MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của những người sống trong "nhà quan tài" ở nơi giá nhà đắt đỏ nhất thế giới thời đại dịch

06-10-2020 - 17:41 PM | Tài chính quốc tế

Mức giá thuê cao cộng với tình trạng thất nghiệp tăng khiến những người lao động chân tay nói riêng và nhóm người nghèo nói chung càng khó tìm và thuê được nơi ăn chốn ở.

Ở Hồng Kông – thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới, giá thuê nhà vẫn đang ở mức cao chót vót bất chấp đại dịch hoành hành và kinh tế Hồng Kông suy thoái nặng. Điều này có nguy cơ làm tăng sự bất mãn trong xã hội sau nhiều tháng thành phố này chìm trong bất ổn chính trị.

Nền kinh tế Hồng Kông được dự báo sẽ suy giảm 8% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp thì đang là gần 6%, cao nhất trong 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi có giá thuê nhà đắt đỏ nhất thế giới dù đã giảm khoảng 9,2% trong tháng 8.

Mức giá thuê cao cộng với tình trạng thất nghiệp tăng khiến những người lao động chân tay nói riêng và nhóm người nghèo nói chung càng khó tìm và thuê được nơi ăn chốn ở. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo về nhà ở vẫn luôn là vấn đề nóng ở Hồng Kông, nơi hàng chục triệu người phải sống trong những căn hộ chật hẹp chỉ rộng vài m2 hay còn gọi là "nhà lồng". Những khó khăn do dịch bệnh đem đến càng gây áp lực lớn hơn lên chính quyền của trưởng đặc khu Carrie Lam – người đang cố gắng lấy lại niềm tin của hàng triệu người dân sau khi Hồng Kông bị áp đặt luật an ninh mới.

Trong khu Tsim Sha Tsui, nơi tập trung những căn hộ cao cấp sáng choang, Herman Wong là 1 ví dụ cho thấy đại dịch khiến cuộc sống của người dân Hồng Kông bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào. Người đàn ông 51 tuổi đã mất việc làm tại 1 công ty giao rau củ từ năm ngoái, khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và cho đến nay vẫn đang chật vật tìm kiếm công việc mới. Ông vẫn thuê căn hộ 1 phòng ngủ với giá 620 USD mỗi tháng ở Thâm Quyến, ngày ngày di chuyển 1 quãng đường xa để đi làm. Tuy nhiên tháng 4 vừa qua ông đã bị đuổi đi vì không trả nổi tiền thuê nữa và cuối cùng đang trở thành người vô gia cư ở Hồng Kông.

1 tổ chức phi lợi nhuận đã giúp ông nộp đơn xin trợ cấp và hiện ông đang chia sẻ 1 phòng trọ rộng 60 foot vuông với giá 645 USD mỗi tháng. Căn phòng kê 2 chiếc giường có diện tích chỉ bằng một nửa 1 chỗ đỗ xe và không thể mở cửa sổ do chuột và mùi hôi từ cống rãnh bên cạnh. Tuy nhiên Wong e sợ rằng thời gian tới kể cả 1 chỗ trọ như vậy cũng nằm ngoài tầm với.

"Chúng tôi chỉ có thể thuê được phòng trọ này bởi vì khách du lịch giảm mạnh do đại dịch. Tôi sợ rằng mình sẽ phải tìm 1 chỗ khác khi giá tăng lên", Wong nói, bổ sung thêm rằng những gì chính quyền làm là chưa đủ để hỗ trợ những người có hoàn cảnh như ông.

Báo cáo giữa năm của công ty tư vấn bất động sản CBRE cho thấy Hồng Kông vẫn là nơi đắt đỏ nhất thế giới để mua bất động sản. Mức giá thuê trung bình tháng vẫn cao thứ 3 thế giới, chỉ sau New York và Abu Dhabi. Giá ở đây thấp hơn khoảng 7% so với giá ở New York năm ngoái, nhưng thu nhập trung bình của người Hồng Kông chỉ bằng 35% so với người dân New York. Còn giá nhà ở Abu Dhabi cao là bởi nơi đây có rất nhiều chuyên gia nước ngoài trả giá cao cho những căn nhà lớn, và người dân địa phương thì được hưởng lợi từ chính sách trợ giá của chính phủ.

Ở Hồng Kông, số người "phải ngủ ngoài đường" mà các tổ chức phi chính phủ tiếp cận được đã tăng từ 1.297 trong năm ngoái lên 1.423 người tính đến tháng 3/2020. Đây chỉ là con số phản ánh lượng người đã được giúp đỡ chứ không phản ánh được tất cả lượng người không có nhà ở Hồng Kông.

Mặc dù con số người vô gia cư còn nhỏ bé so với New York hay San Francisco, ở Hồng Kông có hàng trăm nghìn người sống trong những chỗ ở rộng chưa đến 100 foot vuông, trong những ngôi nhà quan tài, nhà lồng hay các căn hộ được chia nhỏ hết cỡ. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch.

Những người lao động có thu nhập thấp, từ người dọn vệ sinh cho đến nhân viên bồi bàn đã mất việc làm vì Covid-19. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng những người vô gia cư nhận được rất ít hỗ trợ. Các quy định về giãn cách xã hội khiến nhiều người bị đẩy ra ngoài đường, ví dụ như những người vẫn thường tạm tá túc trong các cửa hàng McDonald’s.

Suốt 3 năm qua, Leung Hip-kuen, người đang thất nghiệp, đã ngủ tại cửa hàng McDonald’s (mở cửa xuyên đêm) ở Sham Shui Po, một trong những khu vực nghèo nhất của Hồng Kông. Tuy nhiên lệnh buộc các cửa hàng bán đồ ăn đêm phải đóng cửa đã được áp dụng từ giữa tháng 7, khiến Leung phải ngủ trên ghế băng của 1 bệnh viện gần đó.

Năm nay 38 tuổi, Leung mắc bệnh kinh niên và phải sống dựa vào khoản trợ cấp 6.000 HKD của chính phủ dành cho người tàn tật và chờ đợi để được phân nhà ở. Hiện nay anh thuê 1 căn nhà trọ chỉ rộng 40 foot vuông với giá 1.900 HKD mỗi tháng. Anh chỉ sử dụng căn phòng này để đựng đồ.

"Không khí ở đó rất tệ, tôi không thể thở được, không có quạt, cửa sổ cũng không có. Đui đèn có thể nóng bỏng chỉ sau 5 phút sử dụng. Vì thế tôi thà ngủ ngoài đường còn hơn", Leung nói.

Những người mới thất nghiệp vì đại dịch lo sợ cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Bà Fung, 1 người bồi bàn 50 tuổi, đã mất việc vài tháng nay sau khi nhà hàng Trung Hoa mà bà đang làm việc phải đóng cửa vì Covid-19. Bà đang thuê 1 căn hộ với giá 4.000 HKD mỗi tháng nhưng sẽ sớm phải rời đi vì tiền tiết kiệm của bà dần cạn kiệt. "Việc làm quá khó kiếm mà tiền thuê nhà thì quá đắt đỏ. Cuộc sống thật tồi tệ nếu bạn không có 1 căn nhà", bà nói.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên