Tăng xuất khẩu hàng Việt sang Trung Quốc
Từ ngày 8-1, Trung Quốc chính thức gỡ bỏ quy định phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là cơ hội để nông sản Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường này.
- 05-01-2023HSBC: Việt Nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” bị ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu “hạ nhiệt” khi sản xuất hàng điện tử phải nhập khẩu nhiều
- 04-01-2023Vì sao xuất khẩu gặp khó, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng?
- 04-01-2023Móng Cái sẵn sàng khôi phục hoàn toàn hoạt động xuất nhập khẩu
Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang chờ đợi hoạt động xuất khẩu sẽ sôi động trở lại với thị trường quan trọng này.
Xuất khẩu sẽ sôi động
Đại diện Bộ Công Thương cho biết Văn phòng cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Từ ngày 21 đến 27-1 (tức ngày 30 tháng chạp đến mùng 6 Tết), tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước. Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định việc phía Trung Quốc khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới sẽ là cơ sở để hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sôi động hơn trong thời gian tới.
Bộ Công Thương khuyến nghị các DN, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho rằng việc mở cửa biên giới, bãi bỏ một số chính sách kiểm dịch của Trung Quốc sẽ rất thuận lợi cho việc xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì việc quản lý danh sách DN đăng ký xuất khẩu thủy sản, đến nay Trung Quốc đã công nhận 802 DN thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam đã công nhận 780 DN thủy sản Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam.
Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên về xuất khẩu tôm sú lớn nguyên con, cho biết ngay khi có thông tin về việc Trung Quốc mở cửa từ ngày 8-1, khách hàng nước này đặt hàng rất nhiều, DN không đủ hàng để bán. "Tôm sú là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong 2 năm dịch COVID-19, sản lượng xuất khẩu giảm 40%, hy vọng chính sách mở cửa có thể giúp mặt hàng này xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại như trước dịch" - ông Khoa kỳ vọng.
Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận: "Với ngành thủy sản, 2 nhóm ngành sẽ hưởng lợi trực tiếp là cá tra và hải sản đánh bắt do nhu cầu lớn từ Trung Quốc. Ngoài xuất khẩu bằng đường biển thì giao thương biên giới trở lại cũng góp phần cho tăng trưởng chung của ngành. Chính sách mới của Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam hồi phục sớm".
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Do đó, các DN điều Việt Nam rất kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa, nhất là mùa Tết. DN đã có sẵn hàng hóa, chỉ cần có đơn hàng là có thể xuất khẩu được ngay.
Tạo thuận lợi thông quan hàng hóa
Trước việc Trung Quốc mở cửa trở lại, các địa phương ở khu vực biên giới phía Bắc đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi trong hoạt động thông quan hàng hóa cho DN, thúc đẩy xuất khẩu ngay từ đầu năm 2023.
Tại Lào Cai, Cục Hải quan tỉnh này đã yêu cầu các chi cục và đội kiểm soát hải quan kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở vật chất, bố trí nhân lực tại các khâu nghiệp vụ để thực hiện các quy trình thủ tục hải quan; bảo đảm thực hiện tốt quy trình kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch thương mại qua biên giới.
Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, cho biết đơn vị và các lực lượng quản lý biên giới của tỉnh đang tích cực chuẩn bị, kiểm tra trang thiết bị sẵn sàng cho việc nối lại hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh.
Còn ở khu vực cửa khẩu đường bộ Kim Thành, đơn vị chỉ đạo ngành chức năng lên kế hoạch phân luồng giao thông, hoàn thiện xây dựng, sớm đưa bãi KB2 vào hoạt động, với năng lực chứa 200 xe đầu kéo và xe thùng rỗng, khắc phục tình trạng ùn tắc, bảo đảm thông suốt và an toàn.
Ở tỉnh Lạng Sơn, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thông tin lực lượng hải quan đã sẵn sàng các kế hoạch để hoạt động giao thương trở lại bình thường trong năm 2023.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), cho hay để chuẩn bị cho khôi phục hoạt động thông quan, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái tiến hành rà soát, kiểm tra lại hệ thống barie, bốt kiểm soát phục vụ kiểm tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu; hệ thống máy soi hành lý, biển chỉ dẫn, điện chiếu sáng...
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng tiến hành tổng kiểm tra, rà soát thiết bị, máy móc, tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu nắm bắt kịp thời quy định mới trong hoạt động xuất nhập cảnh, vận hành trang thiết bị chuyên dụng. Đồng thời, bố trí 30 cán bộ, chiến sĩ làm thủ tục xuất nhập cảnh; xây dựng phương án phân luồng, trong đó cư dân biên giới sẽ bố trí luồng riêng, du khách luồng riêng để tránh tình trạng ùn tắc, bảo đảm hoạt động xuất nhập cảnh được thông suốt, an toàn.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), ngay khi có thông tin Trung Quốc sẽ dỡ bỏ kiểm dịch, mở cửa biên giới, cục đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị ở các cửa khẩu sắp xếp nhân sự, tổ chức, bố trí nguồn lực để hỗ trợ DN xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cá tra xuất khẩu kỳ vọng lớn vào thị trường Trung Quốc mở cửa sau dịch Ảnh: AN NA
Chủ động phòng dịch
Với việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19, dự kiến lượng người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn thời gian tới sẽ tăng mạnh. Để kịp thời ngăn chặn các trường hợp mắc COVID-19 hoặc có biểu hiện nhiễm bệnh qua các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực, chủ động thực hiện một số biện pháp.
Ông Đặng Viết Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết nhằm chủ động trước các tình huống, nhất là khi lượng khách xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh tăng lên, trung tâm đã triển khai các biện pháp theo đúng quy định của ngành. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trung tâm vẫn bố trí cán bộ thực hiện giám sát y tế chặt chẽ đối với khách xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu. Ngoài ra, khi số lượng khách từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam tăng quá cao, trung tâm sẽ trang bị thêm các máy đo thân nhiệt từ xa, nhiệt kế điện tử, máy phun hóa chất, máy phun khử khuẩn... phục vụ công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm nhất và kịp thời trường hợp mắc COVID-19 cũng như một số loại bệnh truyền nhiễm khác.
Còn theo thiếu tá Đào Văn Ninh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, đơn vị thường xuyên duy trì bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ công tác xuất nhập cảnh, vận hành trang thiết bị chuyên dụng để khi hoạt động xuất nhập cảnh triển khai trở lại sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thông tin từ UBND TP Móng Cái cho hay dù nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 trong khu vực cửa khẩu nhưng địa phương vẫn yêu cầu người ra vào duy trì việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung đông người; lái xe trung chuyển vẫn phải mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, bao giày, kính phòng chống dịch trong quá trình làm việc. TP Móng Cái vẫn duy trì đội lái xe trung chuyển thông qua danh sách đã được phía Trung Quốc chấp thuận và cấp mã vạch, cấp thẻ lái xe trung chuyển đủ điều kiện vào khu vực cửa khẩu làm việc.
Tại TP HCM, ThS-BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho hay ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai công tác tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu. Đặc biệt, thực hiện giám sát đối với các hành khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trước sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch COVID-19, ngoài việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, Việt Nam sẽ tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi để giải trình tự gien đánh giá nguy cơ. Đối với các tỉnh, thành có cửa khẩu, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, rà soát lại hệ thống điều trị, hệ thống lưu trú trên địa bàn để phục vụ khách nhập cảnh.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:
Cơ sở chế biến phải có mã số đặc biệt
Nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc hiện nay chiếm hơn 17% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Việc mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc sau dịch COVID-19 sẽ giúp xuất khẩu nông sản tăng cao hơn trong những tháng tới của năm 2023. Giải pháp chúng tôi phải làm hiện nay là kiểm soát chất lượng, vùng trồng và cơ sở chế biến phải có mã số đặc biệt là chuỗi thông tin về tiêu chuẩn xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc.
TS NGÔ XUÂN NAM, Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ NN-PTNT:
Kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc
Hoạt động xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn khi Trung Quốc không còn kiểm soát dịch COVID-19 đối với các mặt hàng thực phẩm bảo quản chuỗi lạnh và hàng hóa không bảo quản lạnh nhập khẩu ở các cảng, giúp DN tiết kiệm được thời gian, chi phí. Quan trọng nhất là khi Trung Quốc mở cửa sau dịch, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên, giúp Việt Nam tăng trưởng trong xuất khẩu. Tuy nhiên, DN cần chú trọng kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, không vì hàng hóa xuất khẩu nhanh và nhiều mà lơ là trong kiểm soát.
Văn Duẩn-Ngọc Ánh ghi
Phản ứng của các nước về việc Trung Quốc mở cửa
Các quốc gia châu Âu trong tuần này đã khuyến nghị áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với du khách đi từ Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Theo đài CNBC, hành khách khởi hành từ Trung Quốc có thể sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành để đến một trong 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Họ cũng được yêu cầu đeo khẩu trang trong các chuyến bay và có khả năng bị kiểm tra ngẫu nhiên khi đến nơi. Tương tự, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Úc... đều công bố các biện pháp cứng rắn hơn đối với du khách đến từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc COVID-19.
Bên cạnh đó, một số quốc gia như Bỉ, Canada, Áo, Úc và Mỹ cho biết sẽ theo dõi nước thải trên các chuyến bay từ Trung Quốc sau khi máy bay hạ cánh và chuyển tới các phòng thí nghiệm để kiểm tra. Khi phát hiện virus, các nhà phân tích sẽ giải trình tự gien để kiểm tra xem liệu chúng có thuộc biến chủng đã biết hay không.
X.Mai
Người lao động