MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ lực kéo từ "cỗ xe tam mã"

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

“Cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đã tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm và đang tiếp tục phát huy vai trò làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Lực đẩy từ "cỗ xe tam mã"

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Điểm nhấn của tăng trưởng quý I là sự tăng tốc đáng kể của "cỗ xe tam mã" - đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Đầu tư đang phát huy tốt vai trò là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 khi quý đầu tiên của năm nay ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, chứng minh hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư.

Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2022 ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%).

Cùng với đó, tiêu dùng cuối cũng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm nổi bật nữa trên bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay là sự đóng góp của ngành dịch vụ khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý 1/2022 như: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm...

Do đó, cơ cấu nền kinh tế quý 1 năm 2022 có sự thay đổi đáng kể, với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).


Mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng GDP quý đầu tiên của năm nay đã vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý. Điều này cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng, tăng trưởng GDP ở một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… được dự báo giảm, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội đề ra còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý 1/2022 vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1/2019.

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm, trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước. Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nêu ý kiến.

Áp lực lạm phát lớn?

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục với hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý tiếp theo sẽ tốt hơn quý 1/2022 vì mở cửa toàn diện và dịch bệnh được kiềm chế.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay bởi khi xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho từng quý năm 2022, Chính phủ rất thận trọng. "Thời điểm xây dựng kịch bản (tháng 12/2021), dịch bệnh còn vô cùng phức tạp, nền kinh tế vừa mở cửa trở lại từ đầu tháng 10/2021, nhưng cũng chỉ mở có giới hạn. Vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý này từ 4,9 đến 5,4%. Ngay cả chỉ đạt tốc độ tăng trưởng ở cận dưới, cũng đã cao hơn năm ngoái", ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ quý IV/2021 chỉ tăng 5,42% do lĩnh vực này vẫn bị hạn chế mở cửa do dịch bệnh. Còn trong năm nay, khu vực dịch vụ gần như đã được mở cửa hoàn toàn, nên chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Tuy tăng trưởng kinh tế cao là điều đáng mừng nhưng PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng quan ngại về áp lực lạm phát gia tăng: "Có thể lạm phát sẽ gấp đôi năm ngoái (CPI năm 2021 tăng 1,84%). Nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao năm nay đã được nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, như hậu quả của cuộc chiến Nga - Ukraine dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu toàn cầu là đầu vào của hoạt động sản xuất trong nước. Lạm phát của các nền kinh tế lớn đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Việt Nam nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị, máy móc nghĩa là nhập khẩu cả lạm phát.

Cùng với đó, kinh tế thế giới dù mới được các định chế tài chính quốc tế dự báo giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ khiến cầu tăng. Giá xăng dầu đã và đang tăng rất mạnh, nhưng vẫn còn là ẩn số, tất cả phụ thuộc vào cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp kinh tế của các nước phương Tây đối với Liên bang Nga.

Còn ở trong nước, Hội đồng Tiền lương chưa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc có hay không nâng lương tối thiểu vùng, nâng bao nhiêu. Nhưng trước áp lực thiếu hụt lao động, để thu hút và giữ chân lao động, doanh nghiệp buộc phải nâng lương, phụ cấp, tiền thưởng, chế độ đãi ngộ, thu nhập cho người lao động, khiến tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất, tạo áp lực lên lạm phát"./.


Theo Trần Ngọc

VOV

Trở lên trên