Tập đoàn Nam Cường lần đầu lộ diện số liệu tài chính: Hai năm liên tiếp lãi nghìn tỷ, tỷ lệ nợ phải trả thấp một cách “đáng mơ ước”
Tại thời điểm cuối năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm mạnh xuống còn 43% trong khi cuối năm trước là 70,94%.
- 25-05-2023Tập đoàn Adani của Ấn Độ muốn đầu tư thêm 10 tỷ USD tại Việt Nam
- 19-05-2023Tập đoàn giáo dục EQuest huy động thêm 120 triệu USD, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 70% cổ phần
- 19-05-2023Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải lộ diện, nói về việc cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ 3 tháng
CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội vừa công bố thông tin về tình hình tài chính năm 2022. Theo đó, công ty lãi 1.168 tỷ đồng trong năm 2022 – giảm 29% so với năm 2021. Mặc dù giảm lợi nhuận, Nam Cường Hà Nội ghi nhận một điểm tích cực khi giảm rất mạnh dư nợ vay.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm mạnh xuống còn 43% trong khi cuối năm trước là 70,94%. Đây có thể nói là tỷ lệ nợ mà đa số doanh nghiệp bất động sản lớn đều “mơ ước”.
Nhờ khoản lợi nhuận hơn nghìn tỷ, vốn chủ sở hữu của Nam Cường Hà Nội đạt 7.693 tỷ đồng – tăng mạnh so với năm trước. Như vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp là 3.308 tỷ đồng – giảm 1.583 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chỉ còn 338 tỷ đồng – giảm 259 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Nam Cường Hà Nội đạt hơn 11.000 tỷ, tương đương một số doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn như Văn Phú Invest (VPI), BĐS An Gia (AGG).
Trong khi đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của VPI tại thời điểm cuối năm 2022 là 192% và của AGG là 307%.
Thông tin của HNX cho biết, Nam Cường Hà Nội có một lô trái phiếu đang lưu hành mã NAMCUONG_BOND2018_01, phát hành vào cuối năm 2018 với kỳ hạn 5 năm. Lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 28/12/2023. Giá trị phát hành ban đầu của lô trái phiếu này là 718 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm và giá trị đang lưu hành còn 338,5 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội là tên gọi chính thức của đơn vị vẫn được thị trường gọi tắt là Tập đoàn Nam Cường.
Đây là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1984, với tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy với người sáng lập là Chủ tịch quá cố Trần Văn Cường. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ tháng 12/2007 và đến tháng 8/2009 cổ phần hóa, đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội như hiện tại. Chủ tịch HĐQT hiện tại của Nam Cường là bà Lê Thị Thuý Ngà, vợ của ông Cường.
Tập đoàn Nam Cường được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn tại khu vực phía Bắc, như Khu đô thị Dương Nội tại quận Hà Đông, TP Hà Nội (197 ha), Khu đô thị phía Tây tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương (595 ha), Khu đô thị phía Đông tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương (138 ha), Khu đô thị Mỹ Trung tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định (191,5 ha),...
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Nam Cường có các dự án như Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang (32,32 ha), cùng hàng loạt khách sạn, như Khách sạn Nam Cường Hải Phòng, Khách sạn Nam Cường Nam Định, Khách sạn và Resort Nam Cường Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Khách sạn Nam Cường Dương Nội, Khách sạn Nam Cường Hải Dương hay Khách sạn Nam Cường Phú Quốc.
Nhịp sống thị trường