Tăng trưởng 40%, bánh ngon thương mại điện tử 10 tỷ USD sẽ thuộc về ai?
Thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng là sẽ đạt quy mô lên tới 10 tỷ USD vào năm 2020 tiếp tục là miếng bánh đầy hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp, cho dù không ít tên tuổi đã phải rời bỏ cuộc chơi.
- 07-08-2016Thương mại điện tử đuối sức
- 03-08-2016Sớm “nướng” hết 150 tỷ, website thương mại điện tử Lingo.vn buộc phải đóng cửa?
- 02-08-2016Website thương mại điện tử Lingo.vn đóng cửa?
- 13-04-2016Alibaba mua Lazada Việt Nam: A đây rồi, Tiki và toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam có lo sợ?
Sự ra đi của Lingo.vn hay một số đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục được nhắc tới tại một sự kiện đình đám gần đây, khi giới thiệu về Ngày mua sắm trực tuyến 2016. Với mục tiêu doanh thu trong ngày mua sắm online có nhiều ưu đãi, giảm giá lên tới 1000 tỷ đồng, không ít hoài nghi đặt ra khi cho rằng đây là con số đầy tham vọng.
Tuy nhiên, cho rằng đây không hề là con số tham vọng, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) chắc chắn doanh thu trong ngày mua sắm trực tuyến có thể lên tới 1.200 tỷ đồng. Dẫn chứng điều này, ông Hưng cho biết trái ngược với sự ra đi của một vài doanh nghiệp, thì thương mại điện tử vẫn có mức tăng trưởng lên tới 40% trong năm 2015.
Đóng cửa một vài tên tuổi không phản ánh sự đi xuống
“Sự đóng cửa của Lingo có phải là giảm niềm tin? Thực tế thương mại điện tử là ngành có nhiều hình thức khác nhau và sàn thương mại điện tử chỉ là một mô hình. Có sự cạnh tranh là đương nhiên, hoạt động tốt thì phát triển và hoạt động không tốt thì gặp khó khăn. Song sự đóng cửa của một sàn thì không phản ánh chung sự đi xuống. Thương mại điện tử đang có mức tăng trưởng mà nhiều ngành khác mong muốn là 40%/năm, được dự báo tiếp tục tăng cao hơn nữa đến năm 2020” – ông Hưng đánh giá.
Nhận định của Bộ Công Thương và VECOM cho biết đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến ước đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện nay, chỉ có 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM; 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%.
Do đó, trong ba năm tới thị trường phát triển sang các tỉnh thành lân cận thì quy mô thị trường có thể tăng từ 3 - 5 lần, giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử có doanh số tăng tương đương.
Dẫn chứng thêm về điều này, ông Hưng cho biết trong bốn năm qua tiếp thị trực tuyến – một hình thức giao dịch thương mại điện tử - đã tăng trưởng “cực kỳ ngoạn mục”. Nếu so sánh giai đoạn 2010 – 2015 tổng quy mô giao dịch và tiếp thị trực tuyến là 35 – 40 triệu USD thì năm 2015 lên tới 330 triệu USD, tức là tăng trưởng hơn 8 lần.
Với mức tăng trưởng ấn tượng như vậy, ông Hưng tin tưởng đây sẽ tiếp tục là tín hiệu tốt cho thương mại điện tử sẽ “đang trên đà vững mạnh”. Trên thực tế, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, thương mại điện tử đã phát triển ngoạn mục, như tại Mỹ có nhà bán lẻ đã phải đóng cửa 100 cửa hàng thì thương mại điện tử đã tăng trưởng rất nhanh.
Ở góc độ các nhà chuyển phát nhanh thực hiện việc giao hàng cho các hãng thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp cũng tiết lộ kết quả tăng trưởng khá ấn tượng nhờ vào sự tăng trưởng tới 40% của lĩnh vực này.
Theo ông Đinh Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Bưu chính Viettel Hà Nội, cho biết đơn vị này đã đạt được mức tăng trưởng lên tới 250% và số tiền thu hộ cũng tăng tới 200%. Đáng chú ý, xu hướng tăng lên của các đơn hàng nhỏ nên ông Sơn cho rằng tương lai cho ngành thương mại điện tử là rất “sáng sủa”.
Còn theo ông Phan Trọng Lê, Phó ban Kế hoạch và Đầu tư của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cũng thông tin là mảng chuyển phát cho thương mại điện tử đã duy trì tốc độ tăng hơn 2 – 2,5 lần. Sự tăng trưởng này cũng có sự thay đổi khi trước đây chủ yếu tăng ở thành phố lớn, nhưng gần đây lại tập trung ở khu vực nông thôn, với mức tăng gấp 3 – 5 lần.
Nếu doanh nghiệp nào cũng lập ra và sống tà tà, thì không phải là thị trường cạnh tranh
Theo đại diện của A đây rồi (trang website thương mại điện tử của Tập đoàn Vingroup), bên cạnh những doanh nghiệp rời bỏ thị trường, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp vẫn đang mở rộng quy mô và tìm hiểu cơ hội thị trường. Vị này cũng thông tin là có không ít các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đang tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam.
“Tỷ trọng thương mại điện tử ở Việt Nam trong ngành bán lẻ khá thấp, chỉ khoảng 2-3% nhưng ở nước phát triển thì luôn ở mức hai con số và rất cao. Đây là ngành có tiềm năng rất lớn, và sẽ còn phát triển ở Việt Nam khi năm nay đã tăng trưởng 40% và năm sau sẽ cao hơn 40% rất nhiều khi Việt Nam có 50 triệu người dùng Internet và chủ yếu sử dụng smartphone” – vị này nhận định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch của sàn sendo.vn thì cho rằng việc có một số sàn thương mại điện tử đóng cửa, lại là thông tin tốt cho thị trường. Vị này lập luận: “Nếu một thị trường không có cạnh tranh, công ty nào cũng lập ra và sống tà tà, phát triển chậm thì không phải là thị trường cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh là công ty nào phát triển thì sống còn không phát triển thì nên đóng cửa”.
Khá lạc quan về sự phát triển của Sendo.vn, ông Dũng cho biết trong 6 tháng đầu năm đơn vị đã có sự tăng trưởng tốt với ba con số. Do đó, vị này tin tưởng thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh và quy mô trong ngày mua sắm online 2016 không chỉ dừng lại ở con số 1000 tỷ hay 1.200 tỷ mà có thể lên tới 2000 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ