được số tiền rất lớn.
- 21-03-2017Giá xăng giảm mạnh 708 đồng⁄lít
- 20-03-2017Giá xăng có thể giảm mạnh vào ngày mai
- 07-03-2017Lạm phát có thể tăng mạnh do xu hướng tăng giá xăng dầu?
Số thu tăng cao nếu nâng thuế
Theo lý giải của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính mới chỉ đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000 đồng-4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng-8.000 đồng/lít. Hiện mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.
Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp.
Việc đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu gây nhiều băn khoăn.
Có nghĩa, nếu được Quốc hội thông qua khung thuế lên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít, tối đa 8.000 đồng/lít, thì việc điều chỉnh mức thuế, chẳng hạn từ mức 3.000 đồng/lít hiện hành lên con số cụ thể, ví dụ như 4.000 hay 5.000 đồng/lít sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Vậy nếu mức thuế xăng dầu giữ nguyên như hiện hành (xăng, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít; dầu mazut dầu nhờn mỡ nhờn 900 đồng/lít,kg) số thuế bảo vệ môi trường ngân sách thu được từ xăng là bao nhiêu?.
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giữ nguyên mức thu này, ngân sách sẽ thu được hơn 21.200 tỷ đồng từ xăng; 15.600 tỷ đồng từ dầu diesel; 2.100 tỷ đồng từ nhiên liệu bay, dầu mazut là hơn 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số thu từ xăng dầu sẽ là hơn 40.100 tỷ đồng.
Còn nếu một ngày nào đó, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên tối đa (xăng 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 6.000 đồng/lít, dầu diesel 4.000 đồng/lít…) thì số tiền ngân sách thu được không hề nhỏ.
Nguồn tin của PV. VietNamNet cho hay, Bộ Tài chính đã có tính toán con số này. Cụ thể, nguồn tin này cho biết, nếu thuế xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít thì ước tính ngân sách thu được 56.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thu hiện tại. Dầu diesel cũng sẽ thu được hơn 41.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thu hiện tại…
Tổng cộng, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở phương án tối đa ước tính đạt gần 110.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần hiện tại.
Lưu ý thêm, mức thuế tối đa 8.000 đồng/lít với xăng mà Bộ Tài chính xây dựng là để cho một lộ trình dài hơi, tùy tình hình cụ thể, không phải tăng ngay thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng.
Người dân lo ngại thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ sớm được nâng lên.
Kiên trì đề xuất nâng khung thuế
Kể từ khi công bố kế hoạch nâng trần khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 1.000-4.000 đồng/lít hiện tại lên mức 3.000-8.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu nâng khung thuế bảo vệ môi trường 3.000-8.000 đồng/lít.
Góp ý cho đề xuất này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị không tăng khung thuế cao như vậy. Cụ thể Hiệp hội đề nghị mức tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng chỉ là tối thiểu 3.000 đồng/lít - tối đa 5.000 đồng/lít; Diesel tối thiểu 1.500đồng/lít - tối đa 3.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay tối thiểu 3.000 đồng/lít - tối đa 5.000 đồng/lít.
Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ lưỡng và cẩn trọng.
Giải trình lại, Bộ Tài chính cho rằng: Việc đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường tối đa đối với xăng dầu (trừ dầu hỏa) như tại dự thảo gửi xin ý kiến đã được Bộ Tài chính nghiên cứu và tính toán đảm bảo phù hợp với các mục tiêu. Chẳng hạn để Ủy ban thường vụ Quốc hội có cơ sở điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa,
"Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; Phù hợp với lộ trình cắt giảm, bù đắp thuế nhập khẩu giảm trong dài hạn theo cam kết quốc tế; Phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu", theo Bộ Tài chính.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế tối đa đã đề xuất. Tại dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nhất Bộ Tài chính đang xây dựng, các mức thuế cũng không thay đổi sau nhiều "can gián".
Giá xăng Việt Nam thấp hơn các nước, thuế cũng ít hơn?
Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97).
Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Việt Nam (theo petrolimex)- cập nhật đến ngày 6/4/2017 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Lào là 4.806 đồng/lít, thấp hơn Campuchia là 2.826 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan là 1.166 đồng/lít, thấp hơn Singapore là 16.175 đồng/lít, thấp hơn Philippines là 3.375 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông là 26.518 đồng/lít."
Ngoài ra, tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước (Hàn quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%).
Vietnamnet