MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tên lửa Triều Tiên chẳng thay đổi được gì khi người Mỹ quá quen với những mối đe dọa hạt nhân?

06-07-2017 - 11:44 AM | Tài chính quốc tế

Dù có nhận ra hay không thì phần lớn người Mỹ cũng đã sống cả đời với những mối đe dọa hạt nhân nên việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng chẳng làm thay đổi được gì ở bên kia thế giới.

Với vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân (ICBM), Triều Tiên muốn gửi tới người Mỹ thông điệp rõ ràng về nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên, với những người sinh ra ở Mỹ sau năm 1960, cả đời họ đã sống chung với nguy cơ bị tấn công bằng loại vũ khí này.

Khi Liên bang Xô viết triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7A Semyorka có khả năng trang bị một đầu đạn hạt nhân vào năm 1960, tất cả các thành phố của nước Mỹ đã nằm dưới tầm tấn công của nó dù Liên Xô không cần phải triển khai quân đội ra khỏi biên giới.

Vào thời điểm đó, nước Mỹ không có bất cứ phương tiện nào để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu từ Liên Xô. Tuy nhiên, Mỹ cũng có lực lượng hạt nhân chiến lược của riêng mình. Rõ ràng, tấn công hạt nhân nước Mỹ đồng nghĩa với việc phải nhận lại những đầu đạn hạt nhân từ tên lửa Mỹ.

Dù đi sau Liên Xô và Mỹ nhưng Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng sở hữu lực lượng hạt nhân chiến lược với số vũ khí đáng kể. Những cường quốc như Pháp, Anh rồi tới Ấn Độ, Pakistan hay gần đây nhất là Triều Tiên cũng góp mặt trong nhóm này.

Trong những thập niên qua, mối quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô, sau này là Nga hay với Trung Quốc không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Chính vì thế, hầu hết người Mỹ hiện nay đã sống cả đời dưới mối đe dọa hạt nhân. Vì vậy, ICBM của Triều Tiên, dù gây bất ổn và phiền toái, nhưng cũng không thể thay đổi được những gì đang diễn ra ở Mỹ.

Nếu Bình Nhưỡng muốn tấn công Mỹ bằng ICMB, Lầu Năm Góc sẽ theo sát tên lửa, đánh chặn đồng thời khai hỏa vũ khí hạt nhân của mình. Với hơn nửa thế kỷ phát triển, vũ khí hạt nhân Mỹ chắc chắn sẽ đáng tin cậy, uy lực và chính xác hơn nhiều so với vũ khí của Triều Tiên. Thậm chí, tên lửa hạt nhân Mỹ sẽ được triển khai trước khi tên lửa Triều Tiên kịp trở lại bầu khí quyển trái đất.

Với vụ thử nghiệm ICBM mới, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục bị thế giới trừng phạt. Tuy nhiên, giống với những biện pháp trừng phạt trong quá khứ, lệnh cấm vận mới khó có thể dập tắt tham vọng phát triển vũ khí của Triều Tiên, quốc gia chưa bao giờ thực sự hết chiến tranh bất chấp Hiệp định Đình chiến năm 1953 giữa hai miền Nam – Bắc.

Linh Anh

Business Insider

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên