MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức gì khi nhiệt điện than bị "ghẻ lạnh", tỷ trọng điện mặt trời, điện gió cao?

Việc nhiệt điện than thất thế, năng lượng tái tạo lên ngôi trong Quy hoạch điện VIII trên thực tế cũng sẽ đặt ra cho hệ thống điện không ít thách thức.

Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Sự cần thiết của các nhà máy điện động cơ đốt trong linh hoạt và các ứng dụng trong hệ thống điện tương lai của Việt Nam do Viện Năng lượng thực hiện, ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (IE) cho biết, hiện nay đang tồn tại 3 thách thức trong quy hoạch phát triển Điện lực.

Thách thức thứ nhất là nhu cầu điện tăng trưởng cao. Là một nước đang phát triển, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam luôn ở mức rất cao, thực tế đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng phụ tải điện giai đoạn 5 năm gần đây (2014-2019) đạt 10,4%/năm, hộ số đàn hồi của nhu cầu điện theo GDP cũng ở mức cao từ 1,6-1,8 (trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới là khoảng 1) cho thấy việc sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, nhất là ở một số ngành sản xuất công nghiệp.

Theo dự báo phụ tải kịch bản cơ sở của Quy hoạch điện VIII (dự thảo), tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trong các giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 lần lượt đạt 8,7%/năm và 7,4%/năm. Đây là mức tăng trưởng rất cao so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới trong nhiều năm (1974-2017) là 3,3%.

Thách thức gì khi nhiệt điện than bị ghẻ lạnh, tỷ trọng điện mặt trời, điện gió cao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (IE)

Thách thức thứ hai được đại diện nhóm nghiên cứu chỉ ra là nguy cơ thiếu điện do chậm tiến độ nguồn. Đánh giá tình hình thực hiện chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn đến 2020 cho thấy, các nguồn điện truyền thống (than, khí, thủy điện - chủ yếu là nhiệt điện than) vẫn tiếp tục có xu hướng chậm tiến độ như các giai đoạn trước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020 khối lượng xây dựng nguồn điện truyền thống chỉ đạt khoảng 60% so với khối lượng quy hoạch. Các nguồn điện chậm tiến độ chủ yếu trong các năm 2019-2020, xảy ra ở cả miền Bắc và miền Nam, với tổng công suất nguồn điện truyền thống chậm tiến độ lên tới hơn 7.000 MW so với quy mô công suất trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo thống kê, các nguồn điện chậm tiến độ phần lớn là điện than, chủ yếu do thiếu vốn, khó khăn trong việc thu xếp vốn, chậm trễ trong việc giao thiết bị, khó khăn trong đền bù và tái định cư...

Ví dụ như dự án An Khánh – Bắc Giang có quy mô vốn trên 1 tỷ USD. Ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhiệt điện An Khánh cho biết, hiện tại hầu như chỉ có các tổ chức, ngân hàng Trung Quốc là chịu cho vay vốn phát triển nhiệt điện. Dự án đã dừng khoảng 1 năm nay, đơn giản là hợp đồng mua bán điện chưa được ký kết. Và khi chưa được ký kết thì ngân hàng không thể cho vay để nhà đầu tư tiếp tục dự án.

Trong bối cảnh nhu cầu điện toàn quốc được dự báo vẫn tăng trưởng ở mức cao, việc chậm trễ tiến độ nguồn sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong những năm tới, đặc biệt là tại khu vực miền Nam giai đoạn 2021-2023.

Thách thức thứ ba đến từ chính xu hướng phát triển và tích hợp nguồn năng lượng tái tạo hiện nay. Cùng với xu hướng trên thế giới, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhờ cơ chế ưu đãi giá FIT của Chính phủ. Tuy nhiên, đi cùng với việc gia tăng tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn biến đổi (điện gió, điện mặt trời), hệ thống điện sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới do bản chất biến thiên và bất định của gió và bức xạ mặt trời.

Các thách thức chính gặp phải của việc nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sẽ là: Biến thiên liên tục và không điều độ được; bất định và khó dự báo; phụ thuộc vào địa điểm; làm giảm hằng số quán tính của hệ thống; hệ số công suất thấp (điện mặt trời khoảng 20%, điện gió khoảng 30%)...

Do đó, ông Thắng khuyến nghị, trong tương lai cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao độ linh hoạt của hệ thống điện Việt Nam, vừa phải đảm bảo mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho sự tăng trưởng phụ tải, vừa cân đối bù đắp điện năng thiếu hụt do một số nguồn chậm tiến độ và đảm bảo ổn định cho hệ thống điện có tỷ trọng lớn các nguồn năng lượng tái tạo.

Thách thức gì khi nhiệt điện than bị ghẻ lạnh, tỷ trọng điện mặt trời, điện gió cao? - Ảnh 2.

Bà Lê Thu Hà, Chuyên gia Phòng phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng

"Độ linh hoạt là tính năng quan trọng đối với hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao. Qua kết quả tính toán, quy hoạch nguồn điện cho hệ thống điện Việt Nam và các phân tích, đánh giá, đề xuất sớm xây dựng nguồn điện động cơ đốt trong linh hoạt ICE tại khu vực Nam Bộ vào năm 2022-2023 với quy mô khoảng 650 MW để dự phòng cho trường hợp phụ tải phát điện cao, chậm tiến độ một số dự án nguồn điện than và khí hoặc thời tiết khô hạn, có thể gây nguy cơ thiếu điện ở khu vực miền Nam trong giai đoạn đến năm 2025" - bà Lê Thu Hà, Chuyên gia Phòng phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng cho biết.

Thách thức gì khi nhiệt điện than bị ghẻ lạnh, tỷ trọng điện mặt trời, điện gió cao? - Ảnh 3.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Wartsila

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Wartsila nói tại buổi hội thảo: "Giải pháp điện khí nhanh và linh hoạt có thể đóng góp vai trò quan trọng trong các giải pháp nhằm gia tăng tính linh hoạt của hệ thống điện. Về lâu dài, giải pháp nhà máy điện động cơ đốt trong linh hoạt có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng một cách hiệu quả, cung cấp nguồn dự trữ, cân bằng năng lượng tái tạo để hướng tới tương lai có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao".

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên