MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham gia chuỗi cung ứng thông qua FDI: Hút FDI vào lĩnh vực thế mạnh

Tham gia chuỗi cung ứng thông qua FDI: Hút FDI vào lĩnh vực thế mạnh

Trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang tập trung phát triển để khẳng định vị thế của nhóm nhà sản xuất hàng hoá trong 5 nhóm đối tác của chuỗi cung ứng.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia đang dịch chuyển nhưng để các doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu là thách thức lớn.

Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tư duy mới trong thu hút và lan toả đầu tư FDI, khuyến khích các tập đoàn nước ngoài “rót vốn” vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam.

Tham gia chuỗi cung ứng thông qua FDI: Hút FDI vào lĩnh vực thế mạnh | Doanh nghiệp - Ảnh 1.

- Việt Nam có nhiều lợi thế đón nhận “sóng” FDI chất lượng cao, song để lan toả nguồn vốn này vào các ngành nghề, thành phần kinh tế trong nước không dễ dàng, thưa ông?

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp FDI đều cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình, những lĩnh vực thâm dụng lao động sản xuất gia công, lắp ráp, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam dựa trên ưu đãi thuế, giá nhân công thấp đang dần mất đi tính hấp dẫn.

Theo kết quả nghiên cứu của VEPR, trong giai đoạn 2010 - 2019, Việt Nam có lợi thế so sánh (RCA) trong 9/20 nhóm ngành nhưng đến năm 2020 chỉ còn 6 nhóm ngành. Trong đó, ngành duy nhất gia tăng RCA là điện tử; các ngành tụt hạng RCA thuộc lĩnh vực sản xuất truyền thống tập trung khá lớn của khu vực FDI như dệt may, da giày, máy móc, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Ngay trong lĩnh vực gia tăng RCA là điện tử cũng phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI lớn. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam kém bền vững.

- Các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam đều có hệ sinh thái riêng, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong liên kết để trở thành một “mắt xích” chuỗi cung ứng của họ, thưa ông?

Số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam còn hạn chế, nguyên do một phần từ chính năng lực nội tại khi đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh, tính liên kết hạn chế. Theo nghiên cứu của VEPR, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của khu vực DNNN và tư nhân của Việt Nam còn thấp. Tốc độ tăng TFP không cao do tác động của các nhân tố như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân… Do đó, doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào “sân chơi” chung của doanh nghiệp FDI có trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại hơn.

Trong môi trường kinh doanh hội nhập hiện nay, việc yêu cầu các doanh nghiệp FDI liên kết không khả thi. Khi mở cửa thị trường theo các FTA, trong đó có thị trường đầu tư không thể đưa ra những rào cản hay yêu cầu bắt buộc. Để tạo sự lan toả thực chất của nguồn vốn, cần thiết cải cách và đổi mới chính sách để tạo sự hấp dẫn cho FDI.

Thay vì dùng “cây gậy” (mệnh lệnh hành chính) nên cân nhắc dùng “củ cà rốt” - bảo đảm lợi ích cho cả hai bên trong sân chơi để tạo sự lan toả.

Tham gia chuỗi cung ứng thông qua FDI: Hút FDI vào lĩnh vực thế mạnh | Doanh nghiệp - Ảnh 2.

- Theo ông, đâu là những giải pháp để đảm bảo hài hoà lợi ích cho cả hai bên, góp phần đưa doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng?

Trong thời gian tới, cần có những chính sách ở các cấp cao nhất, thể chế hoá các chương trình và chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị/sản xuất/cung ứng toàn cầu. Theo tôi, chính sách thu hút FDI cần theo 2 hướng.

Thứ nhất, hướng đến những lĩnh vực thế mạnh của nước ta như nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm… để Việt Nam có thể tham gia hợp tác, qua đó gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất của Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu. Trước đây, chúng ta ưu đãi thuế dựa trên ngành thâm dụng lao động thì hiện nay, chính sách thuế có thể xem xét dựa trên tỷ trọng giá trị gia tăng, cấu phần đầu vào của Việt Nam.

Thứ hai, ở những lĩnh vực thế mạnh này, có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sáp nhập, doanh nghiệp FDI góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp để trở thành đối tác chiến lược với doanh nghiệp trong nước. Với hình thức hợp tác này sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp FDI thâu tóm, bao sân dẫn đến khả năng mất thương hiệu nội địa như đã diễn ra.

Trái lại, doanh nghiệp FDI chia sẻ kinh nghiệm quản lý, công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh hiện đại. Doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng với hàm lượng công nghệ cao, cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất, qua đó gia tăng TFP trong toàn bộ các ngành kinh tế mũi nhọn. Trên thực tế, việc hợp tác chiến lược, mua bán cổ phần là hình thức gia tăng đầu tư FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Đây là xu hướng chung của thế giới, các nhà đầu tư an toàn lựa chọn lĩnh vực có thế mạnh, có năng lực cạnh tranh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hạnh Lê

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên