MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nóng thời gian qua nhưng cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng về mặt quản lý.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT), quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 20%/năm, đạt 6,2 tỉ USD vào năm 2017. Dự kiến, đến năm 2020, quy mô thị trường này ước đạt 10 tỉ USD. Tuy nhiên, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan trên sàn giao dịch trực tuyến, vi phạm chính sách bán hàng… chưa được thanh tra, xử phạt nghiêm khắc và đang có dấu hiệu gia tăng.

Làm sao lấy được lòng tin?

Đã có trường hợp sản phẩm đồ chơi "Bản đồ cắm cờ thế giới" thể hiện "đường lưỡi bò" phi pháp ở khu vực biển Đông được bán công khai trên một sàn TMĐT. Sau khi phát hiện, chủ sàn lẫn cơ quan quản lý phải rất vất vả để thu hồi sản phẩm và xử lý trách nhiệm các bên liên quan.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 52/CP về TMĐT diễn ra ở TP HCM sáng 14-9, ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương, đặt vấn đề làm sao tăng được niềm tin của người tiêu dùng với thị trường TMĐT?

"Hiện vẫn chưa có tổ chức đánh giá sự tín nhiệm của các doanh nghiệp (DN) TMĐT dù cho nghị định đã quy định rõ về việc này. Như thế, người tiêu dùng không biết trông cậy vào đâu để đánh giá người bán hàng uy tín hay không? Cần cân nhắc tính pháp lý để mở kênh giải quyết tranh chấp nhưng phải tránh được tình trạng nói xấu nhau, thưa kiện ảo để giành thị phần" - ông Minh lưu ý.

Đề cập thực tế trên, đại diện Bộ Công Thương ví von sàn TMĐT tương tự như chợ trong bán lẻ truyền thống và người bán hàng trên các sàn là tiểu thương. Do đó, người bán hàng phải tuân thủ các quy định, quy chế hoạt động của chợ. "Tuy nhiên, vì sàn chỉ là môi trường cho doanh nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành kinh doanh nên chủ sàn không có đủ thẩm quyền và năng lực để xác định hàng hóa nào là thật, giả" - đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Giám đốc marketing Công ty CP Tiki Đặng Quốc Cường chia sẻ bản thân DN rất muốn kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa nhưng thiếu hành lang pháp lý, chế tài cụ thể để dựa vào. "Có những sàn giám sát, duyệt bán hàng rất khắt khe, hàng hóa phải đưa qua sàn kiểm tra rồi mới giao cho khách. Nhưng cũng có những sàn chỉ cung cấp ứng dụng, làm trung gian mua bán thôi nên không kiểm soát chất lượng" - ông Cường chỉ rõ và đề nghị nhà nước có chính sách cụ thể bảo vệ người tiêu dùng thông qua tăng cường trách nhiệm của chủ sàn.

Theo đại diện Bộ Công Thương, chủ sàn TMĐT phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn được thực hiện chính xác, đầy đủ. Đồng thời, phải hỗ trợ các cơ quan như công an, quản lý thị trường, thanh tra,… điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn. Trường hợp có phản ánh về việc trên website có bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ sàn sau khi xác thực, phải có biện pháp xử lý kịp thời như loại bỏ khỏi website những sản phẩm bị phản ánh đó hoặc có chế tài xử lý đối với những vi phạm của người bán trên sàn.

Tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm chính sách bán hàng vẫn tràn lan trên các sàn giao dịch trực tuyến. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất cần có nội dung rõ ràng trong nghị định về hệ sinh thái TMĐT, trong đó bao gồm nhiều dịch vụ liên quan. Bởi đặc thù của thị trường này không thể tách rời với nền tảng công nghệ, dịch vụ thanh toán, giao nhận...

Đại diện Lazada nêu thực trạng đáng buồn là tỉ lệ thanh toán tiền mặt trong TMĐT qua nhiều năm không giảm mà có xu hướng tăng, kéo theo nhiều chi phí xã hội, tranh chấp không đáng có trong quá trình giao dịch. Lazada mong muốn Bộ Công Thương có cơ chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam.

"Đặc điểm của TMĐT là DN có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Nếu cơ quan thuế đi từng trụ sở để thu thuế từng món hàng nhỏ thì chi phí thu còn lớn hơn số thuế thu được. Khi kết nối được dữ liệu và thanh toán qua hệ thống điện tử thì cơ quan thuế hoàn toàn kiểm soát được" - đại diện Lazada góp ý.

Cũng lo ngại về xu hướng thanh toán tiền mặt tăng, ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ (sendo.vn), cho hay các đơn hàng COD (thu hộ) có tỉ lệ không nhận hàng rất cao, làm tăng chi phí giao nhận của các sàn và các nhà bán hàng. Đồng thời, các đơn vị chuyển phát cũng không thích nhận đơn hàng "trả hộ" bởi rủi ro cao.

Ông Phạm Tấn Đạt, Giám đốc sàn Fado, kiến nghị tạo chính sách ưu đãi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc giảm phí thanh toán qua cổng. Theo ông Đạt, giảm thu phí thanh toán qua cổng có thể giảm doanh thu của các ngân hàng nhưng nhà nước chống được thất thu thuế, đem lại lợi ích rất nhiều cho nhà nước.

Rất cần nhà nước hỗ trợ

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương TP HCM, góp ý để chương trình phát triển TMĐT được triển khai hiệu quả, nên trích tiền ngân sách để quảng bá cho các trang TMĐT đã đăng ký và cam kết chất lượng với cơ quan nhà nước. Khi đó, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi đặt hàng.

Theo Phương Nhung

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên