MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng 2022: "Gấu" hay "Bò tót"

02-02-2022 - 10:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng 2022: "Gấu" hay "Bò tót"

Với gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ gần 350.000 tỷ đồng hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, một động lực mới và quan trọng cho tăng trưởng 2022 đang hình thành, đi vào thực tiễn.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Phải mất gần bốn tháng từ khi phảng phất trên thị trường, qua hàng chục diễn đàn lớn nhỏ, gói kích cầu mới có thể dần hoàn thiện hình hài. Một quá trình không dễ dàng để xây dựng được một chương trình với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi mở tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Quá trình thai nghén như vậy đủ thấy các nhà hoạch định chính sách đứng trước những áp lực, cân đối lớn: vừa phải có tốc độ kịp thời, vừa phải hợp lý về liều lượng và điểm đến, vừa phải cân nhắc các cân đối vĩ mô như nợ công, vừa dự phòng các rủi ro như áp lực lạm phát và cả vấn đề đạo đức khi triển khai…

Điểm mà người dân và doanh nghiệp kỳ vọng đó là một chương trình hỗ trợ phục hồi đủ lớn, đủ mạnh, kịp thời để nhanh chóng tiếp sức ngay đầu năm mới 2022. Và không phụ sự kỳ vọng, ngay tại kỳ họp bất thường diễn ra từ ngày 04-11/1, Quốc hội đã thông qua dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lên tới gần 350.000 tỷ đồng.

Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định một vấn đề cấp thiết, chưa có tiền lệ như vậy. Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp gắn với yếu tố cấp bách vì Việt Nam đang cần quyết sách liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế, "nếu để lại kỳ họp tháng 5 sẽ mất 5 tháng mới quyết định được, như vậy sẽ chậm".

Với lộ trình trên, một động lực mới và quan trọng cho tăng trưởng 2022 đang hình thành, đi vào thực tiễn. Các chuyên gia nhìn nhận thế nào về động lực này, cũng như những thử thách và những vấn đề đặt ra, triển vọng của nền kinh tế trong năm mới này? Và trong khi nhiều quốc gia khác đang tiến tới thu hẹp chương trình nới lỏng, Việt Nam có lỡ nhịp?

Tăng trưởng 2022: Gấu hay Bò tót - Ảnh 1.

Năm 2022 gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thông qua với những định hướng rõ ràng là đủ lớn, đủ dài, đúng và trúng đối tượng, đồng thời cũng phải đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế, của đối tượng được hỗ trợ, ngoài ra cũng phải đảm bảo có thể huy động được nguồn lực và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.

Dù các chính sách hỗ trợ này của Việt Nam hơi chậm so với thế giới do ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ tư, tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không làm vì không làm thì tăng trưởng kinh tế năm 2022 không thể về đích 6-6,5%, mà có thể chỉ đạt 4-4,5%. Như vậy, cũng không thể hoàn thành các mục tiêu về xã hội đã đề ra.

Do đó để các chính sách bớt "lỡ nhịp" thì trước hết phải đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hết sức chú trọng khâu thực thi, trong đó chú trọng khâu phối hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ với những chính sách vĩ mô khác để đảm bảo một mặt thực thi tốt chương trình phục hồi, mặt khác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai phải gắn chặt chương trình phục hồi với chương trình phòng chống dịch, coi như đây là hai vế của vấn đề. Đồng thời phải có những giải pháp để trung hòa các tác dụng phụ không mong muốn của các chính sách mà chúng ta triển khai trong các năm tới để đảm bao ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra.

Ngoài ra cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thể chế, tháo gỡ những rào cản trong kinh doanh để tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế với những gói hỗ trợ. Cùng với đó, chú tọng triển khai các chương trình khác như chuyển đổi số, nông thôn mới, biến đổi khí hậu…

Cuối cùng phải chú trọng phục hồi và phát triển những đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM cũng như các thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo tính kết nối, lan tỏa cũng như liên kết vùng. Như thế mới đảm bảo được những động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho năm 2022.

Tăng trưởng 2022: Gấu hay Bò tót - Ảnh 2.

Về dự báo tăng trưởng, năm 2022, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ phục hồi theo mô hình "con bò tót". Trong thị trường tài chính - chứng khoán nếu như "con gấu" là đi xuống, thì "con bò tót" là đi lên. Tất nhiên "con bò tót" của chúng ta không hung hăng quá, đồng nghĩa với việc năm 2022 nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối mạnh nhưng cũng phục hồi một cách bền vững, tạo nền tảng để vươn lên mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Theo tôi nếu Việt Nam thực hiện tốt hai việc là kiểm soát tốt dịch bệnh và đặc biệt là thực hiện tốt chương trình về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có cấu phần rất quan trọng là chính sách tài khóa, tiền tệ thì có thể đạt được mức tăng trưởng khoảng 6,5-7%.

Còn về lạm phát năm 2022 có thể được kiểm soát dưới 4%, ở mức 3,4-3,7% do giá cả hàng hóa trên thế giới vẫn chưa giảm. Thứ nữa là do chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn chưa giảm, bên cạnh đó khi kinh tế phục hồi thì sức cầu tăng, như vậy sẽ tạo ra áp lực lạm phát. Ngoài ra một nguyên nhân nữa là cung tiền năm 2022 dự báo tương đối lớn khi chúng ta triển khai chương trình phục hồi.

Về trụ cột tăng trưởng của năm 2022, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận phân tích theo hướng cung hoặc hướng cầu. Về hướng cung chúng tôi thấy rằng "cỗ xe tam mã" cả xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng sẽ phục hồi tương đối tốt, đặc biệt khi chúng ta thực hiện tốt chương trình phục hồi.

Ngoài ra, khi chúng ta kiểm soát tốt với dịch bệnh, sống chung an toàn với COVID-19 thì những lĩnh vực như dịch vụ và du lịch, lưu trú, ăn uống, bán lẻ sẽ phục hồi tốt hơn nhiều so với năm 2021.

Tăng trưởng 2022: Gấu hay Bò tót - Ảnh 3.

Nhìn nhận về các nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế tôi thấy đều khá hợp lý, chỉ có điều liều lượng thế nào phải phụ thuộc vào nguồn lực hiện có, nhà nước có tiền đến đâu cân đối đến đó. Đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp hỗ trợ càng nhiều càng tốt, nhưng Chính phủ sẽ phải cân đối nguồn vì không phải cái gì muốn cũng có thể tiêu được, cho nên các bộ ngành sẽ tính toán cụ thể.

Đầu tiên, nhóm chi cho nâng cao năng lực y tế, tôi cho đây là nhóm giải pháp quan trọng nhất, bởi vì khống chế được dịch bệnh, đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường thì tăng trưởng mới tốt được.

Nhóm thứ hai là nhóm an sinh xã hội, điều này cũng rất cần vì trong đại dịch thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Giải pháp này vừa mang tính kinh tế vì kích cầu, một phần nữa là an sinh xã hội.

Nhóm thứ ba các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí và giải pháp về tiền tệ như cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển tôi thấy cũng hợp lý. Về lý thuyết giảm được lãi suất cho doanh nghiệp cũng là một điều tốt giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng nợ nần và tập trung sản xuất kinh doanh.

Nhóm thứ tư là đầu tư công, khả năng sẽ tập trung vào những dự án lớn mang tầm quốc gia để có thể giải ngân nhanh.

Tăng trưởng 2022: Gấu hay Bò tót - Ảnh 4.

Với gói hỗ trợ trong chương trình tôi cho rằng bên cạnh việc cần hỗ trợ càng nhanh càng tốt thì cũng phải tính nhiều mục tiêu như tăng trưởng, an sinh xã hội, cân đối ngân sách, kiềm chế lạm phát,… nên việc thông qua vào đầu năm 2022 vẫn phù hợp.

Còn việc một số nước trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, tôi cho rằng đó là chuyện của họ, bởi vì thứ nhất họ nới lỏng giãn cách trước, họ có vaccine trước, mở cửa kinh tế trước, phục hồi trước, Việt Nam mới chậm hơn một chút không có vấn đề gì.

Về năm 2022, tôi cho rằng có hai áp lực lớn đó là diễn biến của dịch bệnh, phải kiểm soát được dịch bệnh để các hoạt động sản xuất kinh doanh hoạt động bình thường; thứ hai là cầu tiêu dùng còn yếu phải đẩy lên. Động lực chính vẫn là xuất nhập khẩu, tiêu dùng và đầu tư công.

Nhìn chung việc phục hồi năm 2022 phụ thuộc vào Việt Nam có giãn cách nữa hay không, bình thường hóa như thế nào. Nếu các hoạt động được bình thường hóa, không có giãn cách xã hội thì sẽ tăng trưởng cao. Tôi nghĩ khi đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%, Chính phủ và Quốc hội đã khá thận trọng, thực tế khả năng tăng trưởng trên 7% là hoàn toàn có thể dựa trên nền thấp của năm 2021 và sự phục hồi mạnh mẽ của một số ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn...

Tất nhiên năm sau Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn được vì mức tiêu dùng đang thấp, sau đợt giãn cách mức thu nhập của người dân giảm nên mức chi tiêu chưa được hồi phục. Dù vậy, một số lĩnh vực nếu mở cửa như du lịch sẽ tăng trưởng mạnh, xuất khẩu vẫn ổn định, sản xuất tiêu dùng trong nước vẫn phục hồi dần dần, chưa thể nhanh được do cầu tiêu dùng vẫn yếu.

Khi đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.

Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.

Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục "tiếp thêm nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi Chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước. Đây tất nhiên là một mục tiêu rất tham vọng nhưng nếu theo dõi tình hình ở Việt Nam thường xuyên, chúng ta sẽ hiểu vì sao không nên hoài nghi khả năng của Việt Nam và người dân trong việc đạt những mục tiêu và thử thách họ đặt ra cho bản thân.

Sẽ cần theo dõi sát sao một số vấn đề để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. Một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên. Hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước. Quan điểm hiện tại của HSBC là nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, HSBC đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của chính phủ.

Yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID, mặc dù quan điểm cá nhân của tôi là trong tương lai, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đã được nghị quyết của Quốc hội thông qua từ 6-6,5%. Tôi cho rằng đây vẫn là mức tăng trưởng khá thách thức với Việt Nam trong bối cảnh nước ta vẫn chịu ảnh hưởng bởi các làn sóng dịch COVID-19 và trong năm 2022 dịch COVID-19 dự báo chưa chấm dứt hoàn toàn, có thể có sự xuất hiện biến chủng mới.

Năm 2022 chúng tôi dự báo sẽ có 6 động lực tăng trưởng chính.

Thứ nhất là cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta sẽ đạt tỷ lệ tiêm phòng mũi hai và đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia vào thị trường mua sắm an toàn hơn. Ngoài ra, triển vọng tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ sáng sủa hơn, được hỗ trợ bởi sự gia tăng của thu nhập, mở rộng việc làm khi người lao động trở lại nhà máy sau thời gian trở về địa phương.

Thứ hai, các gói kích thích về chính sách tài khóa, thuế khóa trực tiếp và quyết liệt hơn sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng để ổn định và phục hồi sản xuất.

Tăng trưởng 2022: Gấu hay Bò tót - Ảnh 5.

Thứ ba là những sửa đổi gần đây trong luật đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn tới nhanh hơn, đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển sang thích ứng và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, tận dụng cuộc cách mạng 4.0, từ đó tạo ra các hình thức sản xuất kinh doanh mới, tích hợp với công nghệ, đạt năng suất hiệu quả hơn.

Thứ năm là các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận các thị trường có hoạt động thương mại và đầu tư lớn. Các đối tác lớn của Việt Nam đều tham gia vào hai hiệp định này và hầu hết đã khống chế được dịch bệnh cho nên sẽ có những hợp tác tốt hơn với Việt Nam trong năm 2022.

Cuối cùng là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hơn, nhất là khi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế trong thời gian tới. Khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài và du lịch sẽ đóng góp cho sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những động lực tăng trưởng cũng có những thách thức cho năm 2022. Cụ thể, dịch COVID-19 với biến chủng mới vẫn là nguy cơ đối với nền kinh tế.

Thứ nữa là giá cả các nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… trên thế giới vẫn tăng cao là bài toán khó cho kinh tế Việt Nam, bởi đây là đầu vào chính của nhiều ngành sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ khó khăn hơn khi cung lao động thiếu hụt tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là lao động có tay nghề. Sự chuyển dịch lao động sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong thời gian tới.

Tóm lại năm 2022, để nền kinh tế có thể phục hồi và đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra, tôi cho rằng cần phải kiểm soát được dịch bệnh, khai thác tốt thị trường nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Đồng thời, triển khai sớm, kịp thời và hiệu quả các gói kích thích kinh tế; triển khai nhanh có hiệu quả vốn đầu tư công; phục hồi cơ cấu lại một số ngành quan trọng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như thương mại, dịch vụ, logistics, hàng không, du lịch…

Riêng về gói hỗ trợ, tôi cho rằng sẽ tác động rất lớn, đặc biệt khi gói hỗ trợ dành khá nhiều nguồn lực cho đầu tư công trong hai năm 2022-2023 và một số chính sách rất bao trùm cả về an sinh, hỗ trợ cho lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ thu hút lao động. Khi nền kinh tế đang yếu việc đưa ra gói hỗ trợ phù hợp sẽ đem lại hiệu quả theo cấp số nhân, chẳng hạn đưa ra 1 đồng, chắc chắn tác động vào GDP hơn 1 đồng.

Tuy nhiên kinh nghiệm của năm 2011, có một số điểm cần phải lưu ý, trong đó có vấn đề về lạm phát khi đưa ra một gói quá lớn sẽ có thể tăng lạm phát. Hoặc đưa ra các gói hỗ trợ mà chúng ta không quản lý chặt, nhất là gói hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp thì dòng tiền có thể không chảy vào sản xuất mà lại chảy sang kênh đầu cơ.

Theo Đinh Thơm

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên