MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tất cả nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai đối tượng sẽ bị thu hồi

27-05-2021 - 16:22 PM | Xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Chính phủ sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.

Còn vi phạm trong đấu thầu mua sắm

Chiều 27/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến năm 2020, hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng đã được ban hành tương đối đồng bộ, giúp cho việc quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện và xử lý vi phạm, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, xử lý ô tô công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế được Chính phủ chỉ ra là việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa triển khai đầy đủ các nội dung theo quy định. Còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị.

Ví dụ như vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, xảy ra vào tháng 4/2020; vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan…

Có nơi chỉ giải ngân được 4,4%

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng, Chính phủ cho biết, hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công đã được sửa đổi, phù hợp hơn với thực tiễn; kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được tăng cường hơn, khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải.

Chính phủ tập trung vốn cho những dự án cấp bách, ưu tiên, hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình quan trọng theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trực tiếp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công trong phạm vi quản lý, kịp thời phát hiện vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về cơ chế, chính sách để chủ động tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan, kiên quyết không để tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao…

Nhờ vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19, góp phần không nhỏ vào việc duy trì mức tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2020, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2020 là 382,81 nghìn tỷ đồng, bằng 86,7% kế hoạch (vốn trong nước 354,63 nghìn tỷ đồng, bằng 88,8% kế hoạch; vốn ngoài nước 28,18 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9% kế hoạch). Nhiều bộ, ngành, địa phương và một số dự án lớn, quan trọng quốc gia có kết quả giải ngân cao, đạt trên 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tồn tại, hạn chế, Chính phủ cho biết, tình trạng giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư chậm, phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, thủ tục chưa hoàn thiện, đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định.

Một số bộ, cơ quan ở trung ương và địa phương giải ngân đạt thấp so với kế hoạch. Điển hình như, Hội chữ thập đỏ 4,4%; Hội nhạc sỹ 9,1%; Đại học Quốc gia TPHCM 14,8%; Tòa án nhân dân tối cao 24,5%; Đại học quốc gia Hà Nội 24,6%; Bộ Y tế 27,6%; Bộ KH&ĐT 29,8%; Đồng Nai 44,8%; Khánh Hòa 61,3%; Quảng Bình 61,9%; Quảng Ngãi 62,5%....

Theo Chính phủ, ngoài các nguyên nhân khách quan do thiên tai, dịch bệnh thì nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc chuẩn bị dự án chưa tốt; phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án không sát thực tế; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thi công; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt…

 Tất cả nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai đối tượng sẽ bị thu hồi  - Ảnh 1.

Chính phủ sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, hết thời gian sử dụng (Ảnh minh hoạ)

Xử lý 37.468 cơ sở nhà đất

Theo Chính phủ, việc sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích; tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ…

Năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.427 cơ sở nhà, đất và 1 phần diện tích của 1 cơ sở nhà, đất do 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý; phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý 1.503 cơ sở nhà, đất, phê duyệt điều chỉnh phương án đối với 149 cơ sở nhà, đất của khối đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ở trung ương.

Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục vận hành có hiệu quả, đã tổng hợp thông tin về tài sản công của 109.578 đơn vị, chiếm 99% các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công; đã cập nhật thông tin của 6 loại tài sản với tổng nguyên giá trên 6,14 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, như nguồn gốc nhà, đất công được hình thành qua nhiều giai đoạn, việc lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, chưa được quan tâm nên bị thất lạc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp nhà, đất; một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính tại địa phương.

Chỉ tiêu được Chính phủ đặt ra trong thời gian tới là quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định.


Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên