Tham gia CPTPP giúp tăng 20.000 – 26.000 việc làm mỗi năm
Sáng 02/11 tại Nghị trường Quốc hội, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày báo cáo tóm tắt thuyết minh về Hiệp định CPTPP, nêu rõ những tác động thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam.
Các mặt thuận lợi và cơ hội về kinh tế
Chính phủ nhận định, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho kinh tế Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP giúp tạo ra cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày.
Cần thực thi Luật An ninh mạng để yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam
Bên cạnh những thuận lợi, Chính phủ cho rằng có nhiều thách thức sẽ cần phải giải quyết khi Việt Nam tham gia CPTPP.
Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bảo lưu được lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài cho các sản phẩm này (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Bên cạnh đó, Chính phủ trong thời qua đã ban hành 3 Nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp v.v. để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới.
Một số sản phẩm khác cũng có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Các lĩnh vực nhạy cảm nhất như đầu tư hạ tầng viễn thông, đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, truyền tải và phân phối điện, điện nguyên tử, khai khoáng, phân phối dược phẩm, xăng dầu v.v. đều hoặc là không cho phép đầu tư, hoặc là bảo lưu quyền cấp phép hết sức chặt chẽ nên dự kiến sẽ không có tác động bất lợi.
Chính phủ khẳng định, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn.
Ngoài ra, với những lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể đóng góp nhiều hơn vào ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp… Điều này sẽ phần nào giúp cân bằng nguồn thu – chi cho ngân sách quốc gia.
Trong lĩnh vực lao động, thách thức liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
"Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn. Thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức của người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích v..v." – bản báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Về lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin, Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã ký thư song phương với các thành viên CPTPP về các nghĩa vụ Tự do lưu chuyển thông tin và Yêu cầu đặt máy chủ tại nước sở tại trong 2 điều khoản thuộc Chương Thương mại điện tử. Thư song phương này có giá trị hạn chế khả năng Việt Nam bị khiếu kiện trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Vì vậy, trong và sau lộ trình 5 năm, cần xây dựng kế hoạch, biện pháp thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP, Luật An ninh mạng, cũng như một số văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam nhằm vừa bảo đảm an ninh quốc gia nhưng cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại số trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số.
Chính phủ đề xuất Hiệp định và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Theo kết quả rà soát của Chính phủ, sẽ có 07 luật cần được sửa đổi, bỏ sung trong thời gian tới để phù hợp với Hiệp định CPTPP. Nếu dự Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này thì giảm còn 06 luật.