Theo TS. Trần Thị Mai Thành, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì ở Việt Nam con số này chỉ khoảng 60%. Bên cạnh đó, có 30% các doanh nghiệp FDI hoàn toàn xuất khẩu, không cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước vì thế không có bất kỳ cơ sở nào để hình thành liên kết xuôi trong nước.
Nêu vấn đề, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù môi trường đầu tư đã được cải thiện nhiều song vẫn còn những điểm nghẽn cần tiếp tục cải tiến. Hạ tầng vẫn chưa tương xứng, gây ra sự quan ngại cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam. Thêm nữa, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế. "Khi một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ rất cần những doanh nghiệp vệ tinh nội địa đủ năng lực để cung cấp sản phẩm, giúp giảm thiểu nhiều chi phí trong quá trình sản xuất. Đây vẫn là một điểm yếu của chúng ta", ông Phạm Tuấn Anh phân tích.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của các "ông lớn" vẫn chưa nhiều. Điểm nghẽn lớn nhất theo các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam là họ chưa hài lòng về chất lượng cũng như năng lực của các nhà cung cấp nội địa.
Mặc dù thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia và bước đầu đạt được kết quả khả quan, song ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, vẫn đang nằm ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ.
Số liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí, trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là không đáp ứng được giá theo yêu cầu do chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ, còn với đơn hàng lớn khó có khả năng đáp ứng đúng hạn và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng,…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn yếu về kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế, thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp,...
Theo các chuyên gia, một doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư sang Việt Nam thường được hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam đều đưa theo các công ty vệ tinh, những doanh nghiệp đã từng làm trước đây để cùng xây dựng hệ thống cung ứng ngay tại Việt Nam.
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng?
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo.
Nhận định rõ những điểm yếu nội tại và bất cập về chính sách trước đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ... Về vốn, Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.
Một điểm nghẽn nữa nữa được các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ ra, hiện thị trường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chưa thu hút các doanh nghiệp đối tác. Chính vì thế, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) nhận định, hiện không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các doanh nghiệp đối tác và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp chưa gặp được nhau nên cần sự kết nối với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, trong đó vai trò quan trọng nằm ở các hiệp hội ngành nghề. Theo ông Vân, việc tham gia các hiệp hội sẽ giúp các doanh nghiệp hội viên kết nối với nhau cũng như tạo được nhiều chương trình quảng bá, kết nối doanh nghiệp hội viên với những đối tác trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phản ánh, để nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường… trong đó, các kế hoạch về quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ phải gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chính sách hợp lý… Các cơ quan quản lý cũng cần có hỗ trợ về năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp iệt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần thiết lập liên kết vùng. Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín.
Song song với đó, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến. Về phía Chính phủ, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững… Còn doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.