MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh đám đông tuyệt vọng điên cuồng tìm chỗ trú dưới cơn mưa đạn trong vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ

03-10-2017 - 10:04 AM | Tài chính quốc tế

Kẻ xả súng vãi đạn từ tầng 32 của Khách sạn – sòng bài Mandalay Bay, Las Vegas khiến 22.000 người tham dự Lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 nháo nhào tìm chỗ trú ẩn trong tuyệt vọng.

Jason Aldean là ca sĩ đang biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 lúc vụ xả súng xảy ra. Tám giây sau khi Aldean cất những lời đầu tiên trong ca khúc mang tên “When She Says Baby” cũng là lúc tiếng súng bắt đầu vang lên. Gần như toàn bộ 22.000 người có mặt trong buổi trình diễn đều không nhận ra đó là một vụ xả súng.

Tiếng súng liên thanh xuất hiện lúc 22h08 ngày 1/10 theo giờ địa phương. Aldean và đám đông cuồng nhiệt đang chìm trong tiếng nhạc dường như chẳng mấy quan tâm tới nó. Phải tới câu hát thứ 3 Aldean mới nhận ra sự thật kinh hoàng diễn ra ngay trước mắt. Anh vội chạy khỏi sân khấu cùng những thành viên trong ban nhạc và may mắn thoát thân an toàn.

Tuy nhiên, những khán giả không có may mắn như vậy khi phải hứng chịu cơn mưa đạn từ kẻ tấn công đứng trên tầng 32 của Khách sạn-sòng bài Mandalay Bay. Vị trí bắn từ trên cao xuống khiến đám đông ở dưới chẳng thể tìm được nơi trú ẩn. Việc nằm rạp xuống đất, hành động quen thuộc nhất khi nghe thấy tiếng súng, cũng không giúp họ tránh được hiểm nguy.

Tìm chỗ náu thân trong tuyệt vọng

Mike McGarry, một cố vấn tài chính từ Philadelphia, cũng có mặt tại lễ hội âm nhạc lúc vụ xả súng xảy ra cùng với cả gia đình. Khi nghe thấy tiếng súng nổ, ông McGarry đẩy các con nằm xuống đất trước khi lấy thân mình để che chắn.

“Tình hình lúc đó thật điên rồ. Tôi nằm lên trên những đứa con của mình. Tôi 53 tuổi rồi trong khi chúng mới chỉ ngoài đôi mươi. Tôi cũng đã sống một cuộc đời tốt đẹp”, McGarry nói với báo giới về những gì đã xảy ra. Chiếc áo sơ mi trắng ông đang mặc trên người phủ đầy những dấu chân, cho thấy ông bị đám đông dẫm đạp khi cố gắng chạy thoát thân.


Đám đông hỗn loạn tìm nơi náu thân khi vụ xả súng xảy ra.

Đám đông hỗn loạn tìm nơi náu thân khi vụ xả súng xảy ra.

Hannah Dorfman, một người hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc, có mặt gần sân khấu lúc vụ xả súng xảy ra. Bằng điện thoại, Dorfman đã ghi được 9 giây đầu tiên của vụ xả súng. Sau đó là 37 giây im lặng, điều khiến người ta nghĩ cơn ác mộng đã qua đi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu.

Kẻ xả súng được xác định là Stephen Paddock, 64 tuổi, đã liên tiếp nhả đạn xuống đám đông. Mỗi lần siết cò kéo dài 10 giây, kéo theo một lượng lớn đạn được bắn ra từ những khẩu súng trường bán tự động. Cơn ác mộc đó kéo dài liên tiếp trong 10 phút, gây ra vụ xả súng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ với 58 người thiệt mạng và 515 người bị thương.

Theo cảnh sát, nghi can Paddock bắn hết băng đạn này tới băng đạn khác. Thậm chí, có lúc y còn đổi súng để tiếp tục bắn vào đám đông. Trong phòng khách sạn Paddock thuê, người ta tìm thấy 20 khẩu súng trái phép. Căn phòng nằm cách buổi biểu diễn khoảng 350 m, tầm bắn lý tưởng của những khẩu súng trường bán tự động.

Nevada là bang có luật kiểm soát súng đạn lỏng lẻo nhất nước Mỹ. Người ta có thể dễ dàng mua một khẩu súng trường bán tự động với khả năng bắn 60 viên đạn/phút. Thậm chí, một người có thể sở hữu những khẩu súng này mà không cần giấy phép.

Trở lại với đám đông hỗn loạn, một số người tìm thấy nơi trú ẩn phía dưới sân khấu hoặc những chiếc xe đang đỗ nhưng chúng không đủ cho 22.000 người. Steve Smith, 45 tuổi, đến từ Phoenix, Arizona, mô tả tiếng súng “nghe như tiếng pháo hoa”. Tuy nhiên, khi nhìn những người gục gã, đám đông mới nhận ra sự nguy hiểm họ đang phải đương đầu.

“Có lẽ 100 viên đạn đã được bắn ra cùng lúc. Dường như kẻ tấn công liên tục nạp đạn và bắn. Rất nhiều người trúng đạn và cố gắng thoát khỏi hiện trường. Rất nhiều người đã bị bắn”, ông Smith mô tả lại cảnh tượng kinh hoàng.


Vị trí kẻ xả súng tới khu vực diễn ra Lễ hội âm nhạc.

Vị trí kẻ xả súng tới khu vực diễn ra Lễ hội âm nhạc.

Steve Smith không phải người duy nhất nghĩ vụ xả súng là tiếng pháo hoa. Kat Phifer, một người làm việc tại lễ hội cũng nghĩ tiếng nổ là tiếng pháo hoa. Tuy nhiên, khi nhìn ra hướng vịnh Mandalay, người ta không thấy điều gì khác biệt trên bầu trời. Phải mất một lúc, người ta mới nhận ra đây là vụ xả súng và nằm rạp xuống đất.

Phifer cùng các đồng nghiệp núp dưới quầy bar nơi họ làm việc nên không thể quan sát những gì đang xảy ra. Tuy nhiên, họ nghe thấy tiếng la hét cùng tiếng súng liên hồi. Mỗi đợt bắn cách nhau chừng 5 giây. “Tôi lo sợ cho tính mạng mình. Chúng tôi chẳng thể làm gì khi nhận thấy những viên đạn ngày càng tới gần chỗ mình. Đó thực sự là một vụ thảm sát”, Phifer chia sẻ.

Những người hùng

Tuy nhiên, trong khung cảnh hỗn loạn của vụ xả súng, những người hùng đã xuất hiện. Theo lời kể của nhân chứng Russell Black, các cựu binh Mỹ, những người từng tham gia quân ngũ, ngay lập tức tiến hành sơ cứu những người bị đạn bắn bất chấp nguy hiểm. Họ cũng xác định hướng kẻ tấn công bằng cách sử dụng ngón tay để kiểm tra vết đạn bắn xuống.

“Trong khi mọi người nằm rạp xuống, tôi thấy những cảnh sát đứng giữa cơn mưa đạn để bảo mọi người phải chạy hướng nào. Không từ ngữ nào có thể mô tả được sự dũng cảm đó”, Black nói thêm.

Tuy nhiên, phép màu không đến với tất cả những người anh hùng. Ít nhất 2 trong số 58 người thiệt mạng là cảnh sát.

Linh Anh

Telegraph

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên