MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức lớn cho ngành thủy sản

23-03-2022 - 11:08 AM | Thị trường

Ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,7 tỉ USD.

Sáng 22-3, tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của nhiều địa phương, doanh nghiệp cùng 13/28 tỉnh - thành phố có biển dự trực tuyến.

Giảm dần sản lượng khai thác thủy sản

Ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) - cho biết cả nước hiện có 91.716 tàu cá, trong đó tàu cá từ 15 đến dưới 24 m chiếm 30,27%, tàu trên 24 m chiếm 2,87%. Đến hết tháng 2-2022, 24/28 tỉnh - thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng với 84.655 giấy phép.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 3,886 triệu tấn (khai thác biển đạt 3,691 triệu tấn, khai thác nội địa đạt 196.000 tấn). Hai tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác đạt 566.700 tấn; xuất khẩu thủy sản đạt 8,899 tỉ USD, trong đó hải sản đạt 3,398 tỉ USD.

Các chỉ tiêu về sản xuất trong năm 2021 đều đạt kế hoạch, nhất là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khai thác tăng 0,9%. Năm 2022 được xem là năm bản lề cho việc triển khai phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, khi một loạt các quy hoạch, chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản được Chính phủ phê duyệt. Ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,7 tỉ USD. Duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản theo hướng điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác.

Thách thức lớn cho ngành thủy sản - Ảnh 1.

Người dân thu mua hải sản ở cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa)

Sớm gỡ "thẻ vàng" của EC

Tại hội nghị, các vấn đề về tình hình xuất khẩu hải sản, đánh giá nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác hải sản, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, phát triển chuỗi cung ứng khai thác thủy sản… tiếp tục được các đại biểu thảo luận, đưa ra giải pháp.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngành thủy sản tỉnh này còn những hạn chế như: mô hình liên kết chỉ thực hiện ở một số khâu, chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi từ cung ứng khai thác đến chế biến, xuất khẩu; sản phẩm chế biến xuất khẩu chưa đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao; cơ sở hạ tầng cảng cá thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các điều kiện của Ủy ban châu Âu (EC) về chống việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Còn theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương trong những năm qua có tốc độ phát triển rất nhanh, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu rất lớn của địa phương. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản hiện nay vẫn còn thô sơ, chủ yếu dùng đá xay trong hầm lạnh nên không đủ khả năng duy trì nhiệt độ bảo quản lạnh xuyên suốt, nên khi sản phẩm về bờ không đạt chất lượng cao, lực lượng lao động thiếu hụt…

"Hiện ngành thủy sản Việt Nam và nghề cá ngừ nói chung đang bị ảnh hưởng bởi nhiều quy định của quốc tế như "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác IUU. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành thủy sản, đòi hỏi sự thay đổi cả hệ thống quản lý từ trung ương tới địa phương. Vì vậy, chúng ta cần tích cực kiểm soát, quản lý tàu cá đánh bắt vùng biển xa thật chặt chẽ" - ông Võ Khắc Én nêu vấn đề.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cảnh báo thẻ vàng chưa được tháo gỡ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó là những khó khăn về giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản…

"Thủy sản là lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển. Thời gian tới, các đơn vị của Bộ NN-PTNT, các địa phương ven biển cần triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, các khuyến nghị của EC; tiếp tục điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trên biển" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản tính toán lại cơ cấu đội tàu khai thác, cơ cấu nghề khai thác để nâng cao sản lượng khai thác hải sản. Đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào khai thác, chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hải sản trên thị trường.

Theo Thanh Tuấn

Người lao động

Trở lên trên