MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ Vinafor Saigon: Nhờ chiến tranh thương mại, doanh nghiệp gỗ Việt Nam có nhiều đơn hàng hơn!

"Hoạt động của ngành gỗ năm nay tốt", ông Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc công ty Vinafor Saigon nói và tỏ ra rất lạc quan đối với tương lai của ngành.

CTCP Vinafor Saigon vừa qua đã ký thoả thuận với Công ty Sequal Holdings Ltd, của New Zealand để nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam. Cụ thể, Sequal Holdings Ltd, sẽ cung cấp gỗ thông Radiata cho nhà máy của VinaFor theo từng yêu cầu, giúp giảm thiểu hao hụt và chi phí lưu kho.

"Thoả thuận này là cột mốc quan trọng khi chúng tôi đã cung cấp 100% gỗ thông đạt chứng nhận bảo vệ rừng FSC và góp phần phát giúp đối tác Việt Nam phát triển doanh nghiệp của họ một cách bền vững hơn", ông Rhys Arrownsmith, Giám đốc Kinh doanh &Tiếp thị khu vực Châu Á, Sequal Holdings Ltd nói.

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc công ty Vinafor Saigon cho biết doanh nghiệp đã nhập gỗ thông Radiata của New Zealand kể từ năm 2001.

"Sau 19 năm, tôi đánh giá dòng gỗ này chính là nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững cho các nhà sản xuất nội thất Việt Nam. Từ thỏa thuận hợp tác, chúng tôi cũng mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp gỗ để nâng cao nhận thức về nguồn gỗ hợp pháp để nắm bắt cơ hội từ hiệp định CPTPP", ông chia sẻ.

Nói thêm với báo chí, ông cho biết ngành chế biến gỗ của Việt Nam đa phần phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Tỷ lệ nhập trước đây là 80%, nay đã giảm xuống còn 70%. Việc nhập khẩu gỗ Radiata của Vinafor Saigon không chỉ phục vụ sản xuất cho riêng doanh nghiệp mà còn dùng để cung ứng cho các nhà máy khác ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận định về thoả thuận này, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết: "Lâm nghiệp là một ngành quan trọng đối với New Zealand, đóng góp lớn cho quan hệ thương mại giữa chúng tôi và Việt Nam. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ thông từ New Zealand sang Việt Nam đạt 80 triệu đô la New Zealand, góp phần giúp cho lâm nghiệp trở ngành xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của chúng tôi".

Việt Nam dự kiến sẽ trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn thứ hai trên toàn cầu trong 7-8 năm tới, tiếp nối với mức tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực này. "Hoạt động của ngành gỗ đang trong đà tốt", ông Ngời nói. Sự lạc quan này được ông giải thích bằng 3 lý do: tay nghề sản xuất của lao động tốt; hoạt động kinh doanh lâu đời, có thị trường; đặc biệt là chiến tranh thương mại đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt có nhiều đơn hàng hơn.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên