MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức nguồn lao động ngành dệt may

Hiện nay, nguồn nhân lực ngành dệt may không chỉ cạnh tranh trong nội bộ ngành giữa các doanh nghiệp, mà còn với những ngành nghề, lĩnh vực khác.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm 2022 ngành dệt may phải đối diện với rất nhiều thách thức.

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp dệt may nhận rất nhiều đơn hàng, nhưng bước sang quý 2/2022 tình hình đã bắt đầu có những khó khăn. Dự báo, quý 3 có thể sẽ khó khăn hơn khi lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU khiến thị trường bị thu hẹp; đồng euro liên tục "nhảy múa"; nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, thiếu công nhân lao động đang là vấn đề nan giải của doanh nghiệp ngành dệt may. Phần lớn lao động trong ngành dệt may là dạng phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải, thiết kế sản phẩm vẫn còn đang thiếu và yếu.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Trong khi đó, dệt may lại là ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam (riêng ngành dệt may cần khoảng hai triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo).

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM (FALMI), sau dịch COVID-19, tại TP.HCM nhu cầu sử dụng lao động của ngành dệt may tăng rất cao, song khả năng đáp ứng còn hạn chế.

Năm 2021, TP.HCM có hơn 376.000 lao động ở lĩnh vực dệt may - da giày, chiếm 13% trên tổng số 2,8 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại thành phố lớn nhất cả nước. Bình quân, ngành này cần thêm 20.000 - 22.000 lao động nhưng chỉ khoảng 1.000 người có nhu cầu tìm việc.

Dự báo giai đoạn 2022 - 2026, ngành dệt may - da giày tại TP.HCM sẽ có 390.000 - 437.000 lao động làm việc. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với ngành này trong thời gian tới khi trung bình mỗi năm các nhà máy mất khoảng 10% lao động.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Donny cho biết, đặc thù trong ngành may mặc là tình trạng biến động lao động, sau COVID-19 tình trạng này càng rõ nét hơn. Từ đầu năm nay công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi có tay nghề cao với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Theo ông Phạm Quang Anh, trong bối cảnh hiện nay để tuyển dụng được công nhân may có tay nghề cao không hề dễ bởi lao động ngành này đang bị cạnh tranh gay gắt. Không chỉ cạnh tranh giữa các nhà máy với nhau mà còn giữa các địa phương, các nhóm ngành.

Tại tọa đàm Giải pháp chuyển đổi cho thách thức nguồn nhân lực ngành dệt may diễn ra mới đây, bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tình hình xuất khẩu năm nay "rất quái dị" ảnh hưởng nhiều nhà máy.

Cụ thể, đầu năm các doanh nghiệp nhận rất nhiều đơn hàng nhưng thiếu lao động, không có người sản xuất, nhiều nhà máy phải tìm chỗ gia công bớt.

Bước sang quý 2, chiến sự Ukraine, giá dầu tăng, dịch bệnh tác động đến thói quen tiêu dùng người dân nhiều nước. Sức mua áo quần, thời trang giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng không ký kết hợp đồng mới.

Bà Trần Thị Tuyết Mai cho hay một số nhà máy không có đơn hàng buộc phải tính toán phương án lao động như cho nghỉ thứ 7, công nhân nghỉ phép. Hiện, Vitas đang tiến hành tìm hiểu, thống kê để có hướng hỗ trợ về sản xuất, đầu ra cho ngành, trong đó tập trung vào doanh nghiệp lượng đơn hàng giảm nhiều, tác động lớn đến công nhân.

Theo bà Mai, để ngành dệt may vượt qua thách thức thì chuyển đổi số là một trong những vấn đề mà ngành dệt may cần tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với giải quyết năng suất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản trị/vận hành... Trong đó, kỹ thuật số và tự động hóa là nền tảng chuyển đổi số, giải quyết vấn đề công nghệ và lao động cho ngành dệt may. Đây cũng là giải pháp doanh nghiệp ngành dệt may đã chuẩn bị và theo đuổi trong thời gian dài với chiến lược bền vững.

Tuy nhiên, một trong những thách thức với doanh nghiệp trong ngành là khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ số.

"Trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhãn hàng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, nhưng vấn đề này sẽ liên quan trực tiếp đến nguồn lực con người. Do vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có tầm nhìn, tập trung đào tạo nguồn nhân lực và có khả năng thích ứng với chuyển đổi số", bà Mai nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết vấn đề cạnh tranh về nguồn nhân lực dệt may ngày càng khiến doanh nghiệp "đau đầu". Phần lớn lao động trong ngành dệt may là dạng phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải hay thiết kế sản phẩm đang thiếu và yếu.

Do đó, ông Phạm Xuân Trình cho rằng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, cần gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực. Doanh nghiệp và các trường đào tạo cần hình thành liên kết bền vững hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Theo Nguyễn Nga

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên