MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tasa Duyên Hải (TCO) muốn chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu giá 11.000 đồng, lấy vốn để thâu tóm công ty buôn gạo

Tasa Duyên Hải (TCO) muốn chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu giá 11.000 đồng, lấy vốn để thâu tóm công ty buôn gạo

Nguồn vốn thực hiện được lấy từ hai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ, ngoài ra còn thiếu hơn 15 tỷ đồng sẽ được trích từ vốn tự có của TCO.

Ngày 27/11 tới đây, CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (mã chứng khoán: TCO) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2021 theo hình thức trực tuyến.

Theo tài liệu đã công bố, HĐQT TCO dự kiến trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường lần 1/2021 hồi cuối tháng 9.

Với phương án cũ, TCO dự kiến phát hành hơn 8 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 43% để thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi hoàn tất, TCO sẽ tiếp tục chào bán hơn 26,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 16 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Giá chào bán đều là 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong phương án sửa đổi, TCO dự kiến chào bán hơn 37,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện 200% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 2 cổ phiếu). Giá chào bán là 11.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị vốn huy động dự kiến khoảng 412 tỷ đồng. Đồng thời, TCO cũng dự kiến chào bán 15,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương gần 85% cổ phiếu đang lưu hành) cũng với giá 11.000 đồng/cổ phiếu, số tiền thu về dự kiến 175 tỷ đồng.

TCO cho biết, toàn bộ số cổ phiếu riêng lẻ này sẽ được công ty chào bán cho bà Trần Thu Quyên trong khi danh sách nhà đầu tư được thông qua trước đó gồm ông Trần Hoàng Anh Tuấn và HQ Investment Group.

Tasa Duyên Hải (TCO) muốn chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu giá 11.000 đồng, lấy vốn để thâu tóm công ty buôn gạo - Ảnh 1.

Nguồn: TCO

Tổng cộng, TCO dự kiến chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên gấp gần 4 lần mức hiện tại, từ 187 tỷ lên 720 tỷ đồng. Thời gian thực hiện các hoạt động phát hành trên là trong quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.

Trong khi đó, xét về diễn biến giá cổ phiếu, trong khoảng tháng 9/2021, giá TCO đã tăng mạnh với hàng loạt phiên tăng trần liên tiếp để lên mức đỉnh 33.390 đồng/cổ phiếu (phiên 14/9), tương ứng gấp 3 lần kể từ thời điểm đầu năm 2021. Tuy nhiên sau đó, thị giá TCO quay đầu điều chỉnh, hiện chốt phiên 26/11 đạt 26.000 đồng/cổ phiếu.

Tasa Duyên Hải (TCO) muốn chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu giá 11.000 đồng, lấy vốn để thâu tóm công ty buôn gạo - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu TCO 1 năm gần đây

Trong lần đại hội này, TCO cũng dự kiến trình cổ đông phương án đầu tư mua cổ phiếu tại CTCP Gavi (Gavico) - doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn gạo.

Cụ thể, số cổ phần TCO dự kiến mua tại Gavico là 20,4 triệu đơn vị, tương đương 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Giá mua dự kiến là 29.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng là gần 602 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện được lấy từ hai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ đã trình bày bên trên, ngoài ra còn thiếu hơn 15 tỷ đồng sẽ được trích từ vốn tự có của TCO.

Tasa Duyên Hải (TCO) muốn chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu giá 11.000 đồng, lấy vốn để thâu tóm công ty buôn gạo - Ảnh 3.

Nguồn: TCO

Thương vụ thâu tóm này của TCO được ví như "cá bé nuốt cá lớn" khi mà tổng tài sản và vốn điều lệ của TCO thậm chí còn khá khiêm tốn so với Gavico. Tính đến thời điểm cuối quý 3/2021, tổng tài sản và vốn điều lệ của TCO lần lượt đạt 330 tỷ đồng và 187 tỷ đồng. Trong khi Gavico đang có vốn điều lệ lên tới 400 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, ông Trần Hoàng Anh Tuấn, nhà đầu tư dự định chi 171 tỷ đồng mua 15,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong phương án cũ, hiện đang là thành viên HĐQT TCO. Ông Tuấn vừa được bổ nhiệm tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1/2021, đặc biệt, đây lại chính là cựu Giám đốc của Gavico.

Hiện, ông Tuấn đang là Chủ tịch của 4 công ty, gồm TaZon, Oriental Cove, AllFarm, DeliFarm đều liên quan đến hệ sinh thái Tín Thương. Tín Thương hiện có 2 nhà máy tại An Giang và Long An, trong đó nhà máy An Giang có công suất 170.000 tấn/năm đang nằm trong Cụm công nghiệp Tân Trung - cùng trong khu vực trụ sở của Gavico.

Còn với TCO, mặc dù bị đánh giá là cá bé trong thương vụ M&A này, tuy nhiên cũng cần phải chú ý răng, trong khoảng thời gian của năm 2021 đã qua, TCO đã liên tục thoái toàn bộ vốn khỏi 8 công ty con, qua đó thu về hơn 120 tỷ đồng. Hiện, công ty đang dùng khoản tiền này cho hai đơn vị khác vay với lãi suất 1,2-1,5%/tháng.

Các khoản cho vay này sẽ đáo hạn vào thời điểm cuối năm 2021, và khả năng cao số tiền thu về sẽ được bổ sung cho thương vụ với Gavico.

Tasa Duyên Hải (TCO) muốn chào bán hơn 53 triệu cổ phiếu giá 11.000 đồng, lấy vốn để thâu tóm công ty buôn gạo - Ảnh 4.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên