MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ Chứng khoán HSC Trịnh Hoài Giang: Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm chứng quyền đảm bảo!

"Nhiều người nói chơi chứng quyền đảm bảo như chơi xổ số, nhưng tôi thì không nghĩ vậy vì nhà đầu tư tại chúng tôi rất có kiến thức", đại diện Chứng khoán HSC nhấn mạnh việc thông qua CW để thao túng thị trường thì không hoàn toàn phủ nhận nhưng không qua đáng lo ngại.

Ngày 3/7/2020, HoSE kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như điểm lại tròn 1 năm triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant, CW).

CW 1 năm nhìn lại

Phát biểu về quá trình 1 năm ra mắt CW, ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, UBCKNN chia sẻ: "Có thể nói đến nay 2 mục tiêu đề ra ban đầu đã cơ bản hoàn thành. Xét trên 3 yếu tố gồm: (1) Thị trường thì được chào đón bởi nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhấn mạnh, nhà đầu tư cũng đã có lợi nhuận từ sản phẩm này; (2) Về phía tổ chức phát hành là CTCK thì chúng ta thu hút được 8 đơn vị có năng lực tài chính, năng lực quản trị tham gia; (3) Cơ quan quản lý thì vận hành đến ngày hôm nay phải nói là an toàn, từ khâu phát hành, lưu ký đến giao dịch, thanh toán diễn ra suông sẻ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá rà soát lại về thị trường".

Tính đến 29/5/2020, tổng số lượng CW được chào bán là 134 mã, tổng khối lượng hơn 410 triệu đơn vị. Ghi nhận, Chứng khoán SSI đang dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với hơn 287 tỷ đồng, tương đương 29% toàn thị trường. Xếp hạng thứ 2 là Chứng khoán KIS với tổng giá trị 279 tỷ đồng, chiếm gần 28% tổng giá trị thị trường. Thuộc Top 3 còn có Chứng khoán HSC với 215 tỷ đồng, tương đương 21,5% thị phần.

TGĐ Chứng khoán HSC Trịnh Hoài Giang: Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm chứng quyền đảm bảo! - Ảnh 1.

Chi tiết trên từng mã chứng khoán cơ sở, Thế giới Di động (MWG) đứng đầu về giá trị phát hành với gần 174 tỷ đồng, tương đương 17,38% toàn thị trường. Kế tiếp là FPT với giá trị hơn 104 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 10,44%; Hòa Phát (HPG) với hơn 98 tỷ đồng giá trị phát hành, chiếm 9,8% toàn thị trường...

Về tình hình giao dịch hiện nay, khối lượng trung bình một ngày của CW đạt 4,3 triệu đơn vị (tính đến 29/5/2020), trong đó khối ngoại chiếm 18,7% và phía tạo lập thị trường chiếm hơn 40% giao dịch. Thanh khoản vào mức 6,41 tỷ đồng/ngày.

TGĐ Chứng khoán HSC Trịnh Hoài Giang: Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm chứng quyền đảm bảo! - Ảnh 2.
TGĐ Chứng khoán HSC Trịnh Hoài Giang: Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm chứng quyền đảm bảo! - Ảnh 3.

Nhìn chung, thị trường chứng quyền sau 1 năm đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời gian tới, HoSE cũng lên kế hoạch hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, tập trung đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư cũng như đa dạng hóa CW. Trong đó, HoSE hiện đang xúc tiến Thông tư 107/2016/TT-BTC, song song mở rộng danh mục chứng khoán cơ sở ngoài rổ chỉ số VN30 như hiện nay, đặc biệt phát triển sản phẩm CW bán.

Nói thêm về CW bán, ông Cường cho biết UBCKNN lựa chọn phát hành CW mua trước do lúc bấy giờ thị trường chưa có quy định cho phép bán khống. Hiện nay, mức độ phát triển thị trường chưa đủ tác động làm mất cân đối khi chỉ mới giao dịch CW mua.

TGĐ Chứng khoán HSC Trịnh Hoài Giang: Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm chứng quyền đảm bảo! - Ảnh 4.

Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC, ông Trịnh Hoài Giang: "Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm này"

Báo cáo từ các tổ chức phát hành, mặc dù thời gian vừa qua thị trường biến động rất mạnh tuy nhiên theo đánh giá của ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC - vẫn tốt. "Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm này", vị này nói.

Mặc dù vậy, ông Giang phân trần thời gian tới nên cải thiện thủ tục phát hành cho đơn giản hơn. Bởi trong trường hợp CTCK phát hành vài ba chục mã thì các khâu thủ tục hiện nay là rườm rà, hồ sơ dày và tốn kém. Đặc biệt, theo ông Giang CW không cần phải IPO nữa mà đưa niêm yết một cách trực tiếp luôn. Riêng Chứng khoán HSC còn lại hơn 10 mã chưa phát hành, theo kế hoạch Công ty tăng lên 100 mã theo đó rất mong thủ tục sẽ được cải thiện.

Về giao dịch, hầu hết CTCK đều làm tốt vai trò tạo lập thị trường. Tuy nhiên, có một vấn đề là hệ thống của HoSE còn hạn chế, nếu quá nhiều lệnh cùng vào thì xảy ra vấn đề.

Giao dịch hiện nay phần lớn giữa nhà đầu tư với nhau, riêng CW thì là nhà giao dịch với HSC vì Công ty đang trên vai trò tạo lập thị trường. "Nhiều người nói chơi CW như chơi xổ số, nhưng tôi thì không nghĩ vậy vì nhà đầu tư tại chúng tôi rất có kiến thức", ông Giang nhấn mạnh việc thông qua CW để thao túng thị trường thì không hoàn toàn phủ nhận nhưng không qua đáng lo ngại.

Ông Lê Hải Trà: "Không có giải pháp nào có thể ngăn chặn được sự cố 100%, tôi muốn khẳng định như vậy"

Trả lời về sự cố hệ thống mới đây ngày 9/6, ông Lê Hải Trà – Thành viên HĐQT HoSE - phân trần: "Đối với sự cố máy tính liên quan đến HoSE, thì đó là điều vẫn luôn xảy ra trên thế giới. Vì đã là hệ thống máy tính dù có được bảo trì tốt đến đâu đi nữa thì đâu đó vẫn sẽ có những sự cố. Chính vì yếu tố rủi ro luôn luôn tiềm ẩn với tất cả các hệ thống máy tính, do đó trong quy chế giao dịch có riêng một khoản quy định liên quan đến việc nếu xảy ra sự cố thì việc khắc phục và đóng mở cửa sẽ như thế nào".

Vì tính chất này, nên sự cố luôn được văn bản hóa trong quy chế giao dịch. Theo đó, ông Trà nhấn mạnh việc xử lý sự cố không phải chủ quan Sở quyết định mà căn cứ vào các quy định, quy chế hẳn hoi. "Không có giải pháp nào có thể ngăn chặn được sự cố 100%, tôi muốn khẳng định như vậy", ông Trà nhấn mạnh. Mục tiêu HoSE cuối năm nay sẽ chính thức chuyển sang hệ thống giao dịch mới, tuy nhiên tình hình Covid-19 đang làm trì hoãn các thủ tục.

TGĐ Chứng khoán HSC Trịnh Hoài Giang: Chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền từ sản phẩm chứng quyền đảm bảo! - Ảnh 5.

Đợt đáo hạn thứ 3 đến đây kỳ vọng nhà đầu tư tham gia sẽ có lời

Trở lại với CW, trả lời về việc số lượng nhà đầu tư mới không tăng tương xứng với quy mô, ông Giang phân trần cần phải có thêm thời gian. Nói về sản phẩm mới, mức độ hăm hở của nhà đầu tư rất cao, nhưng sau đó thì sẽ giảm dần, điều này thì không có gì quá lạ. Nếu quan sát, so với sản phẩm hợp đồng tương lai thì CW có một sự tương đồng, số lượng nhà đầu tư giảm dần. Có thể lý giải một số nhà đầu tư ban đầu sau thời gian tham gia thị trường bị thua lỗ thì rút, nhà đầu tư mới thì chưa nhiều.

Nói thêm về sản phẩm ETF, 4 năm đầu tiên thì HSC ghi nhận không có nhà đầu tư cá nhân tham gia, chưa kể nếu nói về tăng trưởng thì ETF phải đến 3 năm gần nhất mới có. Theo đó, sản phẩm CW bây giờ còn quá sớm để nói.

Liên quan đến câu hỏi CTCK nói thì có lời, tuy nhiên phía nhà đầu tư có lời không?, theo quan sát HSC thì tính đến nay thị trường trải qua 2 đợt đáo hạn, trong đó đợt 1 nhà đầu tư có lời, tuy nhiên sang đợt 2 thị trường giảm mạnh nên không có lời. Theo dự đoán, ông Giang kỳ vọng đợt 3 sắp tới nhà đầu tư sẽ có lời trở lại, tuy nhiên lượng nhà đầu tư tham gia đang ít hơn. "Nếu thị trường không biến động quá mạnh như nửa đầu năm nay thì mức lời dự kiến sẽ vẫn rất tốt", ông Giang nói thêm.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên