MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tốc xử lý nợ xấu

29-08-2018 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỉ lệ nợ xấu nói chung vẫn còn cao đòi hỏi ngành ngân hàng phải tận dụng tối đa các lợi thế, cơ chế để xử lý hiệu quả hơn.

Ngày 28-8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2017.

Giải phóng bớt "cục máu đông"

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra giám sát NH (thuộc NHNN), cho biết sau 1 năm áp dụng, năng lực tài chính của các TCTD đã được cải thiện với việc vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Về kết quả xử lý nội bảng, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6-2018, toàn hệ thống đã xử lý tổng cộng 785.930 tỉ đồng nợ xấu. Riêng năm vừa qua xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm 61.040 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các NH thương mại đều khẳng định rằng Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã mang lại niềm tin đối với ngành NH, người dân và doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu - vốn được ví như "cục máu đông" của nền kinh tế. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đều giảm từ 2,46% vào thời điểm cuối năm 2016 xuống còn 2,09% vào cuối tháng 6 vừa qua.

Tăng tốc xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Kết quả xử lý nợ xấu sau Nghị quyết 42 được đánh giá là ấn tượng, giải phóng bớt “cục máu đông” của nền kinh tế Ảnh: Tấn Thạnh


Dù vậy, theo NHNN, việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Như việc tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như các vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang…

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá kết quả xử lý nợ xấu mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng tỉ lệ nợ xấu nói chung, bao gồm cả nợ xấu ngoại bảng của các TCTD vẫn còn cao, ở mức 6,6%, đòi hỏi ngành NH phải tận dụng tối đa các lợi thế, cơ chế, chính sách để xử lý hiệu quả hơn nợ xấu.

Tiếp tục gỡ vướng cho nợ xấu

Trao đổi bên lề hội nghị, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận xét cái được lớn nhất từ khi có Nghị quyết 42 là gia tăng trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xử lý nợ xấu. Bên vay vốn cũng thiện chí hơn trong việc hợp tác với NH thương mại để xử lý nợ xấu. Từ đó, tiến độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. "Đặc biệt, Nghị quyết 42 cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường, giúp tâm lý của người bán nợ xấu dưới giá trị không lo bị hình sự hóa như trước đây nên cũng thúc đẩy quá trình này nhanh hơn" - TS Lực nói.

Dưới góc độ NH thương mại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), nhìn nhận những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết 42 là hình thành nên khuôn khổ pháp lý có tính chất tổng hợp trong xử lý nợ xấu, huy động được nhiều ban, ngành vào cuộc cùng với sự nỗ lực của NHNN, NH thương mại... Các cơ chế xử lý nợ xấu mới giúp khẳng định rõ ràng quyền của chủ nợ và ý thức của người vay đã góp phần thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu.

"Trước đây, nhiều người vay chưa ý thức được việc trả nợ nên chây ì, khoản vay càng chậm trả thì lãi càng phát sinh nhiều hơn. Thực tế có nhiều khoản nợ, người vay cố tình không trả gây tổn thất, khó khăn cho cả NH và tác động dây chuyền đến nền kinh tế. Trong 1 năm qua, tốc độ xử lý nợ xấu của nhiều NH tăng lên rõ rệt" - ông Tùng nói.

Như tại OCB, cuối năm ngoái tỉ lệ nợ xấu của NH này là 1,5%, con số tuyệt đối là 950 tỉ đồng trên tổng dư nợ tín dụng hơn 70.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ trong nửa đầu năm, NH này đã thu được 550 tỉ đồng, theo lãnh đạo OCB nếu không có Nghị quyết 42 sẽ rất khó đạt được.

Dù cơ chế mới xử lý nợ xấu không phải "cây đũa thần" nhưng đã góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của ngành NH và những vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện, gỡ vướng trong thời gian tới. Theo TS Cấn Văn Lực, một số bộ ngành có liên quan cần phải có hướng dẫn để xử lý tháo gỡ vướng mắc như liên quan về thuế khi mua bán chuyển nhượng dự bán bất động sản, hướng dẫn của tòa án, thi hành án để tòa án các cấp ở địa phương thống nhất thực hiện...

Không để "mất đà" tái cơ cấu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kịp thời phát hiện các vướng mắc, không được để "mất đà" cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu. Đến năm 2020, tăng gấp 2 lần tỉ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NH; đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã được phân loại xuống dưới 3%; tăng cường chất lượng cơ cấu tín dụng cho vay.

Theo DƯƠNG NGỌC - THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên